Trong nước

Chủ đầu tư có được tự ý miễn phí tại trạm BOT?

Việc bắt buộc phải xả trạm BOT ở cự ly 700m khi xảy ra ùn tắc thì cả người tham gia giao thông và đơn vị khai thác tuyến đường đều được “miễn phí”. Nếu nhà đầu tư tự xả trạm thì phải bỏ tiền lợi nhuận ra để bù đắp vào phương án tài chính.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin như vậy khi trao đổi với PV Dân trí về vấn đề miễn phí đường bộ qua trạm BOT, sáng 20/12.

Một trạm BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Một trạm BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Trước đó, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm đề xuất việc miễn phí vé qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong dịp Tết Nguyên Đán 2019.

Việc đưa ra đề xuất này nhằm giúp giảm tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong ngày lễ Tết, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của trạm thu phí được nghỉ đón Tết cùng gia đình.

Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí tại trạm thu phí BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào.

“Đề xuất của nhà đầu tư chỉ được chấp nhận khi nhà đầu bỏ tiền lợi nhuận của chính doanh nghiệp ra để bù vào những ngày miễn phí cho các chủ phương tiện qua trạm, bù đắp phương án tài chính của dự án”- lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.

Theo quy định của pháp luật, phương án tài chính của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc miễn, giảm phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông luôn được Tổng cục này yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị khai thác các tuyến đường thực hiện trong các dịp cao điểm, lễ Tết.

Theo đó, bắt buộc xả trạm trong cự ly 700m khi xảy ra ùn tắc giao thông, người tham gia giao thông được miễn phí khi thực hiện xả trạm trong trường hợp này.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư, đơn vị thu phí phải mở barie giải tỏa phương tiện trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trước khi vào trạm thu phí, nếu chủ đầu tư trạm BOT không thực hiện sẽ bị phạt hành chính tiền từ 50-70 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt.

Tác giả: C.N.Q

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP