Trong nước

Thêm những Chủ tịch tỉnh, Tổng cục trưởng nào phải xin lỗi?

Trong nỗi lo thường trực bị "chặt chém" không thương tiếc trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, hàng chục ngàn du khách có lẽ đã thầm hét lên sung sướng khi đến công viên Thủ Lệ chỉ vì giá gửi xe ở đây chỉ từ 1 – 2 ngàn đồng, thay vì chặt chém 10-15 ngàn đồng như các kỳ lễ trước.


Nhưng dường như đó chỉ là niềm vui nhỏ nhoi của một cộng đồng nhỏ nhoi, khi mà đi đâu, du khách cũng gặp những “đao phủ” chỉ rình để được “xả thịt” đồng loại mình.

Đi taxi đoạn đường 7 km ở Hà Nội, du khách Úc bị chặt 980.000đ thay vì 98.000đ.

6 người vào nhà hàng ăn cơm ở Khánh Hoà bị chém 500.000đ tiền ghế ngồi và tắm tráng.

Một số bãi giữ xe đêm pháo hoa ở “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” – Đà Nẵng – cũng thít cổ khách tới 200.000đ/ một vé gửi xe ô tô. Khi khách phản đối thì bị dọa bẻ gương chiếu hậu.

Du khách đến khu nước khoáng nóng Kim Bôi, Hoà Bình đã gần như phải “đấu giá” để sở hữu một phòng khách sạn 1 sao với giá 2.000.0000đ cho 4 giờ lưu trú.

Không thể đếm được danh sách những “nạn nhân” và “máy chém made in Vietnam”, vì chắc chắn phải kín cả trăm trang báo. Nhưng có một danh sách khác hoàn toàn đếm được, đó là “danh sách các quan chức cần xin lỗi”.

Sau khi bà Ilona Schustz người Úc bị xích lô “siết cổ” 1.300.000đ cho 5km, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch, đã đến tận nơi, thay mặt ngành hoàn trả tiền và xin lỗi nạn nhân.

Vậy, sau đợt nghỉ Lễ này, ông Tuấn có tiếp tục xin lỗi các du khách khác? Các ông chủ tịch tỉnh, huyện đang cai quản những địa phương có nhiều “máy chém” nằm trong “danh sách quan chức cần xin lỗi” du khách, thì sao?

Ông chủ tịch tỉnh Khánh Hoà đã tự nhận kỷ luật trước Chính phủ vì để xảy ra nhiều tai nạn giao thông trên địa bàn. Vị nào sẽ tự nhận kỷ luật vì để xảy ra đại nạn chặt chém làm méo mó tính cách người Việt và làm xấu hình ảnh đất nước?

Thật đáng sợ khi văn hoá xin lỗi bị lãng quên, nhưng sẽ còn sợ hơn nữa khi lời xin lỗi chưa ráo miệng thì tệ nạn đã gia tăng chóng mặt.

Bùi Hải

GDVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP