Trong nước

Cải cách bộ máy: Người dân “đo” hiệu quả công việc của chính quyền

Phường cải cách thủ tục, bộ máy, công việc “trôi” nhanh hơn. Xã thực hiện nhất thể hoá các chức danh lãnh đạo, hợp nhất các cơ quan, người dân đỡ lo phải nuôi công chức “cắp ô”. Với cán bộ, công chức, thay đổi là áp lực, là chọn lọc, cũng là thêm sức mạnh, động lực làm việc…

“Ghép người, ghép việc” đỡ gánh nặng cho người dân

Phục vụ người dân tại phòng một cửa UBND phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long

UBND phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) trong một buổi chiều ngày 2/8/2018 tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho hơn 50 trường hợp người dân tới giao dịch. Người đến, người đi liên tiếp tại các bàn thủ tục. Trung bình mỗi bàn thủ tục cần xử lý công việc cho khoảng 15 lượt người/buổi làm việc. Tiếng cộp dấu, gõ máy lách cách đều đều trong phòng một cửa. “Dây chuyền” chạy liên tục nhưng trôi chảy, không căng, không rối.

Đây là phường trung tâm của thành phố Hạ Long với hơn 12.000 nhân khẩu, chia thành 7 khu vực dân cư. Cả phường có 23 công chức để đảm đương số công việc phục vụ lượng người dân như vậy.

Trao đổi về công việc , ông Nguyễn Đình Nam - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng nêu nguyên tắc, cán bộ công chức phường tiếp nhận phải xử lý công việc của người dân ngay, hồ sơ nào đủ điều kiện phải giải quyết trong ngày, nếu không cũng phải trả lời, hướng dẫn bổ sung ngay.

Công việc hành chính tại UBND phường có nhiều thay đổi khi thực hiện đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh).

“Công việc được giải quyết thuận lợi tạo sự đồng thuận trong người dân, doanh nghiệp nên cơ bản tới nay không còn tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Phường cũng luôn cập nhật thông tin từ thành phố, tỉnh để thực hiện nhiệm vụ, như hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ về kiến thức pháp luật về kỹ năng, thái độ khi tiếp xúc người dân…” – ông Nam nói.

Còn theo ông Đào Đức Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch MTTQ và Chủ tịch Hội người cao tuổi phường, bình thường, một phường mỗi tháng có khoảng 400 - 500 lượt công dân nhưng riêng phường Bạch Đằng có tháng lên tới 2.000 lượt công dân. Tuy nhiên cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu của dân khi đến.

Cũng theo ông Nghĩa, để có thể đáp ứng được yêu cầu của người dân, phường luôn lắng nghe phản ánh của người dân để điều chỉnh. Do đó tại phường chưa từng có chuyện người dân bức xúc về thái độ, phong cách của công chức phường.

Ông Nghĩa cho biết thêm, phường nào làm tốt, đáp ứng được yêu cầu, tạo sự thoải mái thì người dân sẽ tìm đến, lệ phí sẽ nộp về phường đó (công chứng, chứng thực).

Tại UBND xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, gần trưa, từ phòng tiếp dân ra, ông Hà Văn Bành (trú tại thôn Cây Thau) vui vẻ khoe văn bản vừa được chứng thực. Ông hồ hởi cho biết, chỉ sau 30 phút ngồi chờ đã lấy được văn bản theo yêu cầu.

Ông đánh giá, việc cải cách thủ tục, cách thức làm việc tại xã rất phù hợp, giúp giảm bớt được thời gian chờ đợi của người dân.

Nói về việc xã nhà đang thực hiện việc nhất thể hoá chức danh Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã, ông Bành cho biết, người dân đều được phổ biến thông tin này. Ông nhận xét, việc “ghép người ghép việc” là hợp lý. Vấn đề chỉ cần cán bộ giữ được bản lĩnh trung thành, nắm vững đường lối chính sách thì tinh gọn các cơ quan như vậy có lợi, để người dân đỡ phải chi phí, đóng góp nhiều tiền ngân sách.

“Cải cách bộ máy như vậy thực sự quá thiệt thực với người dân. Làm như thế, khi có việc, người dân phản ảnh gì thì chỉ cần nói với một người, làm việc với một đầu mối thôi là lãnh đạo nắm được chứ cứ như trước, phản ảnh chỗ này lại bị “đổ” qua chỗ nọ, chỗ kia, người dân rất khổ” – ông Bành nhận xét.

“Phép thử” nhất thể hoá

Lãnh đạo huyện Vân Đồn, xã Đoàn Kết (trái) làm việc với báo chí tại trụ sở UBND xã

Tiếp nhận những ý kiến thẳng thắn đó, Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn Bùi Văn Cẩn cho biết, thực hiện Đề án 25 của tỉnh, huyện Vân Đồn cũng có riêng một đề án, thực hiện nhất thể hoá một số chức danh như Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Chủ tịch UBND (thực hiện ở các xã Minh Châu, Bản Sen), hoặc Bí thư kiêm chủ tịch HĐND (như ở xã Đoàn Kết).

Địa phương cũng thực hiện hợp nhất các cơ quan như Phòng Nội vụ và Ban Tổ chức Huyện uỷ, nhất thể hoá chức danh Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ và Trưởng phòng Nội vụ huyện; Trưởng phòng Thanh tra và Chủ nhiệm UB kiểm tra Huyện uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin…

Ngoài ra, huyện Vân Đồn cũng thực hiện việc hợp nhất cơ quan giúp việc chung của MTTQ và các đoàn thể (6 đoàn thể).

Ông Cẩn khái quát, việc thực hiện phương án nhất thể hoá một số chức danh tại huyện Vân Đồn thời gian qua đã cho thấy hiệu quả tích cực đối với công việc. Nhất thể hoá giúp phát huy được sức mạnh của các cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ.

Phó Bí thư thường trực kiêm Chủ tịch HĐND huyện dẫn chứng, việc giải phóng mặt bằng làm sân bay Vân Đồn vừa qua cho thấy rõ, khi các đoàn thể, cơ quan cùng hợp sức, phân chia ra các việc cần làm, đi xuống cơ sở, xuống tận các nhà dân để vận động, thuyết phục, đặc biệt là những hộ gia đình chưa tán thành thì kết quả đạt được rất cao. Chỉ trong vòng 2 tháng, ngay trước Tết, tất cả các gia đình đã đồng thuận di chuyển, giao đất sạch cho hoạt động thi công sân bay.

Ông Cẩn nhấn mạnh, việc thay đổi phương thức tổ chức bộ máy như vậy đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của địa phương.

Việc thành lập bộ máy giúp việc chung của các cơ quan thì góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, có thể linh hoạt điều động khi mỗi người đều đã am hiểu nhiều phần công việc khác nhau, giao việc gì cũng có thể làm được ngay.

Tinh gọn bộ máy cũng giúp giảm thiểu thời gian làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương của các cơ quan. Ông Cẩn so sánh, trước đây, khi chưa hợp nhất, có việc gì xuống địa phương, từ kiểm tra tới dự sơ kết, tổng kết, các cơ quan đều đăng ký làm việc với đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể tại huyện, xã. Như vậy, mỗi đoàn đều mất 6 cuộc làm việc về những nội dung tương tự nhau với các cơ quan khác nay. Sau thực hiện cải cách bộ máy thì đoàn tới có thể làm việc với tập thể lãnh đạo địa phương, vừa về các nội dung chung và nội dung chuyên biệt khác nhau.

“Nói chung bộ máy điều hành nhịp nhàng hơn mà có cơ chế phân công trách nhiệm cũng rõ ràng hơn và không bị chồng chéo. Việc phải làm kiêm nhiệm nhiều phần việc cũng đòi hỏi cán bộ phải nghiên cứu, học hỏi, phải được tập huấn, nâng chất lượng công việc giải quyết lên. Tất nhiên cũng còn những vấn đề phải hoàn thiện, phải rút kinh nghiệm nữa chứ không phải mọi thứ đều trơn tru hết được nhưng đánh giá cho đến thời điểm này cho thấy việc thực hiện cơ bản là thuận lợi, nhiều mô hình phát huy hiệu quả tốt” – ông Cẩn trao đổi.

Huyện cũng thực hiện việc thăm dò đánh giá của người dân thì thấy khi thực hiện chủ trương này, nhân dân rất đồng thuận vì nhất thể hoá, hợp nhất các cơ quan thì tinh giản được biên chế, giảm chi phí vận hành bộ máy, đầu mối công việc gọn hơn, việc giải quyết công việc tập trung, thông suốt hơn.

UBND huyện Vân Đồn trước đây có 91 người, giờ giảm còn 79 cán bộ công chức, Huyện uỷ trước đây quân số là 53, giờ xuống còn 50 người. Dù mới chỉ giảm được một số “cấp trưởng”, cần có thời gian “đo đếm” thêm nhưng ông Cẩn nhận định, người dân rất đồng tình vì công việc giải quyết thuận lợi hơn, không còn trùng lắp, chồng chéo.

Đến thời điểm này (sau hơn 4 năm thực hiện đề án), tại Vân Đồn cũng chưa ghi nhận phản ánh về việc hợp nhất khiến cán bộ, lãnh đạo huyện, xã chuyên quyền.

Tác giả: P.Thảo –H.Sâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP