Buông lỏng quản lý sản xuất – kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp
Là người đăng đàn đầu tiên, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của mình, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Tĩnh đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn về nhiều vấn đề của các đại biểu và cử tri. Đặc biệt, nông nghiệp và đất rừng có thể xem là “nóng” và nhận được nhiều quan tâm nhất của dư luận.
Ông Đặng Ngọc Sơn |
Ở lĩnh vực nông nghiệp, khi trả lời câu hỏi của cử tri về việc buông lỏng quản lý nhà nước về sản xuất – kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết: trong giai đoạn vừa qua, ngành đã xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh 192/510 cơ sở, với số tiền là 876,5 triệu đồng; xử phạt nhiều cơ sở vi phạm hành chính về đo lường, niêm yết giá, không đủ điều kiện kinh doanh, hành nghề về thú y…
Tuy nhiên, khi đại biểu chất vấn thêm: “Có bao nhiêu cơ sở kinh doanh bị đình chỉ mà vẫn tiếp tục kinh doanh trở lại?”, thì Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận là …chưa nắm hết số liệu!
Còn nhớ, trước đây vị Giám đốc Sở này từng không ít lần bị phê bình trước tình trạng buông lỏng quản lý, không sát sao, dứt khoát trong điều hành, chỉ đạo liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Tiêu biểu và vào đầu năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc cung ứng, tiếp nhận giống lúa VTNA2 kém chất lượng cho người dân. Trong đó, nghiêm khắc phê bình Giám đốc cùng một số lãnh đạo Sở này về việc chưa tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý, lúng túng, thiếu trách nhiệm, không hiệu quả, không triệt để.
Riêng trong câu trả lời trên, dù trả lời đã nhiều lần xử phạt về vi phạm hành chính trong đăng kí kinh doanh cũng như các cơ sở vi phạm…, tuy nhiên không ít dư luận đặt dấu hỏi, liệu nhiều trường hợp vi phạm nhưng ngành này chỉ phạt “lấy lệ”, “cho có” mà thôi? để rồi khi cử tri băn khoăn, đại biểu chất vấn cụ thể, cặn kẽ hơn về việc có bao nhiêu cơ sở kinh doanh bị đình chỉ mà lại tiếp tục kinh doanh trở lại thì vị này không thể nắm được số liệu cụ thể.
“Tôi nghĩ Sở đâu thực sự sâu sát và quản lý chặt chẽ, nếu được như vậy thì những con số về vấn đề trên đã không thể “làm bí” vị Giám đốc sở này. Đặc biệt, nếu thực sự ngành này làm nghiêm túc, quyết đoán thì cử tri cũng đã không phải băn khoăn phản ánh, đại biểu cũng đã không phải chất vấn cụ thể như trên”, một người dân ở Thành phố Hà Tĩnh nêu ý kiến.
Chính ngay sau phần trả lời trên của ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự cũng không thỏa mãn và cho rằng, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thanh tra nhiều lần nhưng ngành vẫn buông lỏng.
Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Ngành NN&PTNT phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này và cần sớm rà soát, chấn chỉnh, xử lí dứt điểm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Né tránh” trách nhiệm
Đại biểu Dương Tất Thắng đặt câu hỏi chất vấn: Ngành NN&PTNT đã tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản trên địa bàn chưa?
Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của ngành NN&PTNT trong công tác tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản trên địa bàn như trên của đại biểu, ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng, trách nhiệm này không thuộc về ngành (?).
Theo nhiều cử tri, câu trả lời trên của vị giám đốc Sở quả thực khó chấp nhận được.
Về các làng quê, tiếp xúc với nhiều nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, khi người viết đặt câu hỏi: “vấn đề các bác quan tâm nhất, mong muốn nhất để mình gia tăng và phát triển sản xuất là gì?”, hầu hết người dân đều trả lời là “vấn đề đầu ra”, là làm thế nào để có thể tiêu thụ tốt sản phẩm nông nghiệp mà họ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra. Vậy mà ở đây, một người đứng đầu ngành nông nghiệp của tỉnh lại cho rằng, trách nhiệm đánh giá tiêu thụ sản phẩm không thuộc về ngành.
Dư luận cho rằng, nếu như coi đây không phải là trách nhiệm của ngành, không “tận tay, tận mắt” quan tâm sâu sát và tổ chức đánh giá, nắm bắt việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn thì làm thế nào biết đâu là cái thị trường đang cần, làm sao có thể định hướng đúng để người dân phát huy các thế mạnh của mình trong sản xuất và có phương hướng tiêu thụ các mặt hàng nông sản?
Tại phiên chất vấn diễn ra vào ngày 21/12/2014, trước bức xúc của rất nhiều của đại biểu về việc nguồn nước cung cấp cho hồ Bộc Nguyên (cung cấp nước sạch cho 45 ngàn dân TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận) bị ô nhiễm nặng nề do một số nguyên nhân như việc các hộ gia đình sau khi khai thác keo, tràm đã tách vỏ vứt bừa bải ở phía thượng nguồn; nhiều hộ gia đình sinh sống và chăn thả gia súc ở thượng nguồn khe Thình Lình xả nước thải thẳng xuống nguồn nước và đặc biệt là Công ty Việt Hà đã sử dụng các loại thuốc, hóa chất làm ảnh hưởng đến nguồn nước…Thay vì nhận trách nhiệm và tìm cách khắc phục thì ông Đặng Ngọc Sơn sau một hồi giải thích quanh co đã bất ngờ đổ lỗi cho phía Sở Xây dựng khiến đại diện Sở này bất bình phản ứng. |
Bài học về việc dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi trồng ra không bán được, hàng nghìn tấn hành tây tại Đà Lạt bị “ế” phải đổ bỏ hay không ít mặt hàng nông sản khác ở các địa phương thời gian không tiêu thụ được là bài học nhãn tiền, khẳng định sự quan trọng trong việc tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Dẫu biết liên quan đến việc tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản còn có trách nhiệm của một số ban ngành khác, nhưng thiết nghĩ không ai hiểu rõ ngành mình bằng chính bản thân ngành đó, vì thế câu trả lời như trên cũng đã không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu là điều chắc chắn. Và theo chủ tọa kỳ họp, ngành NN&PTNT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này, bởi nó liên quan đến tái cấu trúc ngành nông nghiệp, trong đó có nhiệm vụ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, không thể thả nổi cho người nông dân.
Vụ việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại Tiểu khi 192 (xã Hòa Hải, Hương Khê) cũng đã làm “nóng” nghị trường. Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Giám đốc Sở NN&PTNN cho rằng: “Sở NN&PTNN với vai trò chủ trì cùng với Sở TN&MT, UBND huyện Hương Khê chưa tập trung tham mưu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý rừng và đât lâm nghiệp, chậm vào cuộc, xử lí chưa dứt điểm. Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Hương Khê và Chủ tịch UBND xã Hòa Hải. Chủ rừng đã buông lỏng quản lý, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê”.
Về hướng giải quyết, ông Sơn cho biết, Sở NN&PTNN đã làm việc với UBND huyện Hương Khê thống nhất thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng, đồng thời hoàn trả tiền cho công ty.
Đại biểu Đoàn Đình Anh chất vấn thêm: “Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên tại Tiểu khu 192 là chưa lấy ý kiến của người dân thôn 10 và 11 thuộc xã Hòa Hải. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng: “Trong quy trình chuyển đổi có quy định lấy ý kiến, nhưng xã đã không tiến hành bước này, đúng hơn, dân không đồng tình nhưng xã vẫn ký hồ sơ. Về mặt pháp lý, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đã có đất để đầu tư. Công ty là người hưởng lợi nên lẽ ra phải có trách nhiệm với chính quyền trong việc lấy ý kiến. Quan điểm xử lý hiện nay là đất trả lại dân, tiền trả lại công ty”.
Dư luận đang đặt câu hỏi, vậy thì với tư cách là cơ quan quản lý “lâm nghiệp” trên địa bàn, chẳng lẽ không có phần trách nhiệm của Sở NN&PTNT trong việc này?
Chính Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Võ Kim Cự sau khi nghe cũng đã không thể bằng lòng với câu trả lời trên và cho rằng, Giám đốc Sở NN&PTNT đang né tránh trách nhiệm. Việc quản lý đất rừng để hệ lụy như lâu nay, trách nhiệm chính thuộc về Sở NN&PTNN. Khi chưa đủ điều kiện ngành vẫn để doanh nghiệp tiến hành đầu tư, thì ngành phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm gắn liền với “tín nhiệm”
Dư luận vẫn còn nhớ, tại phiên kỳ họp 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 10 chức danh do HĐND tỉnh bầu. Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tại kỳ họp lần này, ông Đặng Ngọc Sơn có 6 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 12,5% tổng số đại biểu), ông cũng là người có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất (26 phiếu, chiếm 54,2% tổng số đại biểu).
Trước đó, trong kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI, cũng chính ông Đặng Ngọc Sơn là người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong 15 chức danh được lấy tín nhiệm.
Nhiều người cho rằng, dường như việc “né tránh” và “đổ lỗi” đã trở thành một “thương hiệu” của Vị giám đốc Sở này. Còn nhớ, tại phiên chất vấn diễn ra vào ngày 21/12/2014, trước bức xúc của rất nhiều đại biểu về việc nguồn nước cung cấp cho hồ Bộc Nguyên (cung cấp nước sạch cho 45 ngàn dân TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận) bị ô nhiễm nặng nề, thay vì nhận trách nhiệm và tìm cách khắc phục, ông Đặng Ngọc Sơn sau một hồi giải thích quanh co đã bất ngờ đổ lỗi cho phía Sở Xây dựng khiến sở này bất bình phản ứng.
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ông Đặng Ngọc Sơn ở kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh lần này có thể thấy nhiều câu trả lời tiếp tục phát triển “thương hiệu” trên. Nhiều câu trả lời của ông không nhận được sự đồng tình của nhiều Đại biểu. Điều này càng khiến dư luận có cơ sở để cho rằng, việc Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh hai lần liên tiếp “đội sổ” phiếu tín nhiệm thấp cũng là điều không khó hiểu.
Đối với một ngành có vai trò lớn và quan trọng như ngành nông nghiệp thì sự mong đợi, kỳ vọng từ phía cử tri Hà Tĩnh đối với người đứng đầu Sở này rất lớn là điều tất yếu. Ai cũng hiểu được rằng, một ngành được xem là “đầu tàu” kéo “nồi cơm, niêu mắm” của phần đa người dân Hà Tĩnh đi lên thì vai trò và ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo càng lớn. Đó phải là người có tâm, có tầm, sâu sát với thực tiễn và hơn hết, đó phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu.
Dư luận đang đặt câu hỏi, không biết sau này, vị Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh có tiếp tục những câu trả lời “né tránh” trách nhiệm như trên trước cử tri tỉnh nhà nữa hay không?
Theo Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày18 tháng 8 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn về: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi và phát triển nông thôn; phòng, chống lụt, bão; an toàn nông, lâm, thủy sản và muối trong quá trình sản xuất đến khi đưa ra thị trường; về các dịch vụ công thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và quy định của pháp luật. |
Mai Nguyễn – Hà Vy – Long Đậu