Nhân ái

Cảm động người chị gái ở vậy chăm sóc em trai tâm thần suốt 35 năm qua

Chấp nhận tuổi thanh xuân tươi đẹp trôi đi theo thời gian, suốt 35 năm qua, bà Mùi vẫn ở vậy để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người em trai bị tâm thần.

Ở vậy nuôi em tâm thần

Dạo qua những con hẻm ngoằn ngoèo, tìm đến thôn Cổ Lũng, xã Bình Minh, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) chúng tôi tìm về nhà bà Vũ Thị Mùi (SN 1960). Gian nhà cấp 4 rộng chừng 8m2 dột nát, xiêu vẹo, cửa được che bằng mảnh bạt rách cùng với cánh cổng lưới sắt ở góc sân trước mắt chúng tôi là nơi che chở cho anh Vũ Văn Lai (SN 1962) – em trai út của bà Mùi bị tâm thần đã 35 năm qua.

Thương em trai bệnh tật, bà Mùi ở vậy để chăm sóc cho em mình

Bà Mùi kể, bố mẹ bà sinh được 6 người con, chị cả lấy chồng ở tỉnh Hà Nam, hai anh trai hi sinh khi tham gia chiến đấu tại chiến trường, người anh trai tiếp theo sau khi lập gia đình, sinh con xong thì bị tai biến suốt mấy chục năm qua. Cậu em trai út bình thường, khoẻ mạnh cho đến năm 20 tuổi thì bỗng dưng phát bệnh tâm thần.

“Năm 1982, thằng Lai mới học xong cấp 3, vừa thi đỗ một trường đại học bên quân đội đang chờ nhập học thì bỗng dưng chẳng nói chẳng rằng. Gia đình chạy vạy đưa đi chữa bệnh khắp nơi suốt 2 tháng mà không thuyên giảm.

Cũng vì quá nghèo không có tiền để tiếp tục đưa chú ấy đi chữa bệnh nên đành để ở nhà. Thời gian này nếu không xích chân, xích tay lại nhốt trong nhà thì chú ấy lột quần áo, chạy lung tung khắp nơi đánh người, đập phá đồ đạc. Chú ấy học hành giỏi giang, cả nhà ai cũng mừng vậy mà đùng cái thành ra như bây giờ…”, bà Mùi ngậm ngùi kể.

Thời còn trẻ bà Mùi cũng được nhiều trai làng để ý, ngỏ lời muốn kết duyên nhưng nhìn đến cảnh gia đình nghèo khó, bố mẹ già yếu, anh trai đang đi học trung cấp, em trai lại mắc bệnh, cơm không có mà ăn nên bà Mùi không để ý đến chuyện tình cảm nam nữ.

Nơi em trai bà Mùi ở là căn phòng cũ, tồi tàn, được khoá kín cửa

“Nhà nghèo khó nên tôi hứa với bố mẹ ở nhà làm ăn kinh tế cho gia đình, để bố mẹ còn có bát cơm mà ăn. Anh trai tôi sau khi lấy vợ, sinh con thì lại bị tai biến, em tôi thì lại bị như vậy nữa nên dần dần tuổi xuân nó cứ trôi đi, tôi càng không thiết đến đời mình.

Bố tôi mất từ năm 1981, mẹ tôi mất năm 2013, để mẹ yên tâm an nghỉ trước khi mẹ qua đời tôi cũng đã hứa sẽ ở vậy chăm sóc em trai cho đến cuối đời. Thoắt cái đã mấy chục năm trôi qua rồi”, bà Mùi chia sẻ về lý do ở vậy để chăm sóc em trai bệnh tật.

Làm nhiều việc để trang trải cuộc sống

Hàng ngày, để có tiền trang trải cuộc sống người phụ nữ nay đã gần 60 vẫn phải đi làm cỏ, cấy lúa thuê, những ngày nông nhàn thì bà đi làm phụ hồ khiến ai cũng cảm thấy xót xa.

Bà Mùi nói, dù mỗi khi trái gió trở trời người cũng đau nhức nhưng bà cũng cố gắng để đi làm. Hàng tháng hai chị em bà được tổng cộng 810 nghìn đồng tiền trợ cấp từ Nhà nước (bà được 270 nghìn đồng, em trai bà được 540 nghìn đồng), nhưng số tiền trên chỉ vừa đủ mua thuốc cho em trai. Trong khi em trai bà ngày một yếu đi, bệnh tình phát sinh thêm nhưng vì không có tiền nên cũng không đưa em đi khám được.

“Tôi đi làm trong xã nên cứ đến trưa lại tranh thủ về đút cơm cho em ăn, dọn dẹp, giặt giũ, đến đầu giờ chiều lại đi làm. Do sức khoẻ của nó không tốt lúc trên giường, lúc dưới đất, không đi lại được mà chỉ chồm chồm như ếch nhảy nên mỗi tháng tôi chỉ đi làm được mươi ngày.

Bà Mùi ước rằng em trai mình sẽ... đi trước mình để bà có thể chăm sóc trọn chữ tình

Người ta nói tôi cho nó ăn ít đi để đỡ phải hầu nhưng thâm tâm tôi không nỡ cho em ăn đói đi, vì dù nó bệnh tật vẫn là em mình, làm như thế là phải tội. Thôi thì vận đen vào gia đình nào thì gia đình ấy chịu, tôi cũng chỉ mong có sức khoẻ để lo cho em chứ cũng chẳng biết làm sao được.

Các cháu con của anh trai tôi cũng ngoan ngoãn, những khi đi làm xa về cũng hay qua chơi với chú nhưng nếu tôi chết trước, các cháu phải chăm sóc thằng Lai thì tôi nghĩ các cháu cũng không chịu đựng được. Nên tôi chỉ ước rằng em sẽ đi trước tôi”.

Tác giả: Đức Văn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP