Chiêm nghiệm về cách trồng người
Kể từ ngày ông Trương Vĩnh Trọng về hưu vào tháng 7/2011, vị nguyên Phó Thủ tướng này trở về căn nhà ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) sống cuộc đời giản dị với người vợ, cũng là ngần ấy thời gian tôi không có dịp được gặp lại và trò chuyện với ông – một chính trị gia bình dị giữa đời thường.
Gặp lại ông vào đầu tháng 1/2015, điều khiến tôi ngỡ ngàng đến khó nhận ra bởi ông đã khác xưa rất nhiều. Không phải trên người bộ comple, thắt cavat mà thay vào đó là chiếc áo sơ mi ngắn tay, quần đủi và chiếc mũ tai bèo…tất cả đã xỉn màu vì nhuốm bùn đất.
Hướng đôi mắt về phía những cây bưởi da xanh đang nặng trĩu quả, ông Trong nói với giọng nhẹ nhàng: “Đó là thành quả 3 năm nay tôi chăm sóc đấy. Bảo về hưu là nhàn, rỗi nhưng tôi thì bận suốt, một ngày bắt đầu từ sáng sớm cho tới tận 5 giờ chiều ông mới được nghỉ ngơi, công việc chỉ xoay quanh khu vườn mà thôi. Được cái, được ở gần vợ và bên con cháu nhiều hơn”.
Dừa là loại quả đặc trưng ở Bến Tre cũng được ông Trọng trồng rất nhiều ở khu vườn của gia đình. Khu vườn rộng ở phía sau nhà được ông Trọng trồng chủ yếu hai loại cây chính là bưởi da xanh và cam sành.
Đứng trước một cây bưởi nặng trĩu quả, ông Trọng nói như chiêm nghiệm: “Anh thấy không, cành cây da xanh như da ếch, trồng 3 năm mới cho trái. Đây là cành chuẩn bị cho hoa rồi cho trái, nhưng yếu quá nên phải cắt bỏ đi chứ nếu có ra trái thi quả cũng không được ngon mà có khi còn làm gẫy cành, hại cây…”.
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng bên vườn cây sau nhà ở huyện Giồng Tôm, Bến Tre. |
Nhìn thấy thành quả sau ba năm chăm sóc lớn lên từng ngày, khỏe mạnh đơm hoa kết trái khiến ông cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn. Ông bảo, việc trồng cây cũng giống như “trồng người”. Nhìn cây bị sâu bệnh, héo khô cũng khiến ông trăn trở, tìm tòi kiến thức để chữa trị cho cây khỏi bệnh, trở lên xanh tốt trở lại.
Theo ông, làm nông nghiệp còn phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường và “phải tiết kiệm thì mới có lãi”. Ông Trọng tâm sự, cuộc sống điền viên vốn là mơ ước của ông từ lâu. Những năm tháng hoạt động chính trị, ông vẫn không quên ký ức tuổi thơ, nhớ về cha mẹ.
Giành trọn tình cảm, bù đắp cho vợ con
Giờ đây, ông Trọng chỉ có ba thú vui duy nhất là ở bên con cháu, trồng cây và trò chuyện với mọi người dân chòm xóm. Kể về người vợ của mình, giọng ông Trọng trầm lại. Ông nhớ về quãng thời gian mình còn đương chức sống ngoài Hà Nội, vợ ở TP.HCM thi thoảng mới có dịp gặp nhau. Nhanh thì vài tiếng, lâu cũng chỉ được vài ngày, nhiều lần mải mê công việc quá mà ông không vào thăm bà, bà lại dỗi.
Nhưng giận mà thương, thương ông vì công việc chính sự, vì đất nước mà phải gác đi mong ước giản đơn của con người. Những lần giận ông như thế, bà lại càng thương, càng nhớ ông hơn. Bà lại nhấc máy gọi điện nói với ông những lời động viên tình cảm để ông yên tâm làm tốt công việc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nhiều người bảo quãng thời gian về già là lúc con người ta “trở thành đứa trẻ” lần thứ 2 trong cuộc đời. Ông Trọng thấy điều đó đúng lắm, bởi hai vợ chồng ông giờ chẳng có mong ước gì lớn lao ngoài việc được nhìn thấy con cháu mỗi ngày.
Ông luôn tâm niệm rằng, bố mẹ là tấm gương cho con cái học hỏi, nên cách dạy con tốt nhất là dạy chính bản thân mình. Bản thân bố mẹ có tốt, có hoàn thiện thì con cái cũng trông vào đó là mà học hỏi, rèn luyện chính bản thân mình.
Ông Trọng kể: “Tôi chưa bao giờ dùng roi, vọt để dạy vợ con. Con sai cũng như bố mẹ sai, trước tiên bố mẹ nên kiểm điểm bản thân mình trước. Những ngày gia đình sum họp đông vui, đầm ấm lắm. Nhìn con cái thành đạt, cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh lô đùa thì tôi cũng như được trẻ ra. Với người già, chẳng mong gì hơn là những lúc gia đình sum vầy, ấm cúng”.
Vĩnh Bảo