Xem bói, Tử vi

Cách cúng vía thần tài mùng 10 tháng Giêng

Ngày vía được định nghĩa là ngày liên quan đến tâm linh, sự thay đổi linh hồn của một người. Ngày vía này có thể là ngày sinh, ngày mất, ngày thành đạo… Chẳng hạn “Lễ vía Đức Phật A Di Đà đản sanh 17-11 âm lịch” là ngày sinh, “ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo” là ngày thành đạo… Còn thần tài, theo ghi chép sớm nhất liên quan đến ngày sinh của thần tài là “Ngọc hạp ký” của Hứa Chân Quân, đời Tấn vào ngày 22 tháng 7 âm lịch. Hiện nhiều nơi ở Trung Quốc vẫn tổ chức đón thần tài vào ngày này.

Người kinh doanh nên cúng ở địa điểm kinh doanh; lễ ở nhà riêng không nên đặt mâm cúng ngoài cửa hay ở sân. Đồ lễ đơn giản mới được thần tài chú ý.
vang1-1391927791-660x0_1423707917.jpg

Người dân chen chúc mua vàng trong ngày “Vía thần tài” năm 2014. Ảnh: Anh Quân.

Thần tài quen thuộc nhất trong dân gian là Triệu Công Minh. Ngày sinh của Triệu Công Minh có nhiều thuyết, thông dụng nhất là hai ngày: 15 tháng 3 (theo Nam Sơn cư sỹ đời Tần) và 22 tháng 7 (trùng với thuyết của Hứa Chân Quân ở trên), đồng thời các nhà thiên văn cổ cho rằng đây là ngày “mặt trời sáng nhất”. Do đó, ngày vía thần tài nếu có sẽ là ngày 22 tháng 7 hàng năm.

Những năm gần đây xuất hiện trào lưu người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày “vía thần tài” mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Thực tế, ngày này chỉ là do một số người kinh doanh tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm, chứ không có tài liệu nào ghi chép, cũng như phong tục trong dân gian. Người dân có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này.

Đầu năm, hầu hết các gia đình người Việt đều có lễ đón Thần tài theo phong tục dân gian cho rằng đầu năm cần chào đón thần tài từ thiên đình về hạ giới. Lịch trình cụ thể là mùng 2 làm lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), mùng 3 đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 là đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Riêng với các cửa hàng kinh doanh thì cúng thần tài hàng ngày.

Cách lễ cúng thần tài bao gồm:

Nơi cúng lễ

Việc làm lễ đón thần tài được cho là rất quan trọng vì theo dân gian, có đón thần tài mới bổ sung thêm được tài lộc trong năm. Người làm kinh doanh, không làm kinh doanh đều làm lễ giống nhau, chỉ khác là địa điểm. Người làm kinh doanh thờ thần tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân “thổ địa” thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần tài.

Nhiều người lễ ở nhà riêng thường đặt mâm cúng trước cửa, hay ngoài sân, ban công. Thực tế, cúng ngoài sân hay ngoài cửa dễ có “vãng vong”, dân gian gọi là vong lang thang vào phá. Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà.

Thờ thần bao nhiêu thì vừa

Nhà đã có ban thờ thần linh, gia tiên thì không nên làm thêm ban thờ thần tài, như đã giải thích ở bài Nghi lễ cúng ông Công ông Táo. Thờ nhiều thần thánh trong nhà sẽ làm gia đình bất hòa, con cái khó bảo hoặc gây ra những trục trặc khác. Nhiều nhà đặt cả Phật Di Lặc ngồi trên ban thờ thần tài, hay ban thờ thổ địa đặt riêng trên ban thờ thần tài… là không cần thiết và không nên, trong tâm linh là bất kính. Thực tế đo đạc bằng máy móc khoa học cũng thấy những trường hợp này gây ra trường khí nhiễu loạn, không ổn định. Nếu trót đặt nhiều ban thờ, nhiều bát hương nên làm lễ để thu gọn bớt lại.

Đồ lễ

Đồ lễ đơn giản, lễ vừa phải, không xa xỉ lãng phí mới được thần tài chú ý. Đa phần chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch. Nhiều nơi làm lễ cúng thần tài to hơn cả cúng tất niên là không cần thiết. Một số lưu ý:

– Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.

– Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.

– Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ… đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Không nên dùng hoa giả.

– Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt… Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.

– Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện… vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.

Nội dung văn khấn (chỉ để tham khảo)

Kính lạy: Thần linh Thổ địa, Phúc đức Chính thần, Tài thần (nếu làm ở nơi kinh doanh, hay ngoài sân), Gia tiên họ …., bà cô ông mãnh, chư vị tiên linh (nếu làm trong nhà, ở ban thờ gia tiên thì thêm phần này)

Hôm nay là ngày …… tháng ….. năm Ất Mùi.

Chúng con là…………………………………………………

Ngụ tại………………………………………………………

Chúng con thành tâm, bày biện hương hoa, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Kính xin phù hộ độ trì, con cháu mạnh khỏe, gia đạo bình an, phát tài phát lộc, sở cầu như ý.

Nguyễn Mạnh Linh
Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc
Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP