Bức tượng sáp lớn của Adolf Hitler đã bị gỡ bỏ khỏi bảo tàng De Mata Trick Eye, Java, Indonesia ngày 10/11. Tượng được đặt trước bức tranh về trại hủy diệt Auschwitz-Birkenau, nơi hơn một triệu người đã bị giết dưới chế độ Đức Quốc xã.
Được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) mô tả là “kinh tởm”, bức tranh tái hiện hình ảnh cổng trại Auschwitz-Birkenau, trên đó có dòng chữ tiếng Đức "Arbeit Macht Frei", mang nghĩa “Lao động giải phóng con người".
Bức tượng sáp Hitler đứng trước bức tranh cổng trại hủy diệt Auschwitz-Birkenau. Ảnh: AP. |
Nhiều du khách tới đây thường đứng cạnh bức tượng sáp của độc tài phát xít Hitler để chụp hình lưu niệm hoặc selfie. Tuy nhiên, Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức nhân quyền đặt trụ sở tại Los Angeles, Mỹ đã yêu cầu bảo tàng loại mô hình này khỏi khu trưng bày.
Rabbi Abraham Cooper, Phó chủ nhiệm Trung tâm Simon Wiesenthal, cho biết: “Thật sai trái và không còn từ gì để diễn tả điều này. Khung cảnh phía sau bức tượng thật kinh tởm. Nó là sự nhạo báng những nạn nhân đã mất đi và không bao giờ trở lại”, theo AP.
Tác phẩm gây tranh cãi này được trưng bày tại bảo tàng De Mata Trick Eye từ năm 2014 và ban đầu, bảo tàng cho rằng tác phẩm chỉ mang tính hài hước và được đánh giá là "một trong những tác phẩm được nhiều du khách thích chụp ảnh selfie cùng", Giám đốc Marketing của bảo tàng cho hay. Dù biết rằng Hitler đã gây ra thảm họa diệt chủng Holocaust, ông khẳng định: "Không có khách tham quan nào phàn nàn về điều đó. Hầu hết khách tới đây đều vui vẻ vì họ biết đây chỉ là một nơi để giải trí".
Bức tượng sáp được bảo tàng De Mata Trick Eye cho là một trong những tác phẩm thu hút khách tham quan chụp hình nhiều nhất. Ảnh: AP. |
Ông Cooper, Phó chủ nhiệm Trung tâm Simon Wiesenthal cho rằng, việc bảo tàng De Mata Trick Eye sử dụng tác phẩm mô tả chủ nghĩa Quốc xã và thảm họa Holocaust để kinh doanh là một việc không thể tha thứ.
Trong khi đó, Andreas Harsono, nhà nghiên cứu người Indonesia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cũng cho rằng bức tượng sáp Hitler và bức tranh về trại hủy diệt phía sau thật đáng sợ.
Bức tượng sáp này được đặt cùng phòng với tượng sáp của Darth Vader, một nhân vật hư cấu của Star Wars, và được đặt đối diện với Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo.
Quán cafe SoldatenKaffee ở thành phố Bandung mang phong cách Đức Quốc xã đã đóng cửa hồi đầu năm nay. Ảnh: AP. |
Sự việc trên không phải là chuyện xảy ra lần đầu ở Indonesia, nơi có số người Hồi giáo lớn nhất thế giới và một cộng đồng nhỏ người Do Thái sinh sống.
SoldatenKaffee, một quán cà phê ở Bandung, Indonesia, đã cho các nhân viên của quán mặc đồng phục Đức Quốc xã. Trên các bức tường của quán có in biểu tượng chữ thập ngoặc Swatiska và trưng bày các vật kỷ niệm khác của Đức Quốc xã. Quán mở cửa vào năm 2012 và đã phải đóng cửa khi các cuộc biểu tình nổ ra. Sau đó, quán được mở lại vào năm 2014, tuy nhiên lại một lần nữa phải đóng cửa từ đầu năm nay.
Theo Telegraph
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VnExpress