Xã hội

Đời mặn mòi, không nghỉ hè của những đứa trẻ 'làng Chanchu'

Bố mất trong cơn bão tàn khốc Chanchu. Những đứa trẻ lớn lên ở làng biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phải làm việc cật lực để có tiền mua sách vở, áo quần cho năm học mới.

Các em làm liên tục từ sáng đến chiều để được trả thù lao 40 - 80 ngàn đồng.

Không có mùa hè

Nằm trong con ngõ bé nhỏ, xưởng gia công cá bò của bà Trần Thị Kim Vân (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) thu hút khoảng 50 người làm công. Trong đó hơn 30 trẻ em. Có nhiều em có bố qua đời trong cơn bão Chanchu hồi tháng 5/2006.

Dưới cái nắng chói chang của miền cát biển, các em ngồi trong nhà làm việc chăm chỉ. Những em có “thâm niên” gắn bó với công việc qua mấy mùa hè liên tiếp được ngồi ở khu vực riêng. Còn các em mới đến thử việc, được chủ cơ sở bố trí góc riêng để học việc, tập làm quen gia công cá bò.

“Hè đến bọn trẻ nghỉ học đến xưởng xin làm, tôi không thể từ chối. Các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc hàng ngày không mấy nặng nhọc chỉ đòi hỏi nhanh nhẹn, khéo tay. Sáng sớm, tôi giao hàng cho các cháu, đến chiều tính sản phẩm làm ra và trả tiền”, chủ cơ sở cho biết.

Đang chăm chút từng miếng cá được xắt mỏng sắp đặt vào khuôn thành sản phẩm, cậu bé Nguyễn Văn Thiện (11 tuổi, học lớp 6) mặc áo phông, mang quần đùi với thân người bé nhỏ, gầy ốm lộ ra. Thiện ngồi lỳ trên chiếc ghế, đôi tay thoăn thoắt gia công cá bò. Cứ hơn phút, một miếng cá ráp theo khuôn khổ được hoàn thành.

Cậu bé Nguyễn Văn Thiện mỗi ngày làm việc thu về 80 ngàn đồng và đã có thâm niên hành nghề 3 mùa hè liên tiếp

Cậu bé này, lọt lòng không thấy mặt bố của mình, lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ. Bố Thiện quê ở Nghệ An nhưng vào Quảng Nam đi làm lao động trên tàu cá đánh bắt hải sản. Sau đó kết duyên cùng Trần Thị Minh (42 tuổi) và lập nghiệp ở xã biển Bình Minh. Mỗi đợt ra khơi, bố Thiện làm lao động cả tháng trời trên biển mới về đất liền. Mỗi chuyến đi người bố đem về nguồn thu nuôi gia đình.

“Tôi đang mang bầu Thiện thì tàu đánh cá của chồng gặp nạn trên biển, anh ấy bỏ mẹ con không trở về. Người trụ cột gia đình mất đi, một mình bươn chải nhiều công việc nhưng gia cảnh luôn thiếu thốn”, chị nói và cho biết thêm, ngoài Thiện có con gái làm việc tại đây.

Theo chị Minh, vùng quê miền biển toàn cát trắng, không trồng được loại cây gì cho thu nhập cao. Chị học hành không đến nơi đến chốn, tay nghề không có để xin vào làm việc ở các công ty. Còn đi ra thành phố làm nghề trông trẻ, phụ giúp các quán hàng có thu nhập hơn, nhưng rời quê ở nhà không có ai chăm sóc các con. Do đó mỗi ngày lui tới xưởng cá làm việc với khoản thu nhập gần trăm ngàn.

“Vào mùa nắng nóng tôi đến đây, còn mùa mưa xưởng cá ngừng sản xuất lại kiếm việc khác. Khi ra cảng cá bốc vác, khi đi làm phụ hồ. Một ngày không có việc làm không có tiền để nuôi các con và trang trải cuộc sống”, chị Minh tâm sự.

Tiếp lời, Thiện chen vào, đầu năm học mới mẹ cần một khoản tiền lớn nộp học cho các con. Ban đầu em theo mẹ đến xưởng chơi và mẹ bày cách làm. “Đến nay là mùa hè thứ 3 liên tiếp em làm việc tại đây, công việc đã quen thuộc nên làm được nhiều sản phẩm hơn các bạn khác”, Thiện khoe.

Hè về trẻ con làng Chanchu tìm đến xưởng gia công cá bò làm việc kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới

Mỗi ngày từ 5 giờ sáng, Thiện thức dậy ăn vội chén cơm do mẹ nấu, rồi đạp xe đến xưởng nhận cá làm gia công. Từ 6 sáng đến 4 giờ chiều Thiện làm được khoảng 12kg cá, chủ cơ sở trả 80 ngàn đồng. “Số tiền này, em đưa cho mẹ mua sắm sách vở, tiền đóng nộp khi năm học mới đến”, cậu bé Thiện bộc bạch và chia sẻ kết thúc năm học vừa rồi em đạt học sinh giỏi.

Cũng giống như Thiện, chị gái Nguyễn Thị Vy (15 tuổi, học lớp 9) làm công việc từ sáng đến chiều. “Ngày nào hai chị em đi làm trước để nhận cá, mẹ ở nhà nấu cơm cho vào hộp mang theo sau. Trưa đến, cả nhà cùng ăn cơm tại xưởng, sau đó nghỉ một lúc rồi làm tiếp. Bình quân mỗi ngày ba mẹ con thu được hơn 200 ngàn đồng tiền công”, Vy bộc bạch.

Thấy các bạn được đi chơi cũng buồn

Đồng cảnh ngộ, em Nguyễn Thị Thúy Lực (16 tuổi, học sinh lớp 10) không may mắn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi Lực 5 tuổi bố em qua đời trong cơn bão Chanchu. Cuộc sống nghèo khó, 3 mẹ con dìu nhau qua nỗi đau tiếp tục sống. Và khi hè về, em tìm đến xưởng cá làm việc, số tiền kiếm được trang trải học tập.

Công việc kéo dài gần 10 giờ đồng hồ, mỗi em thu về từ 40 đến 80 ngàn đồng

“Nguồn thu chính của gia đình trông chờ vào anh trai nhưng cách đây gần một năm anh bị tai nạn giao thông. Sau khi điều trị anh vẫn nằm một chỗ, hè đến em theo mẹ ra đây làm kiếm tiền nuôi anh. Phần nữa để mua sách vở, áo quần và tiền đóng nộp cho năm học mới”, Lực tâm sự.

Cũng làm việc tại xưởng cá, em Võ Hồng Hà (13 tuổi) sáng sớm theo mẹ đến xưởng cá. Hà có thâm niên 4 kỳ nghỉ hè liên tiếp luôn có mặt để gia công cá bò. Bình quân mỗi ngày, em thu về khoảng 50 ngàn đồng.

“Số tiền có được, em đóng nộp đầu năm học hết 250 ngàn đồng, còn lại mua sách vở, áo quần. Số tiền dư ra em đưa cho mẹ cất giữ để chi tiêu trong gia đình”, Hà bày tỏ và tiết lộ thêm có anh và em gái cũng làm việc tại đây. Buổi trưa đến mẹ Hà mang cơm ra mấy người ăn, sau đó nghỉ trưa khoảng 30 phút tiếp tục công việc đến 4 giờ chiều.

“Nghỉ hè bạn bè cùng trang lứa được cha mẹ cho đi chơi đây đó em thấy cũng buồn, nhưng hoàn cảnh khó khăn đi làm thêm giúp ba mẹ”, Hà nói và cho rằng, công việc không nặng nhọc, chỉ có việc ngồi từ sáng đến chiều nên mỏi lưng, nhưng làm nhiều nên cũng quen.

Gia công cá bò không mấy nặng nhọc, đòi hỏi nhanh nhẹn, đôi tay hoạt động liên tục

Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch xã UBND Bình Minh cho biết, có 4 xưởng gia công cá bò hoạt động trên địa bàn. Ngày hè mỗi cơ sở thu hút hàng chục em học sinh đến làm việc.

Theo ông Bảy, nhiều em có bố mất trong bão Chanchu nên cuộc sống gia đình khó khăn. “Các em ngồi và sắp xếp cá thành sản phẩm nên công việc tương đối nhẹ nhàng, em nào làm tốt ngày cho thu nhập cao nhất 100 ngàn đồng”, vị lãnh đạo xã nói và chia sẻ khoản tiền này giúp các em trang trải đầu năm học mới, giảm gánh nặng cho gia đình.

Tháng 5/2006, bão Chanchu vào biển Đông. Hai ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12. Đến 10 giờ ngày 15/5, bão chuyển hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc. Rạng sáng 18/5, bão đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Cơn bão này đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển. Trong đó, xã Bình Minh có 86 người bị thiệt mạng. 20 gia đình có 2 - 3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong các gia đình nghèo. Từ đó, xã Bình Minh được gắn với cái tên “xã Chanchu” hay “làng Chanchu”.

Tác giả: LỘC NGUYỄN

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP