Bộ trưởng Tô Lâm. |
Chiều 1/11, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) về việc người dân bị gây phiền hà khi làm thủ tục cấp đổi căn cước công dân, Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 10/10/2018 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 33 sửa đổi một số điều của Thông tư số 61/2016 quy định mẫu thẻ căn cước công dân.
Thông tư 33 chỉ điều chỉnh về mẫu thẻ căn cước công dân chứ không điều chỉnh về quy trình, thủ tục cấp căn cước công dân. Các quy định về quy trình, thời gian, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được quy định trong Thông tư số 07/2016 và Nghị định số 137/2015 của Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện thông tư, Bộ Công an cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn giải quyết các vướng mắc để giảm phiền hà cho công dân. Cụ thể như việc cấp giấy xác nhận số CMND; giao cho cơ quan làm thủ tục cấp căn cước công dân có trách nhiệm xác minh các nội dung thông tin cá nhân ghi trên sổ hộ khẩu chưa đúng với những giấy tờ của công dân; giải quyết vướng mắc của công dân khi các giấy tờ của công dân không có ngày sinh, tháng sinh hoặc số CMND chưa đúng thì bổ sung,...
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua 3 năm thực hiện công tác cấp căn cước công dân vẫn còn một số nội dung cần phải điều chỉnh theo hướng cải cách hành chính, giảm phiền hà cho công dân.
“Tiếp thu ý kiến đại biểu, thời gian tới Bộ Công an sẽ đưa vào chương trình xây dựng thông tư sửa đổi Thông tư số 07 và các thông tư hướng dẫn thực thi Luật căn cước công dân trong Quý I năm 2019. Trong quá trình sửa đổi thông tư nêu trên, Bộ Công an sẽ điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân như ý kiến của đại biểu đã nêu”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra 4 dự án ngành công thương
Trả lời chất vấn của đại biểu về tiến trình thanh tra 12 dự án thua lỗ lớn ngành công thương, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết cơ quan này được giao thanh tra trực tiếp 6 dự án. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận 4 dự án và chuyển cơ quan điều tra đối với 4 dự án này. Còn 2 dự án là dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc đang được hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong thời gian sớm nhất.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. |
6 dự án còn lại, Chính phủ giao cho Thanh tra Bộ Công Thương thanh tra 5 dự án, Thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra dự án DAP số 2 - Lào Cai. Những cuộc thanh tra này đều đã có kết luận và được Thanh tra Chính phủ có rà soát, nếu có sơ suất sẽ có ý kiến hoàn thiện kết luận.
“Hiện nay chúng tôi thấy kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Công Thương, Thanh tra Lào Cai đúng quy định pháp luật. Mong rằng cơ quan chức năng quan tâm sớm xử lý những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, góp phần cùng Thanh tra Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương để sớm đưa các dự án này vào đi vào hoạt động có hiệu quả”.
4 dự án, doanh nghiệp mà Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an do trong quá trình thanh tra đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật, gồm: Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm. “Trong Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại của các dự án này”-ông Trần Tuấn Anh nói.
Kiến nghị thu hồi 194 tỷ đồng tiền chính sách chi sai quy định
Trong khi đó, trả lời về thực hiện chính sách với người có công, Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng lĩnh vực này vừa qua được thực hiện quyết liệt, nhiều địa phương đưa thành văn hoá trong triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì đã xuất hiện nhiều tiêu cực.
Bộ và các địa phương đã phát hiện và đình chỉ thực hiện chính sách đối với hơn 6.500 trường hợp bao gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Qua thanh tra toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 đến 2018 với tổng số hơn 66.000 hồ sơ, đến nay Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đã quyết định đình chỉ chính sách gần 2.300 trường hợp, do hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo; kiến nghị thu hồi hơn 194 tỷ đồng.
"Các cơ quan chức năng cũng như tòa án đã truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người. Vừa qua, dịp 27/7 một số trường hợp sai phạm đã tự nguyện trả lại"-ông Dung thông tin.
Chậm trễ xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường
Đại biểu Mai Sỹ Diến và đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà xung quanh việc chậm trễ trong thực hiện Quyết định 1788 của Thủ tướng về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Theo kế hoạch năm 2015 phải xử lý dứt điểm 229 cơ sở ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 là 435 cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới đạt được 230 cơ sở, còn 205 đơn vị.
Trước lo ngại không đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm trên toàn quốc, trong đó có những cơ sở từ trước năm 1993. Trong số này Nhà nước chỉ bỏ kinh phí xử lý đơn vị công ích, còn các cơ sở do doanh nghiệp đầu tư sẽ phải tự chịu trách nhiệm, nếu vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng thì đóng cửa.
Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này cần khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này song hiện nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách Nhà nước, nên gặp khó khăn trong xử lý.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí