Ngày 24/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội – đã trao đổi với phóng viên Dân trí về những vấn đề liên quan đến tài sản nhà đất của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ – mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố.
Cấp nhà có thể là một dạng hối lộ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố những vấn đề liên quan đến tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Đây là lần đầu tiên một cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước bị công bố những sai phạm nghiêm trọng như vậy. Qua sự việc, ông nhận thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước hiện nay thế nào?
Tôi thấy Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc rất kịp thời để đưa ra kết luận rõ ràng về tài sản của ông Truyền, cái nào hợp lý, cái nào không hợp lý. Hành động đó phần nào đã đáp ứng niềm tin của nhân dân. Bước tiếp theo của sự việc là phải xác định rõ ông Truyền lấy đâu ra tiền để mua, xây dựng những ngôi nhà đó. Việc này tới đây có thể cần cơ quan pháp luật bên Chính phủ vào cuộc làm rõ.
Hầu hết nhà đất của ông Truyền được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra trong kết luận là có vấn đề, như không đúng đối tượng được giao hoặc do ông Truyền thiếu trung thực nên được cấp. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ rằng có vấn đề gì đó đằng sau việc cấp đất, cấp nhà giữa hai bên. Vậy theo ông, những người quyết định cấp nhà cho ông Truyền liệu có bị truy trách nhiệm hay không?
Có thể đây là một dạng hối lộ nên phải quy trách nhiệm của đơn vị cấp nhà cho ông Truyền. Ít nhất đây cũng là việc cố ý làm trái gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước thì phải xử lý.
Theo tôi nếu cấp nhà cho ông Truyền đúng thì làm gì có chuyện đi thu hồi lại tài sản. Còn nếu đã thu hồi lại thì rõ ràng là làm sai thì phải truy trách nhiệm. Nhưng trước hết là trách nhiệm của người mua nhà vì không trung thực hoặc quá tham lam. Còn trách nhiệm của người cấp sai là vì tài sản đó là của nhà nước, mà dám lạm quyền cấp cho ông Truyền. Những người làm việc đó theo tôi phải xử lý nghiêm.
Biệt thự ở xã Sơn Đồng (tỉnh Bến Tre) đứng tên con ông Truyền là Trần Hoàng Anh – cán bộ Cảnh sát giao thông, về nguồn gốc giấy tờ đã được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con ông Truyền chỉ là một cảnh sát giao thông thì lấy đâu tiền để mua đất, xây biệt thự có giá trị lên đến cả chục tỷ đồng nếu không có người “chống lưng”. Công an tỉnh, Tỉnh ủy Bến Tre có nên điều tra làm rõ vì sao con ông Truyền có khối tài sản lớn đến như vậy không, thưa ông?
Tôi nghĩ đó là việc làm cần thiết vì bất cứ tài sản nào trong diện nghi vấn thì phải điều tra rõ ràng để chứng minh cho được nó thuộc nguồn gốc chính đáng hay không. Con trai ông Truyền là cán bộ, đảng viên thì cũng phải xem có kê khai khối tài sản này như thế nào. Còn nếu đã khai thì nguồn tiền để xây dựng nó ở đâu mà ra.
Lâu nay mới chỉ phát hiện tham nhũng vặt!
Việc ông Truyền bổ nhiệm hơn 60 người trước khi về hưu, trong báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không đề cập đến vấn đề này nhưng trong họp báo mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã thừa nhận một số trường hợp có khuyết điểm đã được xem xét xử lý. Theo ông có nên làm rõ việc ông Truyền bổ nhiệm cán bộ ồ ạt như vậy trước khi nghỉ hưu trong đợt này không?
Cái đó cũng phải xử lý vì nó thuộc quy định của Nhà nước, vì trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, những người giữ chức vụ không được ra các quyết định về công tác tổ chức nhân sự. Quy định đã có mà anh vẫn làm là sai. Là cán bộ, đảng viên dù đã nghỉ hưu thì cũng phải kiểm điểm, kỷ luật.
Còn đối với những người được bổ nhiệm vào thời điểm đó thì cũng cần phải rà soát lại. Nếu rà soát lại thấy quy trình thủ tục bổ nhiệm đúng duy chỉ có thời điểm ký bổ nhiệm là không hợp lý thì không sao. Nhưng rà soát lại những người không đúng như không có trong quy hoạch hoặc không đủ trình độ năng lực thì phải xem xét lại.
Qua câu chuyện này nhiều người đặt ra câu hỏi còn bao nhiêu người như ông Truyền cần phải xử lý. Để trả lời câu hỏi này theo ông Đảng và Nhà nước cần phải làm gì?
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách là để phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với bất cứ ai. Điều đó cũng có nghĩa là không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Nhưng rõ ràng là lâu nay người ta vẫn cho là mới chỉ phát hiện được tham nhũng vặt, còn những trường hợp có chức vụ cao như ông Truyền đã nghỉ hưu hoặc đang đương chức thì phải có tố cáo, phát giác thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Sau vụ việc nhiều người cho rằng phải kỷ luật đảng ông Trần Văn Truyền. Xin ông cho biết quan điểm của mình đối với việc xử lý trách nhiệm của ông Truyền ra sao?
Qua kiểm tra của các bên đã thấy hai loại sai phạm của ông Truyền một là liên quan đến tài sản và đề bạt cán bộ không hợp lý thì kỷ luật đảng là hợp lý. Hiện nay, ông Truyền đang ở địa phương thì theo thẩm quyền thuộc chi bộ địa phương như Huyện ủy, Tỉnh ủy.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)