|
Ông Nguyễn Văn Áng nói: Tôi xin nhấn mạnh, thông báo chỉ tiêu hàng năm của Bộ GD&ĐT là văn bản xác nhận năng lực đào tạo của đơn vị về số lượng, cơ cấu chỉ tiêu theo báo cáo và đăng ký của cơ sở đào tạo trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng, không phải là văn bản cấp phép hay cho phép đào tạo.
Bộ GD&ĐT thực hiện thông báo chỉ tiêu theo đúng quy định tại Thông tư số 57 và Thông tư số 32 là chỉ kiểm soát năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo đúng 02 tiêu chí đảm bảo chất lượng gồm số sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo/sinh viên.
Đồng thời Thông tư số 57 và Thông tư số 32 không quy định phải kiểm tra văn bản cho phép đào tạo các ngành hoặc hệ nào đó trước khi thông báo chỉ tiêu; không quy định yêu cầu các trường phải cung cấp hồ sơ minh chứng liên quan (như quyết định mở ngành, quyết định cho phép đào tạo,…) vì năng lực đào tạo được xác định trên 2 tiêu chí và thông báo theo khối ngành. Việc phân bổ chỉ tiêu vào mỗi ngành đào tạo trên cơ sở tổng chỉ tiêu đã đăng ký, thông báo và tổ chức tuyển sinh đào tạo các trường phải tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh không phải cơ sở pháp lý cho phép các trường mở thêm ngành đào tạo hay hệ đào tạo mới. Tất cả các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo các cơ sở đào tạo phải thực hiện đúng và nghiêm túc theo quy chế tuyển sinh và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành liên quan. Đồng thời, nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn theo quy định của pháp luật.
Quá trình xác nhận chỉ tiêu có rà soát, kiểm tra trên cơ sở thông tin các trường cung cấp. Việc rà soát này bám sát mục tiêu của Thông tư 57 và 32, chủ yếu rà xem số chỉ tiêu của trường đăng ký có vượt năng lực hay không theo đúng mục tiêu ban hành của Thông tư.
|
Sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ có vấn đề?
Việc trường Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng lại gửi xác nhận chỉ tiêu cho Vụ kế hoạch Tài chính xác nhận, và bản thân ông cũng đã xác nhận chỉ tiêu cho trường này. Ông nói sao về điều đó?
Vụ Kế hoach Tài chính và cá nhân tôi đã thực hiện đúng quy định trong các thông tư điều chỉnh trực tiếp việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh. Trong các Thông tư này không quy định trước khi thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, Vụ Kế hoạch tài chính phải kiểm tra xem trường đó được phép đào tạo ngành này hay ngành kia, hệ này hay hệ kia chưa. Thông tư không có quy định đó, nếu vụ Kế hoạch tài chính kiểm tra thì lại là sai phạm, là đã sách nhiễu các trường. Bởi cơ quan quản lý nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. Nếu muốn kiểm tra nội dung này hoặc nội dung nào đó nữa thì phải sửa Thông tư.
Ông có nhớ đã xác nhận chỉ tiêu cho bao nhiêu trường đào tạo văn bằng 2 hay không? Theo ông, để xảy ra sự việc vừa qua theo ông xuất phát từ những yếu tố nào? Bản thân ông có thấy trách nhiệm của Vụ Kế hoạch Tài chính trong vụ việc này hay không?
Tôi không thể nhớ đã xác nhận bao nhiêu trường có đào tạo văn bằng 2. Theo quy định tại các Thông tư 57 và 32, vụ Kế hoạch tài chính thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các trường, không riêng trường ĐH Đông Đô.
Xảy ra sự việc như Đông Đô tôi nghĩ trước hết bởi các cá nhân ở Đông Đô. Họ chưa được phép mà đào tạo là sai phạm. Nhưng sai phạm lớn nhất nằm ở chỗ họ không đào tạo và đào tạo ẩu để bán bằng nhằm trục lợi. Sai phạm đó để lại hậu quả về mặt xã hội rất lớn.
Ngoài ra, về phía quản lý nhà nước, có thể các quy định chưa lường hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế, dẫn đến các kẽ hở để một số người có thể lợi dụng; hoặc sự phối hợp giữa các đơn vị trong cơ quan Bộ GD&ĐT cũng có thể có vấn đề. Nhìn lại toàn bộ vụ việc, tôi thấy vụ Kế hoach Tài chính đã thực hiện đúng các quy định khi thực thi nhiệm vụ. Nếu nói về trách nhiệm thì phải nói trách nhiệm của tất các các đơn vị trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng chính sách chưa kín kẽ, trong phối hợp hoạt động quản lý chưa chặt chẽ.
Câu chuyện vừa qua cũng đặt ra vấn đề quản lý, giám sát các trường tự chủ trong thời gian tới khi mà các khâu này là hậu kiểm. Nếu các trường cố tình làm sai nhưng cơ quan quản lý không giám sát được thì hậu quả sẽ khó lường. Quan điểm của ông về vấn đề này? Ông có kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý để tránh lặp lại câu chuyện tương tự như Đại học Đông Đô vừa qua?
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tôi cho là bước đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường, không nên vì có đơn vị sai phạm mà quay trở lại cơ chế cũ. Để cơ chế hậu kiểm phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần coi công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng không kém công tác xây dựng và ban hành chính sách. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ cơ chế công khai của các trường theo đúng quy định.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: HOA BAN
Nguồn tin: Báo Tiền phong