Phân hóa mạnh
CTCP Cơ điện lạnh (REE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017 với lợi nhuận tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 330 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của DN nhà bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Lợi nhuận của REE đến chủ yếu từ cơ điện lạnh, bất động sản văn phòng cho thuê và sản xuất điện.
Địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng vừa công bố lợi nhuận quý 1 đạt hơn 180 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ bất chấp trong quý 1 có một khoảng thời gian nghỉ Tết khá dài. Một DN xây dựng khác là Vinaconex (VCG) cũng chứng kiến lợi nhuận hợp nhất quý 1 tăng 37% so với cùng kỳ 2016.
Nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn trong quý 1. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ở mảng hàng tiêu dùng, nhiều DN báo cáo lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ. GTNFood (đơn vị đã thâu tóm xong thương hiệu Sữa Mộc Châu) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 54 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ.
Vinamilk cũng lãi gần 3 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh tới 32% so với cùng kỳ. Đường Quảng Ngãi (QNS) báo lãi 222 tỷ đồng, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Sabeco có lợi nhuận tăng mạnh 21%, lên gần 1,2 ngàn tỷ đồng.
Một loạt các DN thủy điện cũng đồng loạt báo lãi lớn ngay trong quý 1 nhờ thời tiết thuận lợi và lượng nước về hồ lớn. Hầu hết các DN báo lãi tăng vài chục phần trăm cho tới vài lần so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động tài chính mua bán dự án cũng đem lại lợn khủng cho nhiều DN.
CTCP Kho vận Miền Nam - Sotrans (STG) ghi nhận lãi 454 tỷ đồng, cao gấp 25 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh thu tài chính.
Lãi ròng của Novaland (NVL) tăng vọt lên hơn 458 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến, phần lớn đến từ chuyển nhượng bất động sản. Riêng hoạt động này mang về 447 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho NVL.
Năm Bảy Bảy (NBB) báo lãi 32 tỷ đồng, tăng mạnh gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ nhờ thoái vốn tại Công nghiệp NBB.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường chưa có kết quả kinh doanh quý 1 nhưng vừa công hoạt động kinh doanh 2016 với lợi nhuận tăng vọt, gấp vài lần so với năm trước, một phần do thắng đậm trong thương vụ chuyển nhượng đất nền dự án ở Đà Nẵng mua từ 2 đối tác công ty con của HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).
Tiêu dùng, BĐS tốt; thủy sản và dầu khí hụt hơi
Ở chiều ngược lại, nhiều DN chứng kiến lợi nhuận suy giảm, hoạt động yếu kém. Masan Consumer chứng kiến cả doanh thu và lợi nhuận quý 1 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. VNECO cũng chỉ lãi 4 tỷ đồng, bằng phần nhỏ kế hoạch năm 2017. CTCP Hùng Vương (HVG) báo lỗ gần 30 tỷ đồng trong quý vừa qua. Nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đại gia dàn khoan dầu khí PVD cũng vừa bất ngờ báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý 1.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK VnDirect cho rằng, kết quả hoạt động của các DN niêm yết trong quý 1 cũng như triển vọng trong năm 2017 khá tươi sáng.
Nhiều doanh nghiệp có triển vọng không sáng sủa. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Theo đánh giá của ông Tuấn, nhóm tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, thủy điện,... có kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt. Trái lại, các DN thuộc nhóm thủy hải sản, nhóm dầu khí và các DN nhỏ hụt hơi rõ ràng. Riêng nhóm BĐS, theo ông Tuấn, đang có sự đổi ngôi khá rõ ràng.
Các DN vang bóng một thời như Quốc Cường Gia Lai của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) đang phải bán tài sản để cơ cấu. HAGL cũng gặp nhiều khó khăn do nợ lớn.
Một số DN bán dự án, tạo ra sóng ngắn hạn nhưng được đánh giá không bền.
Với các DN BĐS, khá nhiều chuyên gia không đánh giá cao. Lợi nhuận chủ yếu của các DN nhóm này phần lớn không từ các giá trị gia tăng được tạo ra, như phát minh vật liệu xây dựng mới hay từ sự quản lý chặt chẽ hay có chiều sâu, mà là nhờ sự dễ dãi và chênh lệch địa tô đem lại.
Ông Tuấn cho rằng, tiêu dùng vẫn là nhóm “ổn nhất” mà nổi bật là Vinamilk. Ở chiều ngược lại, nhóm thủy sản gặp nhiều khó khăn và thua lỗ nhiều. Nhóm dầu khí thực sự xấu vì giá dầu hiện tại khiến nhiều DN thua lỗ.
Nhóm công ty chứng khoán báo lãi lớn trong quý nhưng được xem là “khá ảo” do thông tư mới cho phép CTCK hạch toán danh mục cổ phiếu đầu tư theo giá thị trường nên lời nhiều hơn. Trước đây, các CTCK không được phép ghi nhận thì giờ ngược lại. Ghi nhận theo giá thị trường trên thực tế được đánh giá là chưa thực sự chuẩn xác, mới chỉ là động thái “đếm cua trong lỗ”, bán thực mới gọi là lời.
Đại diện một CTCK tại Hà Nội đánh giá cao nhóm blue-chips. Trái ngược với sự hụt hơi của các DN nhỏ, theo chuyên gia này, dòng tiền ngoại đang đổ mạnh vào TTCK Việt Nam. Các NĐT nước ngoài sẽ chọn DN lớn, minh bạch, thị phần tốt.
Câu chuyện nâng hạng TTCK cũng đang được các nhà quản lý xúc tiến tốt với việc đưa vào các sản phẩm phái sinh. Đây là cơ sở để các DN lớn dù có giá đã cao nhưng có thể tăng tiếp. Trong khi đó, nhiều DN nhỏ, DN thị phần thấp hoặc DN nợ nần cao, sống nhờ vào việc bán dự án, đầu tư tài chính ngắn hạn có thể không tăng trưởng bền vững.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt, buộc các DN phải tư duy lại, chiến lược phải vững hơn, từ tài chính cho tới quản trị. Chưa bao giờ DN Việt đối mặt thách thức lớn như bây giờ, nhưng nếu qua được thì sẽ “lên ngôi”.
Tác giả: M. Hà
Nguồn tin: Báo Vietnamnet