Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2015 ?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài đã giải quyết thành công. Ngoài ra, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch 2100 để các địa phương tự rà soát và trong năm vừa rồi tăng cường thanh tra trách nhiệm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương cũng có chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị nên trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, lãnh đạo địa phương được nâng cao; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được bài bản hơn. Tiếp công dân đã được gắn với giải quyết, tăng cường đối thoại ngay tại cơ sở.
Năm 2015 công tác khiếu nại tố cáo giảm, nhưng đoàn đông người kéo lên Trung ương lại tăng mà trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tất nhiên giải quyết dứt điểm rồi nhưng công dân thấy chưa hài lòng, chưa đồng ý, còn ý khác mới lên Trung ương. Cũng có nguyên nhân nữa là bị thế lực xấu kích động, lôi kéo. Cũng có nguyên nhân là chính quyền địa phương giải quyết không đúng, để lâu nên bà con bức xúc kéo lên đây.
Rồi có cả nguyên nhân cán bộ tiếp dân hình thức, thậm chí còn thách thức người dân, không tổ chức đối thoại với người dân tại cơ sở. Việc giải quyết khiếu nại lần đầu chất lượng rất kém, thậm chí có tâm lý “kiểu gì người ta cũng khiếu kiện nữa” nên giải quyết cho xong chuyện nên cuối cùng người dân lại kéo lên Ban Tiếp công dân Trung ương.
Trong năm vừa qua, từ sáng kiến của Ban Tiếp công dân Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai phối hợp, tổ chức 100 luật sư tới Trụ sở Tiếp dân Trung ương để tư vấn trực tiếp cho bà con. Các luật sư đều tham gia tư vấn miễn phí và triển khai tiếp đến hết năm 2016.
Người dân hưởng ứng việc có các luật sư tư vấn miễn phí, trực tiếp tại Trụ sở Tiếp dân Trung ương như thế nào ?
Không chỉ người dân mà cả chúng tôi đều quá phấn khởi. Trước đây rất nhiều thủ trưởng cơ quan nhà nước kỳ thị với luật sư, nhưng bây giờ họ nói chung tiếng nói. Tiếng nói chung nhưng độc lập riêng, khách quan hơn, cơ quan nhà nước cũng nhìn nhận khách quan hơn. Nhiều cơ quan tiếp dân cùng luật sư. Từ đó họ thấy trách nhiệm cần phải tuyên truyền cho người dân hơn nữa về Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng.
Đã có nhiều luật sư đăng ký tư vấn miễn phí lần 2, tức là tiếp tục để tham gia tiếp dân. Chúng tôi bố trí phòng riêng cho luật sư. Khi chúng tôi giải thích rồi mà người dân chưa hiểu thì họ có thể xuống phòng luật sư để được tư vấn thêm, rõ ràng hơn.
Chúng tôi có quy ước rất chặt chẽ: Luật sư đã tư vấn vụ việc nào rồi thì phải theo dõi suốt quá trình giải quyết vụ việc đó, hỗ trợ miễn phí và không được mời người dân ra ngoài để ký hợp đồng. Nếu vi phạm có thể sẽ bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ luật.
Nhưng thưa ông, có rất nhiều vụ việc mà Ban Tiếp công dân Trung ương đã giải quyết chuyển đơn đề nghị xử lý nhưng cuối cùng địa phương, cơ quan liên quan không giải quyết khiến người dân bức xúc ?
Không chỉ Ban Tiếp công dân Trung ương, mà nhiều kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhưng họ cũng “quên”, không làm đâu. Chúng tôi cũng đã đôn đốc, nếu những đơn thư người dân tới đây lần 1-2-3 mà không giải quyết, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Cũng có những người dân lên đây nộp đơn nhưng cái lợi thì họ cất đi, nên không phải lúc nào họ cũng phản ánh hết đâu.
Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng việc phản ánh, tuyên truyền Luật Khiếu nại, tố cáo cho cán bộ làm công tác tiếp dân cũng còn kém vì chưa được 50% trong phạm vi cả nước. Nên năm 2016 này sẽ phải làm quyết liệt việc này, bởi cán bộ tiếp dân mà còn chưa nắm rõ luật thì làm sao có thể giải quyết đơn thư cho người dân được.
Thời gian qua phát hiện nhiều lãnh đạo địa phương “lười” tiếp dân nhưng dường như chế tài chưa đủ mạnh mẽ?. Rồi đến chuyện rất nhiều vụ việc ở cấp cơ sở có thể giải quyết được nhưng đùn đẩy không giải quyết để tới khi Ban Tiếp công dân Trung ương vào cuộc mới được giải quyết dứt điểm. Những trường hợp đó có xem xét thanh tra, xử lý trách nhiệm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp cơ sở hay không ?
Dư luận đánh giá việc này rất nhiều. Rất nhiều cuộc thanh tra trách nhiệm nêu lên trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lười tiếp dân. Nhưng trong hàng nghìn cuộc thanh tra trách nhiệm thì lại chưa thấy có cuộc nào thanh trách nhiệm xử lý đối với ông thủ trưởng cơ quan lười tiếp dân đó cả.
Trong năm 2016 này chúng tôi sẽ kiến nghị Ban Bí thư giao Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thanh tra Chính phủ kiểm tra cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tôi cho rằng cần kiểm tra đúng các nội dung trong Chỉ thị 35 như việc lấy hiệu quả tiếp công dân để làm cơ sở đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, khen thưởng cán bộ… Nếu vi phạm thì phải công khai cho người dân biết. Đây là một trong những chế tài không có trong luật, nhưng phải công khai tên tuổi của người đó ra để dân biết giám sát ông đó phải tiếp dân mà lười tiếp dân, giao phó cho cấp dưới.
Từ thực tiễn chúng tôi thấy việc tiếp dân của ông chủ tịch địa phương rất quan trọng, bởi có thể giải quyết được ngay vụ việc.
Năm 2016 các địa phương có nhiều đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ đề xuất thanh tra. Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng về giải quyết khiếu nại tố cáo là một việc nhưng có thể thanh tra luôn việc giải quyết vụ việc cụ thể để xem địa phương giải quyết đúng chưa, từ đó kiến nghị với Trung ương, Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc địa phương đã giải quyết đúng luật rồi nhưng kết luận giải quyết không phù hợp với thực tế thì cũng phải xem lại. Giải quyết đúng luật rồi nhưng người dân còn thấy bức xúc, thiệt thòi, khó khăn thì phải có chính sách an sinh xã hội khác, phải kiến nghị điều chỉnh, bởi tất cả đều phải phục vụ cho người dân.
Xin cảm ơn ông !
“Tiếp dân để người dân tham gia ý kiến về việc xây dựng chủ trương của chính quyền, chủ trương của Trung ương. Tiếp dân để lắng nghe dân, đề dân dạy cho nhiều điều. Ông không phải quê đó thì không biết chỗ đất này sau khi dồn điền đổi thửa thì phải gắn bó với loại cây nào. Tiếp dân thì dân mới phản ánh cho cán bộ của anh thế này, trình độ năng lực chuyên môn thế này đấy. Đấy là xây dựng chính quyền. Rất nhiều dự án thu hồi đai để hoang mà dân không còn tư liệu sản xuất. Tiếp dân để biết mà thanh tra xem nó thế nào chứ, tại sao dự án không thành công và từ đó cân nhắc việc cho phép những dự án khác như vậy triển khai trên địa bàn, chứ không thể nhà để hoang, đất hoang còn đó mà vẫn triển khai nữa.
Những dự án về giao thông, an ninh quốc phòng, đa số người dân ủng hộ lắm, trừ trường hợp mang tính kinh doanh. Ý thức của người dân bình thường có thể va chạm chính quyền thế thôi, chứ vì lòng yêu nước, xây dựng nông thôn mới chẳng hạn, tôi thấy nhiều gia đình rất nghèo nhưng sẵn sàng hiến đất mà có cần đền bù đâu. Tiếp dân cũng phải vận động cả bà con chia sẻ khó khăn với nhà nước thì mới đảm bảo được các yêu cầu”- Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
Thế Kha (thực hiện)