Trong nước

Chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không chỉ là chiến thắng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn phản ánh khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ ngày 26 đến 30-4-1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, có ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại sâu sắc.

Đánh nhanh, đánh dứt điểm

Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp "Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước" hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta thực hiện ba đòn tiến công chiến lược: Đòn tiến công chiến lược thứ nhất (từ ngày 4 đến 24 - 3), giải phóng Tây Nguyên; đòn tiến công chiến lược thứ hai (từ ngày 5 đến 29-3), giải phóng Huế - Đà Nẵng và đòn tiến công chiến lược cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cuối tháng 3 - 1975, quân ta liên tiếp giành thắng lợi to lớn trong các Chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng khiến quân địch bị tổn thất nặng về cả quân số lẫn vật chất, giảm sút nghiêm trọng về tinh thần chiến đấu.

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn trưa 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

Ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị họp đề ra quyết tâm chiến lược mới: "Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 - 1975, không thể để chậm hơn".

Tiếp đó, ngày 8-4-1975 tại căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và khẳng định: Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam. Do đó, cần tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch xác định cuộc tiến công sẽ diễn ra đồng thời trên 5 hướng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đông, Đông Nam, Tây và Tây Nam; thực hiện đánh nhanh, đánh dứt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch, bảo vệ dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa trong thành phố…

17 giờ ngày 26-4-1975, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ ngày 26 đến 28-4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ.

5 giờ sáng ngày 29-4-1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch.

Các chiến sĩ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

Sáng sớm 30-4-1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ Tư lệnh không quân và Bộ Tư lệnh Sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!

Giá trị của độc lập dân tộc

Khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta được thể hiện ngay trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên do Lý Thường Kiệt khẳng định: "Sông núi nước Nam, Vua Nam ở/ Rành rành phân định tại sách trời".

Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng trên báo L'Humanité, tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở các thuộc địa và kêu gọi nhân dân bị áp bức đấu tranh giành độc lập tự do. Tháng 5-1941, ngay sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư Kính cáo đồng bào, kêu gọi 20 triệu con Lạc cháu Hồng hãy nêu cao truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, đoàn kết toàn dân đánh đuổi Pháp - Nhật.

Người chỉ rõ: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng... giành tự do độc lập"(1). Khi nền độc lập bị đe dọa, cả dân tộc với tinh thần và ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", từng bước giành thắng lợi và kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng trưa 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

"Không có gì quý hơn độc lập, tự do" là một chân lý, có giá trị dân tộc, thời đại và thực tiễn sâu sắc, là niềm tin, lẽ sống, nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng, của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Khát vọng độc lập, tự do được đúc kết từ lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, là lời hịch non sông, phản ánh khát vọng độc lập, tự do của cả một dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, nhân dân Việt Nam đã luôn đấu tranh kiên cường cho quyền độc lập, tự do thiêng liêng ấy.

Khát vọng độc lập, tự do cũng là ước vọng cao nhất, ham muốn lớn nhất suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"(2).

Kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp chúng ta nhìn lại đất nước với bao nhiêu đổi thay kỳ diệu. Từ trong đổ nát, hoang tàn chiến tranh, đất nước ta vững bước tiến lên trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(1):Hồ Chí Minh (2013) Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t. 1, tr. 524
(2):Hồ Chí Minh (2013) Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t. 15, tr. 627.

Tác giả: PGS.TS PHẠM NGỌC TRÂM, Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP