Bệnh không chữa, để lâu thành nan y
Trước tình hình căn bệnh gian lận thi cử đang được dư luận hướng đến, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng: “Bản chất căn bệnh không khó chữa, nhưng vì không chịu phanh phui sớm, để “ủ bệnh” lâu nên đã phát triển thành một căn bệnh khó chữa. Nếu như ban đầu, khi phát hiện căn bệnh được công khai minh bạch, vào cuộc xử lý ngay lập tức thì đâu có trở nên khó chữa?
Những gian lận trong thời gian qua cũng đã phát hiện ra rồi, phải nhanh chóng xử lý, phải có những chế tài nghiêm minh, giống như dùng một loại thuốc điều trị đặc hiệu để khắc phục những biểu hiện của căn bệnh và dần dần chữa được căn bệnh”.
“Chế tài hiện tại không minh bạch, dẫn đến căn bệnh đơn giản không chữa được. Những người thầy thuốc nếu bắt đúng bệnh, cho đúng thuốc thì chữa được bệnh thôi.
Gian lận thi cử đang trở thành căn bệnh nan y. |
Bất kỳ căn bệnh nào khi đã bắt được gốc rễ, căn nguyên mà không chịu chữa chạy thì để lâu cũng chuyển thành nan y. Chung quy lại chỉ là do mấy người “thầy thuốc” của chúng ta có muốn trị bệnh hay không thôi
Chứ thầy thuốc làm ngơ, không quan tâm đến bệnh, để bệnh âm ỉ, tự do phát triển gây nguy hiểm hơn. Cụ thể, như chuyện vừa rồi phải xử lý nhanh chóng kịp thời tránh để dây dưa.
Lần tìm nguyên nhân phát bệnh để ngăn chặn, xử lý, gốc rễ của căn bệnh càng to thì càng phải triệt mạnh, quan chức càng to, càng ở trong ngành càng phải xử lý nặng”, nguyên Thứ trưởng khẳng định.
Bài toán sai lầm của bộ GD&ĐT
TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Với nền giáo dục quá nhiều vấn đề, không ổn ngay từ ban đầu, sẽ là lý do để tiêu cực đều có thể xảy ra.
Đặc biệt, kỳ thi càng quan trọng thì tiêu cực càng dễ xảy ra, tâm lý phụ huynh Việt Nam luôn đề cập đến kết quả học tập, thi cử của con, nên họ dễ làm những chuyện mờ ám, xấu xa. Những nhà quản lý giáo dục phải hiểu được tâm lý và phong cách sống của người Việt Nam để có thể ngăn chặn.
Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi vô cùng quan trọng, nếu bộ GD&ĐT hiểu được tầm quan trọng thì không nên chuyển kỳ thi về các tỉnh, vì rất dễ “nhúng tay” vào. Năm nay, Bộ đã có phương án để các trường đại học chấm thi, chắc chắn sẽ phần nào giảm được những trò “ảo thuật” về điểm số trong khâu chấm thi. Tuy nhiên, việc coi thi vẫn ở đó, không có sự đảm bảo kỳ thi này an toàn 100%, đặt kỳ thi ở các địa phương là một bài toán vô cùng sai lầm. Nói là lỗ hổng ở một vài cá nhân, nhưng người đứng đầu mà trung thực thì những người bên dưới sẽ không dám gian lận”.
Bà phân tích: “Nhìn lại những kỳ thi trước, gần đây tiêu cực ngày càng nhiều hơn. Nếu câu chuyện sai phạm từ cả hệ thống thì rất khó để giải quyết triệt để, chỉ có thể ngăn chặn những câu chuyện nhỏ lẻ trong hệ thống đó. Muốn chống gian lận phải nhìn lại cả một hệ thống, từ chiến lược ra đề, phương pháp tổ chức thi,… thay đổi ngay từ đầu.
Ví dụ, thi trắc nghiệm là phần thi dễ thay đổi nhất, chỉ một chấm nhỏ cũng thay đổi được đáp án, gian lận khó phát hiện. Bản thân cách thi này cũng gây cản trở quá trình điều tra, việc xác định gian lận cực kỳ khó khăn, nên kéo dài thời gian kiểm tra, xử lý. Tôi chưa thấy một quốc gia nào sử dụng bài thi trắc nghiệm cho một kỳ thi quan trọng kỳ thi THPT Quốc gia”.
“Bản thân bộ GD&ĐT có đi đúng hướng trong việc đổi mới quy luật thi cử hay không, hay lại tạo ra những kẽ hở cho sai phạm xảy ra? Gian lận thi cử đã là lỗi sai của cả một hệ thống, việc xử lý cũng không đơn giản như cách nhìn từ bên ngoài. Vấn đề này liên quan, va chạm với những ngành khác, vì ngoài những người trong ngành giáo dục còn có nhiều ngành khác.
TS. Vũ Thu Hương. |
Câu chuyện thi cử là câu chuyện của bộ GD&ĐT, hãy để Bộ tự giải quyết, đừng để những ngành nghề khác can thiệp, những công văn chồng chéo quyết định những vấn đề giáo dục, dẫn đến nhiều quyết định không mang tính giáo dục nữa”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Tác giả: Cẩm Mịch
Nguồn tin: Báo Người đưa tin