Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm 8/5 (theo giờ Việt Nam) sẽ công bố quyết định liệu có rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 hay không, tức là sớm hơn 4 ngày so với thời hạn ban đầu đưa ra là ngày 12/5.
Iran và Châu Âu chuẩn bị kịch bản xấu nhất từ phía Mỹ. Ảnh: CNN. |
Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, giới chuyên gia lo ngại nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu và thậm chí là có thể khiến Iran quay lại chương trình hạt nhân, từng gây căng thẳng các mối quan hệ quốc tế trong hàng thập kỷ như trước đây.
Trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Donald Trump hôm 7/5 viết: “Tôi sẽ thông báo quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran ngay vào lúc 14h ngày 8/5” (tức 1h sáng ngày 9/5 giờ Hà Nội). Nếu kịch bản “một sự quay lưng dứt khoát” của Mỹ xảy ra cũng đồng nghĩa với một sự kết thúc ngay lập tức những nỗ lực cuối cùng của các đồng minh Châu Âu nhằm duy trì văn kiện, vốn vẫn đang trong thời gian có hiệu lực.
Dù các thanh sát viên quốc tế thường xuyên xác nhận Iran tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận, song các nước Châu Âu cũng không thể che giấu được sự bi quan trong trường hợp Mỹ rút ra. Bộ Ngoại giao Pháp mới đây cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron tin rằng, thế giới đang bị hướng tới một quyết định tiêu cực và Pháp cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho một sự rút lui “một phần hoặc hoàn toàn”.
Đến Nhà Trắng cách đây 2 tuần, Tổng thống Pháp đã tìm cách thuyết phục người đồng cấp Mỹ không rút khỏi thỏa thuận, đồng thời đề xuất đàm phán với Iran về một thỏa thuận mới bao gồm những lo ngại của Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel vài ngày sau đó cũng ủng hộ ý tưởng này.
Tổng thống Donald Trump luôn chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là một văn kiện tồi tệ nhất mà Mỹ từng ký kết, với quá nhiều thiếu sót, đặc biệt liên quan điều khoản: từ năm 2025 sẽ dỡ bỏ dần một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân Iran, cũng như việc văn kiện không “tấn công trực tiếp” các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran, cũng như các hoạt động mà nước này cho là “gây bất ổn” của Iran tại Trung Đông.
Sau Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm 7/5 đã trở thành “thuyết khách” mới nhất, cũng như đánh dấu nỗ lực cuối cùng của Châu Âu nhằm thuyết phục người đứng đầu nước Mỹ. Phát biểu ngày 7/5 tại thủ đô Washington sau cuộc gặp với Người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, ông Boris Johnson tuyên bố, Tổng thống Donald Trump có lý khi chỉ ra những thiếu sót và muốn cộng đồng thế giới chú ý đến điều này. Tuy nhiên, Anh cho rằng “ném chuột đừng nên vỡ bình”, vẫn có giải pháp vừa có thể giải quyết những lo ngại của Mỹ mà không làm mất đi những thứ quý giá mà quốc tế khó khăn lắm mới đạt được:
“Tổng thống Mỹ đã đặt ra mục tiêu vào tháng 1 vừa qua sẽ cố gắng giải quyết nhiều vấn đề liên quan chương trình hạt nhân Iran như cố gắng ngăn Iran phát triển tên lửa đạn đạo. Chúng tôi cho rằng, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này thông qua phối hợp với các đối tác Châu Âu. Tôi nghĩ chúng ta có thể mạnh tay hơn với Iran song không bỏ đi cái cốt lõi của thỏa thuận vốn được cho là nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân".
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đang tích cực vận động cho thỏa thuận, coi đây là cách tốt nhất để tránh cho Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Ngoại trưởng Pháp, Châu Âu quyết tâm cứu văn kiện bởi đây là cánh cửa giúp bảo vệ thế giới trước nguy cơ phổ biến hạt nhân: “Cùng với các đối tác Anh, chúng tôi quyết định cứu thỏa thuận hạt nhân bởi văn kiện là sự bảo đảm chống lại nguy cơ phổ biến hạt nhân và là con đường đúng đắn nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đang chờ đợi quyết định của Mỹ.”
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức thì cho rằng, thế giới sẽ trở nên kém an toàn hơn nếu không có thỏa thuận hạt nhân Iran và bất kỳ một thất bại nào cũng có thể dẫn tới một sự leo thang tại Trung Đông.
Theo chuyên gia Robert Einhorn, thuộc Viện Brookings, Châu Âu tin vào một sự rút lui của Mỹ ngay cả khi họ đã đạt được nhiều bước tiến trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận nhằm đáp ứng những yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Còn ông Robert Malley, một trong số các nhà đàm phán với Iran dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama cũng cho rằng, Tổng thống sẽ quyết định “khai tử” văn kiện ký năm 2015 này. Theo ông, điều Châu Âu cần làm hiện nay là giữ chân Iran ở lại văn kiện dù điều này sẽ rất khó khăn.
Điều dư luận quan tâm lúc này là trong kịch bản xấu nhất là Mỹ rút khỏi thỏa thuận, hành động của Iran sẽ như thế nào? Cho tới nay, câu trả lời của Iran vẫn là chưa rõ ràng. Trong khi những người theo đường lối cứng rắn như một số cố vấn của Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng, nước này nên từ bỏ văn kiện nếu Mỹ rút, thì lập trường của Tổng thống Hassan Rouhani hay Ngoại trưởng nước này Javad Zarif lại có phần khó dự đoán hơn.
Trong một phát biểu ngày 7/5, Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran có thể ở lại với điều kiện Châu Âu có thể đảm bảo những yêu cầu nước này, sau khi chỉ trước đó một ngày cảnh báo, Mỹ sẽ phải “hối tiếc mãi mãi” nếu rút khỏi.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: Báo VOV