Sau khi mẹ anh mất, gia đình được Bệnh viện thông báo nguyên nhân là do sốc phản vệ bởi thuốc gây mê và nhồi máu cơ tim. Đây là sự cố rủi ro cho cả Bệnh viện lẫn gia đình. Đáng tiếc là phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thiếu một ứng xử thật văn hóa để làm nguôi bớt nỗi đau cho gia đình người bệnh.
Theo phản ánh của gia đình nạn nhân, cuối tháng 8, bà Lê Thị Yên vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khám bệnh, được chẩn đoán viêm xoang mãn tính. Điều trị tại khoa Tai mũi họng 5 ngày thì bà được duyệt phẫu thuật. Ngày 5-9, bệnh nhân được chuyển lên khoa phẫu thuật để gây mê hồi sức và trực tiếp gây mê để tiến hành phẫu thuật nội soi.
“9h sáng 5-9, mẹ tôi vào phòng gây mê, nhưng 15 phút sau thì phải chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê hoàn toàn. Theo các bác sỹ thì mẹ tôi bị sốc phản vệ do thuốc gây mê rất nặng. Đến 15h ngày 6-9, bác sỹ tuyên bố mẹ tôi không còn khả năng sống do bà bị nhồi máu cơ tim, gia đình đã đưa bà về, sau đó mẹ tôi qua đời ngày 7-9”.
Trực tiếp trao đổi với chúng tôi, anh Lê Anh Dũng cho biết: “Từ ngày mẹ tôi mất đến nay đã 12 ngày, gia đình tôi chưa nhận được từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh một lời giải trình hay một sự động viên nào. Sau khi làm lễ 3 ngày cho mẹ, chúng tôi đến bệnh viện để làm các thủ tục và gặp Ban Giám đốc thì các bác sĩ mới xin lỗi vì đã “sơ suất”.
Nhận được đơn kiến nghị của gia đình, chiều 13-9, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức cuộc gặp gỡ đối thoại với gia đình. Biên bản của Hội đồng khoa học Bệnh viện về xác định nguyên nhân cái chết của bà Lê Thị Yên do ông Nguyễn Tuấn – Giám đốc Bệnh viện đọc đã nêu rõ: Kết luận: nguyên nhân tử vong do nhồi máu cơ tim/sốc phản vệ – viêm xoang pôlíp.
Trong cuộc đối thoại này, ông Tuấn cũng đã giải thích: Bệnh nhân sốc là do thuốc gây mê. Bản thân thuốc nào cũng có thể gây sốc do cơ thể con người mẫn cảm với nó. Phẫu thuật thì phải gây mê. Thuốc gây mê chúng tôi sử dụng là do Bộ Y tế quy định. Bác sĩ Thanh – Phó khoa Gây mê Hồi sức (thay mặt cho kíp gây mê) đã khẳng định liều lượng thuốc tiêm là đúng, phù hợp với người bệnh, do bác sĩ Nguyễn Đình Quế – Trưởng khoa pha và trực tiếp tiêm (ông Quế hôm ấy có việc riêng không đến dự).
Tại cuộc họp, ông Tuấn khẳng định: Bệnh viện không có gì sai, chúng tôi đã làm đúng quy định của Bộ Y tế về phác đồ điều trị, sử dụng thuốc, cấp cứu sốc phản vệ tại khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân tử vong là do rủi ro từ thuốc. Bệnh viện cũng không muốn thế!
Các ý kiến của người nhà bệnh nhân đều có chung một điểm: Một con người bình thường, chỉ bị bệnh viêm xoang, không có tiền sử về các bệnh nan y khác nhưng vào viện sau một thời gian điều trị thì tử vong. Đau xót như thế nhưng bệnh viện không một lời thăm hỏi, chia buồn và không hề chịu một chút trách nhiệm nào. Gia đình phản đối và rất phẫn nộ.
Chúng tôi đã từng chứng kiến cách đây 3 năm, tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cũng xảy ra trường hợp 2 cháu bé tử vong do vắc-xin viêm gan B. Đó là điều hy hữu của cả nước và cả thế giới. Những giây phút nguy kịch, cả Ban Giám đốc Bệnh viện cùng sự chi viện của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã túc trực ngày đêm bên giường bệnh, đã kịp thời đến chia sẻ trách nhiệm. Bác sĩ Thủy đã lặn lội cả đêm đến nhà thăm hỏi, động viên để làm vơi bớt nỗi đau của gia đình 2 cháu bé. Ngay sau đó, Sở Y tế đã có cuộc họp tìm nguyên nhân, tổ chức thanh tra về việc vận chuyển bảo quản thuốc và phản ánh ra Bộ. Lúc đầu, gia đình nạn nhân đã chửi bới, dọa nạt y bác sĩ nhưng sau đó trước tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của đội ngũ thầy thuốc, họ đã dần nguôi ngoai.
Với trường hợp của gia đình anh Dũng, dù buộc phải chấp nhận sự rủi ro đầy đau đớn này nhưng điều họ xót xa hơn là thái độ bàng quan, vô cảm của một số y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị Lê Thị Thủy – vợ anh Dũng kể: Tối ấy (5-9), vào khoảng 23 giờ, chị trực trông coi mẹ chồng ở khoa Hồi sức tích cực, khi ống thở nội khí quản bị lơi ra khỏi miệng do mẹ chị trở mình, chị đã gọi nhân viên y tế trực đến 4 lần và lần thứ 4, với thái độ khó chịu, nhân viên này đến và dùng vải ràng chân tay mẹ chị vào thành giường (việc làm cần thiết để bệnh nhân khỏi quật) đồng thời dùng băng dán ống thở vào miệng. Vừa dán, anh này vừa dằn giọng tỏ vẻ khó chịu: “Bây giờ thì bà đã sướng chưa?”. Mẹ chồng chị đã vĩnh viễn ra đi, nhưng hình ảnh ấy còn nhói đau trong lòng chị.
Điều làm gia đình nạn nhân cũng như dư luận xã hội không đồng tình chính là thái độ vô cảm của những lương y ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đành rằng rủi ro là điều không ai muốn, đành rằng không phải ai mất bệnh viện cũng đến thăm hỏi, nhưng đây là trường hợp đặc biệt: tử vong do thuốc – một sản phẩm được sử dụng trong bệnh viện. Vì vậy khi sự việc xảy ra, cần thái độ và hành động chia sẻ trách nhiệm của bệnh viện để làm vơi bớt nỗi đau cho gia đình. Cách giải trình của Giám đốc bệnh viện, dù rất đầy đủ chứng cứ và chứng lý, nhưng điều mà những nhà báo như chúng tôi nhận ra là vẫn thiếu sự cảm thông chia sẻ sâu sắc “coi nỗi đau của bệnh nhân và gia đình người bệnh như nỗi đau của chính mình”.
Minh Huê-Quang Sáng
Báo Hà Tĩnh