Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, điều này cho thấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia phản ánh phần nào chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn yếu tố thành tích trong việc xét tốt nghiệp THPT cho học sinh khi điểm học và điểm thi của học sinh còn chênh lệch.
- Phóng viên: Vừa qua, dư luận ồn ào về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 với những điểm 10 và điểm 0 hay điểm cao hơn năm trước. Cá nhân ông đánh giá thế nào về mức độ chính xác trong đánh giá chất lượng thí sinh của kỳ thi năm nay?
- TS. Lê Trường Tùng: Năm nay cả phương thức thi lẫn nội dung thi đều khác năm trước nên kết quả đương nhiên có sự khác biệt, việc so sánh với các năm trước thực sự là rất khó.
Trước hết phải xác định kỳ thi này là kỳ thi tốt nghiệp THPT còn kết quả có thể dùng để xét ĐH nhưng đó chỉ là mục tiêu phụ.
Với thi tốt nghiệp THPT thì ra đề là việc rất khó, khó hơn cả thi ĐH. Vì thi ĐH là làm thế nào để phân hóa thí sinh, em nào giỏi thì điểm cao, em nào kém thì điểm thấp và người ta sẽ chọn từ trên xuống.
Trong khi đó, thi tốt nghiệp thì lại phải so với điểm chuẩn và phải đảm bảo dù đề thi khác nhau nhưng những người cùng trình độ luôn đạt mức điểm như nhau.
Với kỳ thi có quá nhiều điểm mới như vậy thì chưa thể có sự phân tích về tính chuẩn hóa của đề thi phục vụ kỳ thi năm nay. Do đó, cũng chưa thể đủ thông tin để đánh giá về chuẩn tốt nghiệp hay chất lượng của kỳ thi.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT. |
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Trường ĐH FPT với giả định rằng chúng ta chỉ xét tốt nghiệp căn cứ vào điểm thi với mức điểm trung bình là 5 điểm thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước năm 2017 chưa tới 60%.
Trong khi đó, nếu theo cách tính hiện tại, điểm xét tốt nghiệp được tính một nửa là điểm thi THPT quốc gia còn một nửa tính điểm trung bình các môn học lớp 12 thì tôi tin rằng tỉ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn lên tới hơn 90% như các năm trước. Nghĩa là cao gấp rưỡi con số tính bằng điểm thi.
Như vậy có thể thấy là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT như hiện nay đang "cứu" 1/3 số học sinh đỗ tốt nghiệp nhưng thực chất là trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi.
Sau kỳ thi có nhiều tranh luận về đề thi, có người nói đề dễ, có người nói khó. Tuy nhiên, chẳng hạn như môn Tiếng Anh, có tới gần 70% thí sinh điểm dưới trung bình. Và vì đây là môn bắt buộc nên nó đã "kéo" những điểm khác xuống khiến tỉ lệ tốt nghiệp thấp xuống rất nhiều.
Vì vậy, nếu nói về mức độ chính xác trong đánh giá của kỳ thi, tôi cho rằng vẫn có thể thấy được phần nào từ kết quả của kỳ thi này.
- Với hơn 30% thí sinh đỗ tốt nghiệp dựa vào điểm học chứ không phải điểm thi thì có phải điểm học đang có sự chênh lệch với điểm thi, không đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh trong nhà trường?
- Cách tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào điểm học lớp 12 và điểm thi như hiện nay bắt đầu từ năm 2014. Năm nó, tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước tăng vọt, đạt mức kỷ lục là 99,1%.
Khi sử dụng điểm học tập để xét tốt nghiệp, thí sinh thi chỉ cần bài thi không bị điểm liệt là đủ điểm để tốt nghiệp. Vì chỉ cần thí sinh được 4 điểm thi thì với 6 điểm học, công các điểm ưu tiên, khuyến khích là đủ tốt nghiệp.
Thậm chí là với điểm thi bằng 2 nhưng điểm học của thí sinh đó là 8 thì thí sinh vẫn có thể đủ tốt nghiệp.
Trong khi đó, với các bài thi hầu hết là theo phương thức trắc nghiệm như năm nay, theo lý thuyết thì thí sinh chỉ làm đủ bài cũng được từ 2-2,5 điểm. Vì thế, tỉ lệ tốt nghiệp từ năm 2014 tới nay, dù có thay đổi chút ít nhưng vẫn đều đặn trên 90% và năm nay chắc chắn cũng vậy.
Tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp với mức điểm trung bình là 5 điểm tính theo điểm thi THPT quốc gia 2017 của 63 tỉnh, thành phố. Nguồn: Trường ĐH FPT. |
Nhiều hiệu trưởng các trường THPT nói với tôi rằng, áp lực để học sinh trường mình tốt nghiệp 100% là cái có thực chứ không phải không có. Vì giả sử các em trượt tốt nghiệp thì sang năm phải thi lại, rồi tương lai sẽ thế nào cũng là điều nhiều trường băn khoăn.
Vì thế, cho tới nay, người ta vẫn hoàn toàn không yên tâm về việc liệu bản thân từng địa phương có thiên vị cho nhau khi sử dụng điểm học tập để xét tốt nghiệp. Vì điểm trung bình học tập lớp 12 phụ thuộc vào từng trường, thậm chí là từng lớp cho điểm. Về nguyên tắc điểm số này không có mặt bằng chung quốc gia.
- Nếu xét tốt nghiệp như hiện nay thí sinh kiểu gì cũng tốt nghiệp thì theo ông có nên duy trì một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nữa hay không?
- Đúng là có nhiều ý kiến nêu vấn đề rằng kiểu gì cũng tốt nghiệp trên 90% thì việc gì phải thi nữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì nếu không thi, học sinh sẽ không chịu học.
Bên cạnh đó, một kỳ thi tốt nghiệp chung là vẫn cần thiết vì nó sẽ là kỳ thi chuẩn quốc gia trên cùng một chương trình chung.
Vì vậy, trước đây, tôi đã từng đề xuất cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho 30% thí sinh có thành tích học tập thấp nhất, còn lại 70% thí sinh sẽ được miễn thi.
Theo cách đó, học sinh sẽ phải học để được lọt vào top 70% để miễn thi còn lại 30% vẫn sẽ phải thi. Tuy nhiên, khi đó kỳ thi tốt nghiệp sẽ không còn là điều gì quá khó khăn, nó chỉ là sự công nhận để đạt chuẩn.
Còn việc xét tuyển về nguyên tắc phải để các trường ĐH tự lo. Và trong xu thế hiện nay, các trường cũng đang chủ động trong việc này.
Trong tương lai, nhà nước hoặc bên thứ ba nào đó có đủ uy tín có thể tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực để các trường có thể dựa vào đó làm kết quả chính để xét tuyển.
Tuy nhiên, cần lưu ý là thi năng lực để xét tuyển đại học và thi tốt nghiệp phổ thông là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Thi tốt nghiệp phải bám vào kiến thức phổ thông kiểm tra sự vận dụng kiến thức đó còn thi năng lực là nhằm kiểm tra khả năng của thí sinh có phù hợp với việc học đại học sau này hay không.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tác giả: Lê Văn (thực hiện)
Nguồn tin: Báo VietNamNet