Thế giới

Rủi ro khi dồn Triều Tiên vào chân tường bằng các lệnh trừng phạt

Các lệnh trừng phạt quá cứng rắn có thể khiến Triều Tiên cảm thấy bị dồn vào chân tường và tung ra hành động nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo vụ phóng tên lửa ngày 29/11. Ảnh: Rodong Sinmun.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ ra lệnh trừng phạt nặng nề với nước này. Ông cũng thúc giục Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn với Triều Tiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo việc này có thể phản tác dụng.

"Chúng ta phải cẩn thận với các biện pháp trừng phạt", cựu quan chức quân đội Mỹ Daniel Davis, từng là cố vấn cho quân đội Hàn Quốc, nói. "Chúng ta không muốn gây áp lực quá mức giống như điều từng làm với Nhật Bản trong Thế chiến II", ông nói, theo CNBC.

Ông Davis cho biết việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Nhật, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, là một trong những yếu tố khiến đế quốc Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Ông cho biết Nhật "xem lệnh trừng phạt đó như mối đe dọa đến sự sống còn vì họ không thể sống thiếu dầu".

"Vì vậy, chúng ta không muốn đẩy Triều Tiên đi quá xa", Davis nói. "Chúng ta muốn gây áp lực với họ, nhưng áp lực phải không quá mức nặng nề bởi vì điều đó có thể khiến họ tung đòn tấn công".

Davis cho rằng cộng đồng quốc tế nên gây áp lực ngoại giao nhất quán trong nhiều năm nếu cần thiết. "Có lẽ một ngày nào đó chúng ta có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", ông nói.

Các chuyên gia nói một chiến lược khác là thuyết phục Triều Tiên rằng ông Trump nghiêm túc về phương án quân sự.

"Chúng ta làm Triều Tiên tin rằng Mỹ nghiêm túc xem xét việc tấn công họ, ngay cả khi chúng ta không thực sự có ý định làm vậy", Denny Roy, một chuyên gia an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông - Tây, nói.

Roy cho rằng ngón đòn này của Washington sẽ buộc Triều Tiên ra quyết định rằng họ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân hay muốn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lãnh đạo Triều Tiên sẽ không dễ gì từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ đã thấy điều gì xảy ra với lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi khi ông từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân dưới áp lực của phương Tây.

Cuộc nội chiến ở Libya nổ ra vào năm 2011. 15 quốc gia phương Tây lập liên minh tấn công lực lượng của ông Gaddafi để hỗ trợ quân nổi dậy. Gaddafi bị chính thức lật đổ vào cuối tháng 8/2011 và bị giết vào ngày 20/10/2011, khi trên đường chạy trốn.

Các nhà lãnh đạo quân sự Hàn Quốc gần đây bày tỏ lo ngại rằng ông Trump có thể phát động một cuộc tấn công vào Triều Tiên mà không tham khảo ý kiến của Seoul. Tuy nhiên, ông Roy thừa nhận rằng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là không thực tế, do lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tung đòn đáp trả nhằm vào Seoul.

Bruce Klingner, chuyên gia tại quỹ Heritage ở Washington, cũng cảnh báo rằng việc Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên sẽ là hành động "liều lĩnh không cần thiết".

Ông nhấn mạnh rằng có nguy cơ tính toán sai lầm vì căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và Washington đôi khi đưa ra các tín hiệu bất nhất.

Mỹ từ lâu đã dựa vào một chiến dịch quốc tế để "gây áp lực tối đa" đối với Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt nhưng điều đó không ngăn được chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Vụ phóng tên lửa Hwasong-15 thể hiện nước này có thể chống chịu được các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Trung Quốc và Nga luôn từ chối áp đặt lệnh cấm vận dầu với Triều Tiên, lo lắng rằng việc này có thể "bóp nghẹt" Triều Tiên, khiến chính quyền nước này sụp đổ và gây nên khủng hoảng nghiêm trọng.

"Chúng ta vẫn luôn trông chờ vào Trung Quốc. Nhưng chúng ta không thể mong đợi Trung Quốc nhìn nhận vấn đề giống chúng ta", ông Roy nói. "Họ không muốn chính quyền Triều Tiên sụp đổ nên họ sẽ không hành động quyết liệt".

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP