Du lịch

Khu du lịch sinh thái Bản Đôn 120 tỷ chưa vận hành đã thành phế tích

Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn được đầu tư xây dựng gần 120 tỷ đồng nhưng chưa đưa vào hoạt động đã xuống cấp trầm trọng.

Chưa hoạt động đã xuống cấp

Dự án khu du lịch sinh thái Bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có tổng diện tích hơn 1.300 ha được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào năm 2001 với hy vọng phát triển nơi đây thành khu nghỉ dưỡng sinh thái lớn nhất vùng Tây Nguyên. Thế nhưng, sau gần 17 năm đưa vào quy hoạch, nhiều hạng mục trong khu du lịch này đã hư hỏng, xuống cấp dù chưa đưa vào hoạt động.

Khu du lịch xây dựng các hạng mục khu đồi tâm linh với diện tích hàng 100 ha được xây dựng đồ sộ với nhiều hạng mục như: Tượng phật Quan thế âm Bồ tát cao gần 40 m, chùa tâm linh, nhà ăn chay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, vườn tượng 18 vị La Hán… được đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm không được đưa vào hoạt động, một số hạng mục đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục căn nhà nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng khang trang như những căn biệt thự thu nhỏ nay đã trở thành những căn nhà hoang, xung quanh cỏ dại và cây cối mọc um tùm. Khu vực nhà ăn chay, mạng nhện và bụi bẩn bao phủ. Để xua đi không khí ảm đạm, đìu hiu tại khu đồi tâm linh, nhiều đàn bò của dân đã xâm nhập vào đây ăn cỏ.

Nhiều hạng mục của khu du lịch sinh thái Bản Đôn xuống cấp trầm trọng.

Cách nhà ăn chay khoảng 100m, căn nhà kính đón khách du lịch tâm linh cũng trở nên hoang tàn, nhiều tấm cửa kính vỡ nát, tường xuất hiện vô số vệt loang, rêu mốc. Một nhân viên bảo vệ khu vực này cho biết, do việc kinh doanh không hiệu quả, lượng khách đến thưa thớt nên nhiều năm nay các hạng mục tại khu vực đồi tâm linh không hề được sử dụng, dọn dẹp, tu bổ. Du khách đến đây chỉ ghé vào thăm quan tượng phật Quan thế âm Bồ tát rồi ra về với vẻ tiếc nuối.

Nhà đón khách tâm linh cỏ mọc um tùm.

Tương tự, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, spa của khu du lịch sinh thái Bản Đôn với vốn đầu tư hàng tỷ đồng cũng bị bỏ hoang. Bàn ghế, cửa kính, nhà vệ sinh, bóng đèn… tại khu spa cao cấp chưa hoạt động nhưng đã hư hỏng và được bao phủ bởi nhiều lớp bụi, lá cây, cỏ dại. Hồ bơi tại khu vui chơi giải trí đóng nhiều lớp rêu xanh, khu vui chơi dành cho trẻ em nay trở thành khu vực nuôi thú.

Chuyển giao nhiều chủ đầu tư

Được biết, tình trạng hoạt động kém hiệu quả, hoang vắng như trên một phần do khu du lịch sinh thái Bản Đôn liên tục thay đổi nhà đầu tư. Vào năm 2001, công ty Cổ phẩn Thương mại Dịch vụ Du lịch Ban Mê là đơn vị đầu tiên lập dự án, quản lý, khai thác khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Tuy nhiên, vào năm 2004, dự án này được bàn giao lại cho công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco). Cho đến cuối năm 2015, khu du lịch sinh thái Bản Đôn lại được giao lại cho công ty TNHH Ánh Dương.

Khu du lịch thành nơi cho bò ăn cỏ.

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, vào thời điểm các nhà đầu tư bắt đầu triển khai, dự án khu du lịch sinh thái Bản Đôn được tỉnh rất kỳ vọng. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, các hoạt động du lịch ở đây chỉ được duy trì ở mức tối thiểu nhằm bảo đảm công tác trật tự, trị an trên địa bàn, còn lại các dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách đều tạm ngừng vì nhiều lý do. Trong đó, việc nhiều lần thay đổi nhà đầu tư làm ảnh hưởng không ít đến lộ trình hoàn thiện các hạng mục và phát triển kinh doanh tại khu du lịch sinh thái Bản Đôn. Hơn nữa, việc vừa xây dựng, vừa kinh doanh khiến cho nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại từ hoạt động kinh doanh chưa cao...

Để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình quản lý, khai thác khu du lịch sinh thái Bản Đôn, Sở đã ban hành những chính sách đào tạo con người như mở lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng nhân viên… Đồng thời, trong quá trình triển khai dự án, Sở cũng sẽ tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý khi phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ phối hợp các ngành chức năng tìm cách gỡ khó…

Theo ông Đỗ Kim Huy, Phó giám đốc công ty TNHH Ánh Dương, tính đến thời điểm công ty này tiếp quản, đã có gần 120 tỷ đồng được đầu tư vào khu du lịch sinh thái Bản Đôn, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều hạng mục mới được xây dựng chưa đi vào hoạt động đã bị bỏ hoang. Hiện công ty Ánh Dương đã gửi đơn lên UBND tỉnh Đắk Lắk và trung tâm Xúc tiến Đầu tư (sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Lắk) để xin cấp phép xây dựng các hạng mục như: Nhà hàng nổi, thả thú hoang dã, tu bổ lại khu du lịch tâm linh, xây dựng thêm một số nhà tưởng niệm để du khách dâng hương… nhằm tạo điểm nhấn cho khu du lịch này.

Tác giả: Mai Cường

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP