Dịp cuối thu đầu đông, trời se lạnh, chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định mời họ hàng, bạn bè tới ăn lẩu kèm theo một số món ăn nhẹ để mừng nhà mới. Chị không thích dùng bếp cồn vì mùi, còn bếp gas mini khiến nhiều khách e ngại. Bởi vậy, chị mượn bốn nồi lẩu điện cùng một lúc trên tầng hai.
Với các khu vực sử dụng nhiều thiết bị điện như bếp nên có aptomat riêng, dây điện có tiết diện chuẩn. Ảnh: BHQ. |
Buổi tối hôm đó, cả nhà 20 người đang rôm rả trò chuyện, chờ nước lẩu sôi, bỗng dưng, cả nhà tối thui. Ban đầu, chị Hương tưởng mất điện cả khu nhưng ánh đèn nhà đối diện vẫn sáng, chiếu rọi sang nhà chị.
Sau khi đi kiểm tra, chồng chị Hương phát hiện ra aptomat ở công tơ ngoài cột điện bị "nhảy". Nguyên nhân là do bốn nồi lẩu có công suất lớn hoạt động cùng lúc với các thiết bị như tủ lạnh, bình đun nước siêu tốc, đèn khắp nhà...
Cũng may, aptomat chưa cháy nên sau khi đóng lại, gia đình vẫn có thể dùng điện. Tuy nhiên, 20 người lớn buộc phải ăn chung hai nồi lẩu. Phải tới lúc vị khách cuối cùng ra về, vợ chồng chị Hương mới thở phào nhẹ nhõm vì chưa xảy ra chập cháy gì.
Các sự cố điện của nhà anh Việt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn xảy ra thường xuyên hơn từ khi xây nhà vào năm 2012. Có lúc nhà anh bị chập điện, cháy thiết bị, khi thì mất điện nguồn trong ổ cắm, "nhảy" aptomat.
Anh Việt phải mời kỹ sư điện đến kiểm tra kỹ lưỡng thì phát hiện ra hệ thống điện thi công yếu hơn nhiều so với thực tế sử dụng. Bởi vậy, aptomat nguồn bị quá tải, nhiều dây dẫn bị cháy, đứt ngầm trong tường. Anh sẽ phải làm lại hệ thống điện của toàn bộ nhà, phân chia lại nguồn, thay dây dẫn tiết diện lớn hơn.
Khi anh mới làm nhà, đường điện được tính vừa đủ cho nhu cầu lúc đó nên dây dẫn tiết diện nhỏ. Nhưng sau này, gia đình mua sắm thêm nhiều thiết bị nên đường điện bị quá tải. Nhà anh có bốn phòng ngủ cho hai vợ chồng, hai con, hai bố mẹ già và cậu em trai anh. Ngày nắng nóng cao điểm, cả bốn phòng đều bật điều hòa nên sập luôn nguồn điện. Giữa đêm, anh Việt lại phải ra aptomat tổng ngoài đường để đóng lại. Từ đó, gia đình thu xếp ngủ trong hai phòng khá chật chội để tránh nóng.
KTS Đức Anh tư vấn, ngay từ khi xây nhà, gia chủ cần tính toán để hệ thống có thể chịu tải khi sử dụng nhiều thiết bị công suất cao. Trong thực tế, hầu hết các hộ gia đình thường phải mua bổ sung các thiết bị điện trong quá trình ở. Thiết kế đường điện phải dự báo trước được các khả năng đó. Việc này có thể tốn hơn trong quá trình xây dựng nhưng đảm bảo đủ tải về sau, an toàn cho các thành viên trong nhà.
Ngoài ra, hầu hết các đường dây đều được làm ngầm trong tường. Bởi vậy, việc cải tạo, sửa chữa sẽ tốn kém và khó khăn.
Nếu nhà dùng nhiều thiết bị điện, gia chủ có thể tách thành 2-3 hệ thống qua các aptomat khác nhau để giảm tải cho aptomat tổng. Chủ nhà cũng nên lưu ý tránh dùng cùng một lúc nhiều thiết bị ở các khu vực có nhiều đồ dùng như trong bếp với tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, bình siêu tốc, bếp điện…
"Tính toán từ ban đầu khi xây dựng, thi công đúng thiết kế, dùng các loại vật liệu, thiết bị đảm bảo chất lượng, đúng chủng loại thì bạn mới đảm bảo hệ thống vận hành tốt và an toàn lâu dài", KTS Đức Anh khuyên.
Tác giả: Hà Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress