Trong nước

Cán bộ vi phạm kê khai tài sản: Phải xử lý nghiêm, tránh bỏ lửng

"Khi thực hiện dự án bất động sản hoặc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, cần có quy định cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng, móc ngoặc giữa cán bộ, công chức với người thân để hưởng lợi", Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền.

Những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm trước thông tin con gái một cán bộ nguyên là lãnh đạo ngân hàng Nhà nước mới 22 tuổi, đang là sinh viên nhưng đã sở hữu một biệt phủ hoành tráng ở TP.HCM.

Hơn nữa, sau vụ Giám đốc sở TN&MT Yên Bái bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về vấn đề kê khai, giám sát tài sản của cán bộ vẫn còn kẽ hở, nhất là những tài sản đứng tên người thân của cán bộ đó.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: “Đúng là một điều đáng băn khoăn khi mà thời gian vừa qua, một số vụ việc qua kết luận của thanh tra, kiểm tra cũng như báo chí phát hiện tài sản của cán bộ, công chức không được kê khai một cách trung thực. Điều đó bộc lộ một vấn đề là việc kê khai tài sản và giám sát tài sản của cán bộ, công chức vẫn còn hình thức, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phòng, chống tham nhũng.

Việc con gái của cán bộ nguyên là lãnh đạo ngân hàng Nhà nước mới 22 tuổi, đang đi du học mà đã sở hữu một “biệt phủ” lớn như vậy là bất bình thường. Điều đó khiến dư luận nghi vấn về sự thiếu trung thực, thiếu minh bạch đối với vấn đề kê khai, giám sát tài sản của một số cán bộ, lãnh đạo.

Trường hợp của Giám đốc sở TN&MT Yên Bái cũng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những vi phạm trong việc kê khai tài sản của vị này. Vậy phải làm thế nào để việc kiểm soát tài sản của quan chức đạt hiệu quả, nó là vấn đề khó, không đơn giản nhưng chúng ta vẫn phải làm. Vì đây là yêu cầu đầu tiên, quan trọng để thực hiện tốt công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền phân tích: “Theo kinh nghiệm của thế giới và qua thực tiễn cho thấy trước hết, Nhà nước cần có hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ. Khi chúng ta có hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ thì sẽ dễ dàng biết khối tài sản mà cán bộ, công chức nói là tài sản thừa kế hoặc tài sản bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con lãnh đạo đó đứng tên ở đâu ra.

Ngoài ra, việc giảm thanh toán bằng tiền mặt cũng là một trong những cách để minh bạch hơn trong vấn đề kiểm soát nguồn gốc đồng tiền, giúp phòng chống tham nhũng tốt hơn”.

"Biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc sở TN&MT Yên Bái.

Theo Đại biểu Hiền, hiện pháp luật quy định chỉ kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Quy định đó dễ dẫn đến chuyện chuyển tài sản cho con đã thành niên. Vấn đề này cần phải nghiên cứu, quy định lại cho phù hợp.

Đại biểu Hiền chia sẻ: “Theo tôi, chúng ta không cần quy định kê khai tài sản đại trà, nên tập trung những người đứng đầu ngành, những người trực tiếp công tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý ngân sách, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản, cơ quan tố tụng, doanh nghiệp Nhà nước...

Việc tập trung vào các chủ thể cần kê khai như thế sẽ dễ quản lý hơn, tránh việc kê khai theo kiểu hình thức rồi bỏ đấy, không giám sát, kiểm tra được. Việc kê khai cần ghi rõ tài sản phát sinh khi nào, nguồn gốc tài sản đó ở đâu ra và phải chứng minh được.

Ngoài ra cũng cần quy định biện pháp xử lý đối với tài sản mà cán bộ không kê khai nhưng bị cơ quan chức năng phát hiện. Với những tài sản như nhà, đất, xe, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng... thì bắt buộc cán bộ, công chức phải kê rõ ràng.

Đồng thời, để chống tham nhũng từ chính chức vụ, vị trí công tác của lãnh đạo, cán bộ, công chức cần quy định cụ thể những điều nên cấm. Ví dụ, khi đấu giá một dự án, một tài sản có giá trị lớn thì cần cấm cán bộ hoặc vợ, chồng, con họ sở hữu những quyền lợi liên quan đến việc đấu giá đó.

Ví dụ khác là khi thực hiện một dự án bất động sản hoặc khi cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, cần có quy định cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng, móc ngoặc giữa cán bộ, công chức với người thân để hưởng lợi”.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị đang cùng vào cuộc để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, kết hợp với sự giám sát của người dân thì hiệu quả sẽ cao hơn. Chúng ta cần phải có cơ chế quản lý rất chặt chẽ về kiểm kê, kiểm soát, công khai, minh bạch tài sản của lãnh đạo, công chức.

Đối với những trường hợp đã phát hiện những sai phạm thì cần xử lý nghiêm, phải đi đến tận cùng vụ việc, tránh bỏ lửng hoặc xử lý cho xong. Làm được như thế thì người dân sẽ tin tưởng, ủng hộ và đó cũng sẽ là bài học cho công tác quản lý sau này”.

Tác giả: C.Công

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP