Kinh tế

'Bông hồng vàng' Phú Yên đổ nợ: Khách sạn, resort trăm tỷ bị tịch thu

Thuận Thảo điển hình về một "đại gia" sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư dàn trải bất động sản vào đúng giai đoạn thị trường khủng hoảng và nền kinh tế đang xuống dốc nên thua lỗ.

Nữ doanh nhân Võ Thị Thanh


Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 29 mã chứng khoán trên UPCoM sẽ chính thức bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12. Các cổ phiếu trên bị đình chỉ giao dịch do các tổ chức giao dịch chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.

Trong danh sách 29 mã chứng khoán bị đình chỉ giao dịch từ hôm nay, nhiều cổ phiếu thuộc về doanh nghiệp của các đại gia nổi tiếng một thời.

Đáng chú ý là cổ phiếu GTT của Công ty cổ phần Thuận Thảo, doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "Bông hồng vàng" trong giới kinh doanh Phú Yên.

Công ty cổ phần Thuận Thảo từng là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực vận tải phía Nam và lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản.

Nhờ những thành công trong hoạt động kinh doanh giai đoạn 2006-2011, bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng vàng.

Sau khi thành lập, Công ty Thuận Thảo phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên khi tiên phong tạo nên nhiều cái "đầu tiên": doanh nghiệp tư nhân đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao ở Phú Yên, siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…

Thuận Thảo đã liên tục xây dựng hàng loạt dự án bất động sản du lịch tại TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo, khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai…

Khách sạn Cenduluxe và Trung tâm hội nghị – triển lãm – dịch vụ du lịch Thuận Thảo.

Khi Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, giữa những ngôi nhà thấp tầng và kém khang trang thì khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh. Khách sạn này gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại…

Ngoài khách sạn 5 sao, trong giai đoạn 2009-2013, ở Phú Yên, bà Thanh còn nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như đầu tư khu vui chơi giải trí, dịch vụ vận chuyển hành khách với bến xe khách tư nhân và hàng chục xe khách chạy khắp cả nước, bất động sản nghỉ dưỡng.

Năm 2011, Thuận Thảo tiếp tục thành lập công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh). Sau khi thành lập, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.

Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp của nữ doanh nhân này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa vẫn chưa phát triển, thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng khiến Thuận Thảo Nam Sài Gòn phải vay nợ ngân hàng, đối tác để phát triển dự án.

Từ đó, Công ty Thuận Thảo không còn khả năng trả nợ khoản vay hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng, dẫn đến hàng loạt tài sản ở Phú Yên thuộc công ty này bị kê biên, phát mãi.

Hiện Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản xuống cấp trầm trọng nhưng không có nguồn vốn đầu tư nâng cấp. Một số dự án khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao... xây dựng hiện đại, sử dụng nguồn vốn quá lớn, không phù hợp với thực tế địa phương dẫn đến doanh thu xuống mức thấp.

Toàn bộ chuỗi bất động sản ở Phú Yên của Công ty cổ phần Thuận Thảo đều bị kê biên, phát mãi để trả nợ.

Điển hình, khách sạn 5 sao Cendeluxe (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị kê biên, phát mãi từ định giá ban đầu gần 500 tỷ đồng, sau 18 lần giảm giá còn hơn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua.

Còn khu Resort Thuận Thảo được bán với giá 42 tỷ đồng sau 5 lần tổ chức bán đấu giá và 4 lần giảm giá. Khu mở rộng Trung tâm Hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo cũng vừa bán được gần 31 tỷ đồng sau 15 lần tổ chức bán đấu giá.

Có thể nói, Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một "đại gia" sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư dàn trải bất động sản vào đúng giai đoạn thị trường khủng hoảng và nền kinh tế đang xuống dốc nên thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố, tính đến tháng 9/2020, lỗ lũy kế của Thuận Thảo đã vượt 1.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng ghi nhận khoản nợ phải trả đến cuối quý III/2020 là hơn 1.746 tỷ đồng (97% là nợ ngắn hạn) trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Thuận Thảo từng niêm yết cổ phiếu GTT trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu (sau điều chỉnh là 13.900 đồng).

Nhưng do tình hình kinh doanh không khả quan, các dự án đầu tư kém hiệu quả, thị giá GTT thời điểm lên cao nhất chỉ đạt xấp xỉ 15.500 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) vào tháng 1/2014, sau đó là chuỗi ngày đi ngang và giảm liên tục.

Đến tháng 6/2016, 43,5 triệu cổ phiếu GTT bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài và phải chuyển xuống giao dịch tại UPCoM.

Trước khi bị cơ quan quản lý đình chỉ giao dịch, cổ phiếu GTT có giá 300 đồng/đơn vị và thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP