Sáng nay (4/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đa số các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật này, bởi tình trạng lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở mọi cấp, mọi nơi, dưới nhiều hình thức. Lãng phí đã tác động xấu đến cuộc sống người dân, đất nước, gây bức xúc trong dư luận.
Cần xác định trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Trương Thái Hiền, đoàn Kiên Giang cho rằng: Thời gian qua nhiều dự án, đề án, hồ sơ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng không khả thi, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Đối với những người có thẩm quyền để xảy ra lãng phí thì phải chịu bồi thường hoặc bị cách chức. Để Luật Thực hành tiết kiệm đi vào cuộc sống, đề nghị dự thảo Luật xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra lãng phí bằng chế tài cụ thể, có thể xử lý hình sự để tạo sự răn đe trong xã hội.
Đại biểu Trương Thái Hiền cũng đề nghị Nhà nước rà soát, có sự tinh giảm biên chế đối với những đối tượng công chức “ngồi không” để tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước; có biện pháp xử lý, hạn chế các vụ tham nhũng, có như vậy Nhà nước mới thực sự của dân, do dân và vì dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, đoàn Đà Nẵng khẳng định: “Dự thảo luật chỉ mới chạm tới phần ngọn, mà chưa đụng tới cái gốc của vấn đề lãng phí”. Bà Thúy nhấn mạnh tới trách nhiệm của người ban hành những chính sách không khả thi, gây thất thoát, lãng phí tiền của, công sức của dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nói: “Câu hỏi đặt ra là một quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước sai ngay từ khi ban hành, thì lãng phí đã hình thành ngay từ ban đầu, vậy việc thực hành chống lãng phí có lý nghĩa gì? Thực tế có bao nhiêu công trình, dự án như mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, bến cảng… khi tiến hành thì do thiếu vốn, không khả thi, “đắp chiếu” phơi nắng, tiêu tốn nhiều tỷ đồng mà không phát huy được.
Dù hậu quả rất rõ nhưng trách nhiệm chẳng thuộc về ai, chưa có văn bản nào chỉ rõ trách nhiệm của người gây ra sự lãng phí đó và xử lý như thế nào? Thực hành tiết kiệm phải từ cuộc sống hàng ngày đến những dự án tiền “khủng”. Ở nước ta quyết định là do cá nhân, nhưng hình thức là tập thể nên khi lãng phí, thất thoát xảy ra chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả, đổi lỗi cho nhau. Tôi đề nghị Luật cần xác định trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí”.
Đại biểu Ngô Thị Minh, đoàn Quảng Ninh cũng nêu vấn đề trách nhiệm của các Bộ, ngành để xảy ra lãng phí. Bà Minh dẫn chứng tình trạng đào đường, vỉa hè, lòng đường của ngành điện, nước… do thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng đào bới liên tục, nhiều lần nhưng chẳng quy trách nhiệm cho Bộ, ngành nào.
Chống lãng phí phải từ “thượng tầng”
Nói về lãng phí trong hội họp, đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh nêu ý kiến: Có những hội nghị, hội thảo không hợp với nhu cầu của đại biểu, nhưng vẫn rất tốn kém cho đại biểu đi lại. Nếu họp hành liên miên mà không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về ai?
Đồng quan điểm với ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Võ Thị Dung, đoàn TPHCM đề nghị cần điều chỉnh Luật theo hướng chống lãng phí ngay từ phía cơ quan Nhà nước, chi đầu tư công. Chính phủ, Quốc hội phải làm gương trong thực hành chống lãng phí để nhân dân noi theo.
Đại biểu Võ Thị Dung dẫn chứng: “Nếu trong một gia đình, bố mẹ tiêu xài hoang phí mà khuyên bảo con tiết kiệm thì rõ ràng không ổn”./.
Lại Thìn/VOV online