Kinh tế

Hà Tĩnh: Cửa hàng OCOP thưa vắng sản phẩm đặc trưng vùng miền

Hiện nay, rất nhiều cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở tỉnh Hà Tĩnh rơi vào thảm cảnh đìu hiu, vắng khách. Hầu hết các cửa hàng đều “lèo tèo” sản phẩm đặc trưng vùng miền, một số nơi không còn sản phẩm bày bán.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã kinh doanh giống, thương mại dịch vụ chế biến nông lâm sản Đức Lâm ở xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ rất vắng khách đến giao dịch, mua bán

Hiện nay, bên trong cửa hàng OCOP của Hợp tác xã kinh doanh giống, thương mại dịch vụ chế biến nông lâm sản Đức Lâm chỉ còn trưng bày một số hộp (vỏ) sản phẩm đặc sản vùng miền

Các hộp sản phẩm cũng ngày càng ít đi, bụi bặm bám đầy những gian hàng trống trải

Đại diện Hợp tác xã kinh doanh giống, thương mại dịch vụ chế biến nông lâm sản Đức Lâm cho biết, vài năm trở lại đây không đưa hàng OCOP về bày bán. Bởi kinh doanh không có lãi, hàng ế ẩm, nếu có ai cần mua thì liên lạc qua số điện thoại , chuyển tiền đặt cọc, lúc đó mới lấy hàng về cung ứng

Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Hòa Thống ở thị trấn Đức Thọ từng là nơi bày bán rất nhiều sản đặc sản vùng miền

Tuy nhiên, do sản phẩm OCOP khó tiêu thụ, nhập hàng về không bán được, thậm chí phải thanh lý trước khi hết hạn sử dụng, nên trong cửa hàng này chỉ còn lại một ít sản phẩm OCOP như: rượu, nước mắm, mật ong... bày bán

Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, xây dựng cửa hàng OCOP được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng ngược lại sản phẩm tiêu thụ khó khăn, không phát huy hiệu quả. Vì vậy, sản phẩm OCOP bày bán ngày càng ít, thay vào đó là kinh doanh các mặt hàng tổng hợp thông thường để ổn định cuộc sống

Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 18 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP . Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP lũy kế đến nay toàn tỉnh đã đánh giá, công nhận 341 sản phẩm, trong đó có 235 sản phẩm còn hiệu lực chứng nhận OCOP gồm: 7 sản phẩm 4 sao và 228 sản phẩm 3 sao

Chất lượng, thương hiệu sản phẩm OC0P là yếu tố quan trọng, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đặc trưng vùng miền đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe. Vậy nhưng, nghịch lý là hiện nay tại một số cửa hàng ở Hà Tĩnh bày bán những sản phẩm có dấu hiệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Một số sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, nhưng do để lâu ngày tem nhãn đã bị hoen ố và quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được bày bán tại cửa hàng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (ảnh chụp ngày 4/6/2024 tại một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc)

Những sản phẩm OCOP 3 sao đã hết hạn sử dụng lâu ngày vẫn được bày bán công khai, nếu mua về dùng sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí còn gặp phải những rủi ro khó lường (ảnh chụp ngày 3/6/2024 tại một cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn)

Qua khảo sát, nắm bắt thực tế tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở tỉnh Hà Tĩnh về cơ bản đều hoạt động không hiệu quả. Trong cửa hàng, nếu duy trì trưng bày, giới thiệu sản phẩm thì cũng chỉ có "lèo tèo" một số mặt hàng, đó là chưa kể đến một số cửa hàng hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Điều này đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững


Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP