Tác giả của nghiên cứu này là anh Nguyễn Hữu Thọ, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
Ý tưởng tạo ra robot đánh trống trường được anh Thọ nghiên cứu từ năm 2014. Sau khi có ý tưởng, anh Thọ kết hợp cùng với một người bạn để sản xuất ra robot này. Sau 2 năm, robot đánh trống trường được ứng dụng thực tế và hiện tại một số trường học ở Bình Dương và Đồng Nai sử dụng
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Hữu Thọ cho hay, những nghiên cứu có ích cho xã hội luôn được anh đặt lên hàng đầu, từ cái nhỏ nhất tới cái lớn nhất. Vì vậy, robot đánh trống trường là một trong những sản phẩm như vậy.
Robot đánh trống trường của anh Nguyễn Hữu Thọ |
“Việc nghe tiếng trống trường sẽ in sâu trong tâm trí học trò. Tôi làm robot đánh trường để lưu giữ lại điều này. Hiện nay, nhiều trường học đã chuyển qua dùng chuông tự động. Họ bảo với tôi rằng nếu dùng trống sẽ phải tốn kinh phí và đặc biệt rất phiền phức khi phải thuê người đánh trống. Tôi muốn học sinh được nghe tiếng trống trường nhưng các trường sẽ không phải phiền phức để thực hiện công việc này”- anh Thọ cho hay.
Anh Thọ nói thêm, “Ai trong chúng ta trải qua đời học sinh cũng rất muốn nghe tiếng trống trường. Nghe tiếng trống trường sẽ nhớ lại tuổi thơ, đấy là một nét văn hóa của dân tộc. Hiện nay, các trường đã dùng chuông nhưng không ý nghĩa nào bằng khi học sinh được nghe tiếng trống”.
Một giáo viên ở TP.HCM cho hay gần như các trường THPT đều dùng chuông tự động để cắt tiết học hay chuyển giờ.Robot đánh trống trường là một ý tưởng thông minh cho các trường muốn giữ lại tiếng trống quen thuộc.
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet