Trong nước

Tư tưởng “ngân sách là chùm khế ngọt” đã ăn sâu vào công tác quản lý

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), cho đến nay, quan điểm “ngân sách là chùm khế ngọt” vẫn còn ăn sâu vào công tác quản lý. Thế nên, nhiều công trình đầu tư cấp bách phải chờ ngân sách trong khi có những công trình làm xong bỏ phí, không sử dụng.

Phát biểu tại phiên thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ, Thủ tướng sáng ngày 29/3, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn, có những hạn chế của Chính phủ mà Quốc hội cần chia sẻ.

Chẳng hạn như vấn đề thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi đầu tư và trả nợ; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khó trả lời khi nào chấm dứt vì phụ thuộc vào địa phương và ý thức người dân.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng lãng phí và chạy chức chạy quyền, theo ông Phương cần phải được đẩy lùi. “Ta thiếu cơ chế, cơ sở gắn trách nhiệm cho người đứng đầu nên câu hỏi chạy ai – ai chạy chưa trả lời được” – vị đại biểu nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng đưa ra đánh giá, những bất cập như hàng giả hàng nhái, cướp bóc… thế nhưng pháp luật chỉ giải quyết phần ngọn, nguyên nhân từ đâu thì không ai tìm hiểu. Vì vậy, những năm tiếp theo cơ quan nào trình luật thì phải chịu trách nhiệm trước dân – bà Khá đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương

Nói về kỷ luật ngân sách, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) phản ánh, cho đến nay, quan điểm tư tưởng “ngân sách là chùm khế ngọt” vẫn còn ăn sâu trong công tác quản lý, việc cơ cấu chi ngân sách là bài toán chưa có đáp số và là vấn đề nan giải.

Ông Phương cho rằng, không thể chấp nhận một công trình trụ sở, một bến cảng hay nơi neo đậu của tàu thuyền làm xong mà không có nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp hoặc có khi phải chuyển đổi công năng thiết kế ban đầu.

Trong khi đó có rất nhiều công trình cần đầu tư cấp bách để đảm bảo an toàn, an sinh cho người dân thì lại phải chờ ngân sách.

Hiện tượng mỗi khi đến cuối năm đơn vị được giao chi ngân sách tìm mọi cách để chi hết nguồn đã xảy ra nhiều nơi, nhiều năm nay, quan điểm chi hết ngân sách để khỏi bị thu lại hoặc nếu chi không hết năm tới sẽ bị cấp dự toán ít hơn làm giảm đi tính hiệu quả của công tác quản lý và xảy ra tình trạng lãng phí là điều tất yếu.

Vị đại biểu chỉ ra một thực trạng đáng buồn trong đời sống kinh tế, trong quan hệ thương mại, đó là “lớn thì kiểm giá, nhỏ thì tìm cách lấp hóa đơn để trốn thuế nhưng vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đảm bảo thu cho ngân sách”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) trăn trở: Hãy nhìn ý thức chấp hành pháp luật của người Nhật, so với thời bao cấp, ý thức chấp hành pháp luật đi xuống đến mức báo động. Vi phạm giao thông, xả rác, bán hàng giả, vi phạm kỷ luật, tham nhũng, lãng phí… đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật yếu kém.

“Nhìn xem cũng là người Việt nhưng ra nước ngoài nghiêm túc, về nước lại vi phạm. Rõ ràng không chỉ có lỗi người vi phạm mà còn do bất cập quản lý của nhà nước” – ông Cường dẫn chứng.

Theo đó, ông Cường cho rằng, không nên ban hành những quy định kiểu như xe ô tô phải có bình chữa cháy. Việc đưa ra những quy định thiếu thực tiễn sẽ mất quyền uy của pháp luật – vị đại biểu nêu quan điểm..

Về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, với tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, phạm pháp lan tràn như hiện nay, nếu Thủ tướng sớm kỷ luật vài vụ thì tình hình sẽ tốt hơn.

“Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Bộ trưởng, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ trong hành pháp” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP