Trong nước

Trái tim suốt đời đập vì nước, vì dân

Viết về Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có những vần thơ: “Tôi nhìn bác, người anh, người đồng chí/Hiền từ như đồng đất quê tôi/ Ấy trái tim không già, ấy trái tim trung thực/Suốt một đời chỉ đập vì dân”. Có lẽ cả cuộc đời của người chiến sỹ cách mạng kiên trung ấy, đau đáu trong lòng mình hai tiếng nước-dân.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với báo Đại Đoàn Kết, năm 1994.

Đưa đất nước vượt khủng hoảng, tự chủ về kinh tế

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trưởng thành từ một công nhân. Thế nhưng, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại say mê tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã tôi luyện cho ông sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực. Có thể nói, trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, ông để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trước khi trở thành nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Còn nhớ, vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, khai thác mặt tích cực của thị trường, tạo điều kiện giải phóng sức sản xuất. Nhờ đó nền kinh tế từng bước được tháo gỡ khó khăn, sản xuất và đời sống dần được cải thiện. Nước ta đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992 mà không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài.

Liên tục chỉnh đốn Đảng

Năm 1991, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII. Có thể nói, đây là thời kỳ đất nước ta đứng trước những thử thách hiểm nghèo. Một mặt là do hậu quả của khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ khi lòng tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, đông đảo cán bộ và nhân dân lo lắng, một số dao động, hoài nghi về tiền đồ của chủ nghĩa xã hội. Làm sao để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng này là câu hỏi không dễ tìm lời giải.

Thế nhưng, từ sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, với nhạy bén chính trị của mình, đồng chí Đỗ Mười cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo nghiên cứu, phân tích làm rõ những sai lầm trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đi sâu chấn chỉnh nội bộ Đảng ta, không để Đảng ta lệch lạc về quan điểm, đường lối.

Trong lần phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, ngày 18/6/1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đưa ra một luận điểm rất quan trọng: “Tất cả phải được tiến hành một cách đồng bộ, trong đó nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng giữ vai trò then chốt”. Chính tại Hội nghị này, Đảng ta xác định bốn nguy cơ đang đặt ra đối với Đảng ta, đất nước ta, đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng, các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch.

Dấu ấn đặc biệt nữa của Tổng Bí thư Đỗ Mười là trong lĩnh vực ngoại giao. Ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế. Nhờ những điều này đã góp phần mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, giúp nước ta mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt với các nước, tạo tiền đề để chúng ta chủ động tích cực hội nhập khu vực và thế giới tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tố quốc.

Phát huy dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc

Có thể nói, trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, điều đau đáu trong lòng người chiến sỹ cộng sản này chính là làm sao để đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất” đã ra đời.

Nghị quyết này nêu rõ: Lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, làm sao theo hướng dân giàu nước mạnh công bằng dân chủ văn minh xây dựng nước Việt Nam hùng cường, ngày càng phát triển đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Khi đặt lợi ích đó lên cao nhất đồng thời cũng chú ý đến lợi ích các bộ phận giai cấp, lực lượng cá nhân, không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc. Nguyên tắc nữa là sẵn sàng khép lại quá khứ, xóa hận thù, mặc cảm, định kiến đoàn kết rộng rãi các tầng lớp lưc lượng trong xã hội và cả những người Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy đất nước phát triển.

Với quan điểm nguyên tắc đó, đi đến tăng cường hơn nữa vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất, tức là củng cố vai trò của MTTQ Việt Nam làm sao cho Mặt trận ấy vừa đại diện cho lợi ích, quyền làm chủ của dân đồng thời là lực lượng tham gia vào quá trình giám sát vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phản biện xã hội. Nhờ chính sách này mới phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là tiền đề để đến năm 1998 chúng ta xây dựng quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, góp phần tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và trên phạm vi cả nước.

PGS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng)

Tác giả: Nguyên Khánh

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP