Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) cùng 8 đồng phạm bị Viện KSND Tối cao truy tố về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Bầu Kiên trong phiên sơ thẩm. |
Trong đó, ông Kiên bị truy tố về cả 4 tội danh nói trên. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
VKSND Tối cao cho rằng, các bị cáo đã gây ra thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội, trong đó có hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế.
Theo VKSND Tối cao, việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông: Giá, Quang, Cang, Kỳ, Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB của ông Kiên và ông Kỳ là làm trái quy định tại Điều 29, Quyết định của Bộ Tài Chính, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo: Giá, Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên còn bị xem xét về hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng…
Sẽ tách hồ sơ phần phạm tội của ông Giá?
Trước đó, vào ngày 16/4, phiên sơ thẩm xử ông Kiên và đồng phạm đã diễn ra. Tuy nhiên, phiên tòa hôm đó đã phải hoãn vì lý do tình trạng sức khỏe của ông Trần Xuân Giá, không thể đến tòa.
Trước ngày diễn ra phiên xử lần hai, trao đổi với VietNamNet, luật sư của ông Giá là ông Lưu Tiến Dũng cho biết, thân chủ của ông mong muốn được đến hầu tòa dù sức khỏe của chưa cho phép.
Theo lời luật sư Dũng, với sự nỗ lực tối đa của các bác sỹ, ông Giá sẽ cố gắng hết khả năng của mình trong việc nâng cao thể trạng để có thể có mặt tại phiên tòa.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc, nếu phiên xử lần hai, ông Giá tiếp tục vắng mặt, theo quy định của pháp luật, việc này sẽ được xử lý như thế nào?, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay: Nếu HĐXX xét thấy không có căn cứ xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá thì ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm Sát, Cơ quan điều tra để ra quyết định tách vụ án hình sự đối với bị can Trần Xuân Giá để khi nào đủ điều kiện thì phục hồi đưa ra xét xử sau theo qui định của pháp luật.
Trong thực tế xét xử, trường hợp bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt vì lý do bệnh hiểm nghèo (không đủ năng lực hành vi) để tham gia xét xử, cũng giống như trường hợp vụ án có nhiều bị cáo nhưng đến khi xét xử sơ thẩm thì bỏ trốn.
Trong trường hợp này, Tòa án sẽ trả hồ sơ cho VKS, CQĐT để ra quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ bị can để khi nào bắt được sẽ xét xử sau.
Điều 117. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của Bộ luật hình sự. 2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. 3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định. |
T.Nhung