Xoay quanh câu chuyện đang gây bức xúc, đã có nhiều ý kiến trái chiều, những phát biểu “khó nghe” của người trong cuộc khiến vụ việc “nóng” lên từ các trang báo cho đến nghị trường Quốc hội. Thậm chí còn xảy ra tranh luận cả cách dùng từ “lễ tân” hay “tiếp viên” để đúng với bản chất… sự cố.
Nói một cách khái quát thì lễ tân hay tiếp viên đều không có gì xấu; làm công việc nào cũng vậy, chỉ có con người tự đánh mất nhân cách, phẩm hạnh của mình mà thôi.
Lễ tân – hiểu một cách nôm na (trong tổ chức sự kiện) là nhân viên đón tiếp khách, hướng dẫn, cấp phát tài liệu, pha trà mời nước, giải đáp các thắc mắc… Người làm công việc này đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử và đặc biệt ngoại hình… dễ nhìn.
Thông thường, ấn tượng tốt đầu tiên đối với quan khách chính từ những nụ cười thân thiện, sự duyên dáng, tính năng động của đội ngũ lễ tân. Hình ảnh đẹp đẽ ấy được xem như bộ mặt đại diện cho một tổ chức, một địa phương. Thành thử người được lựa chọn làm lễ tân “bất đắc dĩ” thường rất hãnh diện và cụ thể hơn là kiếm được khoản thù lao tương xứng với sức lao động.
Tiếp viên – Nhân viên đón tiếp (theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, trang 988) phục vụ khách trên máy bay, trong các nhà hàng, khách sạn… Như vậy, nếu trường hợp tiếp khách ở môi trường có ăn uống, có hát hò, có “cụng ly” … quàng vai bá cổ thì dùng danh từ tiếp viên âu hợp lý hơn.
Nữ giáo viên đi tiếp khách được gọi bằng “lễ tân” hay “tiếp viên”?
Song, vấn đề gây bức xúc xã hội ở chỗ tấm gương sáng của người thầy – tức những kỹ sư tâm hồn, bất ngờ bị đem ra làm trò “vui vẻ”.
Trao đổi về việc điều động các cô giáo trẻ đẹp đi tiếp khách tại TX Hồng Lĩnh vừa rồi, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH đã nêu ý kiến trên báo Hà Tĩnh, rằng:
“Trước hết, làm giáo viên thì phải thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục, đó chính là dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Còn làm những việc như đi tiếp khách, làm lễ tân như vậy là phi giáo dục.
Có những lúc cần thiết thì phải điều động như cứu hộ, cứu nạn, thiên tai nhưng bình thường mà điều động giáo viên đi làm những việc không đúng với chức năng của một nhà giáo như đi tiếp khách thì đó là hành động rất phản cảm. Dù có biện hộ bằng cách nào thì cũng không thể chấp nhận được bởi ở huyện nào chả có bộ phận lễ tân, văn phòng. Trong trường hợp thiếu người phục vụ thì đề nghị với bộ phận văn phòng của các xã, các thị xã, huyện bên cạnh. Bản thân giáo viên không phải là người đi tiếp khách, đi làm lễ tân mà phải tập trung cho giáo dục”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định: “Vụ việc giáo viên đi tiếp khách ở Hà Tĩnh là rất không tốt”.
Liên quan đến sự cố này, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT sáng 16/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Đây là hoạt động đáng tiếc, cần rút kinh nghiệm. Để xã hội nóng lên vì vấn đề này là không được. Trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các cô”.
Và ngay trong buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã “nói lại cho rõ” việc dùng câu từ “Cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ thôi” là căn cứ theo giải trình của chính quyền nơi xảy ra vụ việc, mong đại biểu Quốc hội thông cảm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Việc cử giáo viên đi tiếp khách rồi uống rượu là không được”.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống khó ai có thể hoàn thiện “mười phân vẹn mười”; việc thấy sai thì sửa, nói chưa đúng phải nói lại cho rõ là chuyện bình thường, là tính cách ứng xử quân tử của người có văn hóa. Tuy nhiên vẫn còn đó sự dằn vặt, nỗi đau lòng bởi những phát ngôn rất “khó nghe” của một số cán bộ liên quan trong việc điều động nữ giáo viên đi tiếp khách, nhưng trước phản ứng của dư luận họ vẫn điềm nhiên im lặng… cho qua phà.
1. Trả lời báo chí ngay khi sự việc “bùng phát”, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD – ĐT thị xã Hồng Lĩnh xác nhận có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ và “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Đã gọi bằng hành động không đẹp mà bảo bình thường thì rất khó hiểu. Câu hỏi được đặt ra là, giả sử vợ con của ông Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Hồng Lĩnh trở thành nạn nhân của những hành động không đẹp thì ông có kết luận sự việc ấy bình thường không?
2. Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Hổ – Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, đã phát biểu với VnExpress (13/11) trước phản ánh của một số nữ giáo viên sau liên hoan dân ca phải đến nhà hàng tiếp đón quan khách là “không vấn đề gì, sợ nhất đến phục vụ đại biểu ăn lại không được ăn”.
Chưa hết, ông Hổ còn khẳng định trên báo Vietnamnet “Sắp tới có các lễ hội lớn sẽ vẫn phải tiếp tục điều động để làm nhiệm vụ”.
Xem ra những phát ngôn nóng vội kiểu “lệ làng” đã khiến xã hội bức xúc. Đương nhiên rằng… thì… là… rút kinh nghiệm. Và sai thì sửa, nói chưa đúng cũng cần phải nói lại cho rõ – đó là tiêu điểm mà dư luận hiện đang rất quan tâm.
Lệ Hoa
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả