Ngày 14/10, kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, cho biết đã cùng ba kỹ sư của Hội đi kiểm tra thực tế tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Diện tích hư hỏng không lớn, tập trung ở đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam) vận hành hơn một năm nay.
"Mặt cao tốc sụt lún là do thi công ẩu từ phần nền đến móng và mặt đường. Nếu làm đúng thiết kế, đầm chặt thì không lún và không bị bể phần mặt như đang thấy", ông Dân nói. Ngoài ra, có những nguyên nhân gián tiếp như khi làm mặt đường, đơn vị thi công đã đưa các thành phần không đúng vào pha trộn, nhiệt độ từ khi trộn đến khi thảm không đảm bảo; lu làn không đủ lượt...
Để đánh giá chính xác, ông Dân đề nghị giở lại nhật ký thi công nhiều năm trước, xem đoạn đường hư hỏng khi thi công có bị mưa hay không.
Các vết bong tróc, ổ gà đoạn qua Km 45 Tam Kỳ - Đà Nẵng. Ảnh: Hiếu Thanh. |
Theo ông Dân, trách nhiệm đầu tiên là của nhà thầu thi công vì làm không đúng quy trình thành phần pha trộn, số lượng lu lèn. "Quy định 20 lượt lu nhưng có thể họ chỉ lu năm đến mười lượt để bớt xén xăng dầu. Kỹ sư giám sát không làm tròn trách nhiệm", ông nói.
Nhìn nhận về cách sửa chữa, ông Dân cho rằng cách sửa như hiện nay là "vá" ở điểm sụt lún. Để sửa đúng thì phải dùng máy cắt mặt đường khu vực bị sụt lún cho vuông vức, lu làn lại nền đường bê tông dưới rồi làm lớp cấp phối, dùng lu tay lèn lại một lần nữa rồi trải nhựa và lu mặt phẳng phía trên cho khỏi gồ.
Ông Dân cho rằng chủ đầu tư cần kiểm tra toàn tuyến, Bộ Giao thông phải xem xét toàn bộ quá trình thi công.
Bộ Giao thông Vận tải cần giao Cục quản lý chất lượng công trình giao thông tìm nguyên nhân hư hỏng cao tốc là ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam.
Theo ông Long, thay vì yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) tìm nguyên nhân và xử lý sự cố, Bộ cần phải giao cho Cục quản lý chất lượng công trình. Cơ quan chuyên môn này có thể mời một số chuyên gia khảo sát và có ý kiến độc lập. Sau khi tìm ra nguyên nhân, việc xử lý sự cố mới triệt để, còn các trám vá hiện chỉ là giải pháp tình thế.
Phán đoán về nguyên nhân hư hỏng, ông Long cho rằng 90% là thi công không đảm bảo. Đây là trách nhiệm của nhà thầu, ngoài ra còn do vật liệu không đạt tiêu chuẩn. Cơ quan chức năng cần kiểm định chất lượng vật liệu, quy trình cấp phối, lu lèn.
Trước đây, lớp móng của bê tông nhựa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từng bị hư hỏng nên theo ông Long, cần xem xét mối liên hệ giữa các sự cố.
Đồng quan điểm, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, Bộ Giao thông cần giao đơn vị tư vấn độc lập hoặc Viện Khoa học công nghệ giao thông kiểm định chất lượng cao tốc. Nếu không tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ thì mặt đường sau khi sửa vẫn tiếp tục hỏng, sẽ phải bóc đi làm lại.
"Tôi thấy nhiều dự án giao thông chạy theo tiến độ. Khi một công trình bị ép tiến độ, bị ép giá thì không thể đảm bảo chất lượng", ông Chủng nói.
Đầu tháng 10, tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ Km0 đến Km65 xuất hiện một số vị trí mặt đường bê tông nhựa bị rạn nứt, tạo ổ gà. Việc sửa chữa khắc phục không kịp thời trong khi các phương tiện tham gia giao thông với tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Bộ Giao thông nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc VEC với vai trò là chủ đầu tư dự án, đã chậm trễ trong xử lý hư hỏng mặt đường, trả lời báo chí không kịp thời, né tránh trách nhiệm. Bộ cũng yêu cầu Hội đồng thành viên chỉ đạo rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân; khắc phục hư hỏng và tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố.
Tác giả: Nguyễn Đông - Đoàn Loan
Nguồn tin: Báo VnExpress