Giáo dục

Chống bạo lực học đường: Dạy trẻ kiểm soát cảm xúc, xả stress từ bậc tiểu học

Phân tích nguyên nhân cũng như giải pháp về bạo lực học đường tràn lan đến mức đáng sợ như hiện nay, TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để học sinh có những kỹ năng quản lý stress và ứng xử phù hợp ở tuổi dậy thì thì công tác giáo dục cần được hướng dẫn từ tuổi tiểu học. Cần lưu ý là kỹ năng chỉ là cái ngọn, các em cần được giáo dục các giá trị cơ bản phổ quát như yêu thương, tôn trọng, hợp tác và đoàn kết.

Clip ghi lại những hành động vô cùng bạo lực, phản cảm của nhóm nữ sinh

Gần đây, trong học đường xảy ra nhiều vụ bạo lực như trường hợp 6 nữ sinh đánh hội đồng, cưỡi lên đầu và lột đồ ngay tại bục giảng; nam sinh bị 7 học sinh đánh hội đồng bạn dã man. Đỉnh điểm nhất, ngày 23/10 vừa qua, một nam sinh lớp 12 ở Tuyên Quang bị hai bạn trong trường (đã bỏ học) đánh chết ngay tại trường. Các vụ việc lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng manh động.

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thành Nam, (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) về giải pháp xung quanh vấn đề này.

“Thủ phạm” là phim ảnh, game bạo lực?

PV: Gần đây liên tục xuất hiện những vụ bạo lực học đường. Có ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày càng hung bạo, ảnh hưởng từ cuộc sống phim ảnh, thông tin truyền thông,…Ông có đồng ý với ý kiến này không?

TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng một lý do chính khiến các vụ việc bạo hành ngày càng trở nên nghiêm trọng, sử dụng vũ khí gây sát thương cho người khác là do bị ảnh hưởng bởi các chất liệu bạo lực trên mạng internet bao gồm cả phim ảnh, thông tin truyền thông, game bạo lực…

Các nghiên cứu trên thế giới cũng chứng minh rằng nhiều vụ bạo lực ngoài đời thực có các tình tiết giống hệt bối cảnh trong video game mà thủ phạm thường chơi; cũng có nhiều vụ trộm, khủng bố bắt chước các ý tưởng trên phim của các nhà làm phim Hollywood.

Còn ở Việt Nam, chưa nhiều phụ huynh có ý thức về việc kiểm soát con cái trước những thông tin bạo lực, tình dục không phù hợp với lứa tuổi. Phần vì bản thân họ không có thời gian để kiểm soát con. Phần vì điều kiện gia đình không đủ rộng rãi để cách ly trẻ ra khỏi những chủ đề mà bố mẹ muốn xem nhưng không phù hợp với con. Các cơ quan cung cấp dịch vụ truyền thông, truyền hình cáp cũng chưa có những chế tài nhất quán để cảnh báo người dân về những tư liệu bạo lực không phù hợp với trẻ em

PV: Theo ông, việc thay đổi tâm lí ở lứa tuổi dậy thì cấp 2-3 cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến xích mích trong nhà trường và dẫn đến những cuộc bạo lực như thế?

Tuổi dậy thì là một giai đoạn trẻ muốn khám phá, thử nghiệm mọi thứ để định hình giá trị và xác định bản sắc cho cá nhân. Sự thay đổi tâm sinh lý trong giai đoạn này khiến trẻ có nhiều hành vi bùng nổ, bốc đồng. Sự thay đổi về hệ thần kinh chưa theo kịp để ức chế, kiểm soát những hành vi bốc đồng đó dẫn đến nhiều vụ việc được quyết định thực hiện rất nhanh chủ yếu chỉ dựa trên cảm xúc nóng giận nhất thời.

TS Trần Thành Nam

Trẻ cần được giáo dục, hướng dẫn từ bậc tiểu học

PV: Câu chuyện đặt ra là có những lớp kỹ năng quản lý cũng như xả strees không, thưa ông?

Để học sinh có những kỹ năng quản lý stress và ứng xử phù hợp ở tuổi dậy thì thì công tác giáo dục cần được hướng dẫn từ tuổi tiểu học. Cần lưu ý là kỹ năng chỉ là cái ngọn, các em cần được giáo dục các giá trị cơ bản phổ quát như yêu thương, tôn trọng, hợp tác và đoàn kết. Các kỹ năng như kiểm soát cảm xúc, xả stress chỉ là kỹ thuật và nếu không có động cơ đúng đắn xuất phát từ các giá trị thì các em dù có kỹ năng cũng sẽ không sử dụng chúng.

Việc giáo dục kỹ năng sống giá trị sống đã từng được đưa vào thử nghiệm nhưng công tác giáo dục gặp nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả. Điểm yếu cơ bản là người giáo viên không có kỹ năng, giá trị đó thì không thể nào tạo nên bầu không khí có giá trị để học sinh trải nghiệm được.

Và kể cả học sinh có lĩnh hội được trong khuôn khổ một vài giờ học nhưng từ trường về nhà các em đã chứng kiến một cuộc sống thực tế khác ở đó người ta dùng bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, lừa lọc, nói dối nhau thì những giá trị, kỹ năng mới được dạy không thể được nhập tâm và tin tưởng.

PV: Việc tràn lan bạo lực học đường là do cha mẹ cũng bất lực khi con bị bạo hành, nhà trường lúng túng không biết xử lý thế nào ? Vậy theo ông, làm sao để làm giảm những vụ bạo lực học đường như hiện nay?

Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều và có nhiều giải pháp cho bạo lực học đường nhưng tình hình không được cải thiện có lẽ vì một thực tế là chúng ta không nhất quán trong việc cách ly trẻ ra khỏi những chất liệu bạo lực vốn tồn tại đầy rẫy trong xã hội, nhà trường và gia đình.

Từ quan điểm cá nhân, tôi thấy cần có các chế tài pháp lý mạnh hơn với các vụ bạo hành gia đình, bạo lực với trẻ chứ không phải chỉ tổ chức hòa giải, rút kinh nghiệm là xong.

Với xã hội và truyền thông cũng cần có những chế tài pháp luật quản lý nội dung và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ. Tôi cũng cho rằng cần thiết phải có những vị trí cán bộ tư vấn trong nhà trường để kịp thời phát hiện và phòng ngừa những nguy cơ bạo lực học đường.

Họ sẽ là người ra soát thường xuyên để phân loại học sinh theo các nhóm nguy cơ (cách phân loại 5 nhóm nguy cơ bạo lực học đường và chiến lược với từng nhóm như: nhóm nguy cơ thấp, nhóm nguy cơ thấp đến trung bình, nhóm nguy cơ trung bình, nhóm nguy cơ cao - đối tượng xác định, nhóm nguy cơ cao- tính cách hung hãn).

Tác giả: ĐỖ HỢP

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: bạo lực , học đường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP