Nhà đẹp

Nhà ngập nước lênh láng vì rắc rối của mái che giếng trời

Mái che di động không bảo dưỡng định kỳ nên khi mưa bất ngờ, bà Phượng không thể điều khiển mái đóng lại được.

Gia đình bà Phượng ở ngôi nhà ống 4 tầng, mặt bằng hơn 100 m2 ở quận 3 (TP HCM). Khu đất nằm trong hẻm nhỏ nên mặt tiền kín đáo, chủ yếu lấy sáng từ giếng trời ở giữa nhà. Khoảng thông tầng rộng khoảng 5 m2, phía dưới trồng cây xanh, có hồ cá nhỏ. Bà Phượng chọn sử dụng mái lợp di động có thể dùng motor điều khiển từ xa.

Thời gian đầu, gia đình rất chịu khó đóng mở mái để không chỉ nhận được nắng mà còn cả gió vào nhà. Những khi mọi thành viên trong nhà đi vắng, mái sẽ được đóng lại để tránh mưa gió. Tuy nhiên, vào mùa khô năm 2017, Sài Gòn cả tháng không mưa nên bà Phượng để mái mở suốt ngày đêm cho cây trong nhà nhận nắng, khí trời.

Khi cơn mưa đầu mùa kéo tới, bà Phượng vội vã trở về nhà để che chắn giếng trời. Tuy nhiên, sau thời gian dài không sử dụng, không bảo dưỡng nên mái di động bị kẹt, không điều khiển được. Sàn tầng một ở khu vực giếng trời không có hệ thống thoát nước nên mưa tràn khắp nơi. Vợ chồng bà Phượng cùng các con phải lấy đồ chặn quanh khu thông tầng để cản nước chảy vào phòng khách, bếp. Các món đồ kê gần khu vực đó cũng phải di chuyển để tránh mưa. Phải tới sáng hôm sau, gia chủ mới gọi được thợ tới sửa phần mái di động lâu không sử dụng.

Giếng trời đem lại nhiều lợi ích nhưng cần phải thi công cẩn thận, tránh thấm dột. Ảnh minh họa: ADV.

Dù làm mái che cố định cho giếng trời nhưng nhà ông Tùng (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng gặp bực bội không kém nhà bà Phượng. Nhà có diện tích hơn 40 m2 nên ông bà chỉ làm khoảng thông tầng nhỏ chưa đầy 2 m2.

Thời điểm đó, đội thợ đang làm cho gia đình ông Tùng sang một công trình khác hỗ trợ. Ông sốt ruột muốn hoàn thiện cho xong sớm nên nhờ một vài thợ lẻ tới thi công nốt các hạng mục còn lại. E ngại mua phải kính cường lực chất lượng kém gây họa, ông Tùng chọn mái che làm bằng poly trong, phía trên có khung sắt bảo vệ chống trộm.

Tuy nhiên, sau một năm, ông Tùng thấy nước bắn tung tóe từ trên mái giếng trời xuống tận tầng một. Khi ông lên sân thượng để kiểm tra thì phát hiện nước chảy qua các khe nối giữa tấm poly và sàn bê tông. Kỹ sư xây dựng quen với ông Tùng cho biết, phần kết nối này thường không bền vững do khác hệ số giãn nở. Do đó, nếu đội thợ không có kinh nghiệm thì sau một thời gian, các liên kết này bung ra, gây thấm dột. Ông Tùng buộc phải thuê người tháo phần mái che, khung sắt để thi công lại.

KTS Phạm Thanh Truyền đưa ra các lưu ý với việc làm mái che cho giếng trời:

- Mái che cố định: Đây là giải pháp được nhiều nhà lựa chọn do ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, việc thoát nhiệt không đạt hiệu quả cao. Mái trong lấy sáng kết hợp với các ô gió (thiết kế giống cửa chớp) để thoát hơi nóng cho nhà. Gia chủ nên nên sử dụng tấm poly đặc hoặc kính cường lực an toàn (loại có dán tấm phim bảo vệ).

- Mái lợp di động: Có thể kéo thủ công hoặc dùng motor điện, gắn bộ cảm biến khi trời mưa thì tự động mái đóng lại. Các gia đình hay đi vắng cân nhắc khi sử dụng kiểu mái này hoặc có thiết bị điều khiển từ xa, đề phòng khi quên đóng lúc vắng nhà.

- Giếng trời không mái che: Một số gia đình thích giải pháp giếng trời thoáng hoàn toàn. Nếu vậy, các vật liệu hoàn thiện ở khu vực này phải phù hợp với điều kiện ngoài trời. Gia chủ cần làm khung bảo vệ ở trên sân thượng, đường thoát nước để tránh đọng nước khi mưa.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP