Iran bị nhiều nước quy trách nhiệm cho vụ tấn công cuối tuần qua nhằm vào Ảrập Xêút, với các tên lửa và máy bay không người lái oanh kích hai nhà máy dầu then chốt khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày. Ước tính, vụ tấn công tước đi khoảng 5% tổng các nguồn cung dầu của toàn thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: PTI) |
Theo tạp chí Foreign Policy, nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định trả đũa bằng vũ lực, thì sự đối đầu nhiều khả năng sẽ bị gán mác là một cuộc chiến dầu lửa nữa của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng. Bởi, trong trường hợp này, các lợi ích dầu lửa khi tránh né chiến tranh còn lớn hơn nhiều so với khởi xướng chiến tranh.
Foreign Policy chỉ ra rằng, một cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho hệ thống dầu lửa toàn cầu. Nếu chính quyền Trump tấn công Iran, dù đơn phương hay kết hợp với Ảrập Xêút, và nhắm đến các cơ sở dầu lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo, thì những đòn tấn công đó sẽ tước đi thêm nhiều nguồn tài nguyên nữa.
Mặc dù sản lượng dầu lửa của Iran suy giảm đáng kể sau khi Mỹ tái áp đặt cấm vận năm 2018 thì mỗi ngày nước này vẫn sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu, xuất khẩu khoảng nửa triệu thùng các sản phẩm xăng và khí dầu hóa lỏng cho nhiều nguồn tiêu thụ. Các đòn không kích sẽ loại bỏ các nguồn cung này trong khi nhiều nước sản xuất dầu lửa khác đang phải chật vật bù đắp cho những thiệt hại tài nguyên của Ảrập Xêút.
Tehran cũng dọa sẽ trả đũa nếu Mỹ hoặc Ảrập Xêút viện đến hành động quân sự. Nếu người Iran nhắm vào các cơ sở dầu lửa của Ảrập Xêút thì các cơ sở bổ sung sẽ bị mất năng lực còn các hoạt động tái thiết và sửa chữa hai nhà máy Abqaiq và Khurais sẽ bị phá vỡ.
Loạt vụ tấn công vừa qua nhằm vào hai nhà máy này đã gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với giới phân tích dự đoán, đánh vào các điểm cốt lõi, trong đó có các bể chứa. Ảrập Xêút xác định vũ khí được sử dụng là của Iran. Nếu tuyên bố đó là chính xác thì Tehran hoàn toàn có năng lực gây thêm nhiều tổn thất hơn nữa cho ngành dầu lửa của Ảrập Xêút.
Mặc dù Ảrập Xêút có thể đã tăng cường hệ thống phòng không sau loạt vụ tấn công vừa qua, song năng lực của vương quốc này trong bảo vệ các cơ sở dầu lửa then chốt khỏi tầm ngắm của máy bay không người lái và tên lửa bay thấp vẫn là điều chưa chắc chắn.
Iran còn có thể đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Ảrập Xêút bằng cách làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu lửa. Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) từng chứng tỏ sẽ sẵn sàng bắt giữ các tàu dầu nước ngoài ở Vịnh Ba Tư, như đã làm hôm 16/9 và hồi tháng 7. Lực lượng này cũng có thể đánh phá các tàu dầu bằng bom mìn.
Sau cùng, Iran có thể tìm cách đóng cửa Eo biển Hormuz. Trong những tháng vừa qua, nước này đã nhiều lần dọa phong tỏa vùng biển này. Và, dẫu các lực lượng hải quân Iran có thể không vô hiệu hóa Hormuz vĩnh viễn hoặc trong một thời gian dài thì chỉ riêng nỗ lực làm như vậy cũng đã đủ khiến các thị trường dầu lửa toàn cầu bị khuấy đảo.
Bảo hiểm tàu dầu đi qua eo biển tăng gấp 10 lần trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9. Và bất kỳ nỗ lực nào nhằm đóng cửa vùng biển này đều có thể tạo ra một cú vọt khác nữa. Giá dầu vì nguy cơ địa chính trị tăng cao như thế cũng sẽ tăng cao.
Một cuộc xung đột leo thang ở Vịnh Ba Tư cũng rất nguy hiểm cho lợi ích năng lượng của nhiều quốc gia. Ảrập Xêút sẽ bị tấn công trên nhiều mặt trận. Các cơ sở dầu lửa sẽ chịu thêm tổn thất và nước này sẽ mất thêm doanh thu do các hợp đồng dầu bị ngưng trệ. Nghiêm trọng hơn nữa, uy tín của tập đoàn dầu lửa nhà nước Aramco vốn là nguồn cung tin cậy sẽ bị ảnh hưởng.
Giới chức Ảrập Xêút hiện đang chật vật khôi phục lòng tin vào Aramco sau loạt vụ tấn công cuối tuần qua. CEO Amin Nasser hôm 17/9 thông báo sản lượng của tập đoàn này sẽ phục hồi vào cuối tháng 9, và IPO (lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng) của Aramco sẽ vẫn diễn ra như đã định.
Tuy nhiên, sự hoài nghi đang lan rộng và bất kỳ một sự gián đoạn nào thêm nữa cũng sẽ tàn phá giá trị của Aramco cũng như với các kế hoạch của nhà lãnh đạo Ảrập Xêút Mohammed bin Salman sử dụng IPO để huy động vốn cho sự đa dạng hóa kinh tế quốc gia.
Xung đột leo thang ở Vùng Vịnh còn đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu và Trung Quốc. Ảrập Xêút hiện tại đang là nguồn cung năng lượng hàng đầu của Bắc Kinh, cung cấp gần 17% lượng dầu thô nhập khẩu của cường quốc châu Á này.
Trong khi đó, các nước châu Âu đã ngừng các hợp đồng mua dầu từ Iran và ít phụ thuộc hơn vào dầu lửa Ảrập Xêút. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn mua hơn 13% tổng lượng nhập của họ từ các nhà sản xuất dầu Vùng Vịnh. Do vậy, một cuộc xung đột khu vực sẽ đe dọa sự tiếp cận của EU với các nguồn này, buộc họ phải trả giá cao hơn.
Giới chức châu Âu và Trung Quốc hiện đang theo đuổi lập trường thận trọng đối với cuộc khủng hoảng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án vụ tấn công nhưng phát ngôn viên Hua Chunying khuyên các bên tránh có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Anh Boris Johnson kêu gọi một phản ứng quốc tế nhưng nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tránh leo thang thêm căng thẳng trong khu vực". Giữa bối cảnh như vậy, nếu Mỹ muốn đánh Iran, nước này phải hành động một mình.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã có những khuyến khích mạnh mẽ để tránh làm cho xung đột leo thang. Vì, dù là nhà sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới, Mỹ cũng không tránh khỏi bất ổn. Thị trường dầu lửa là của toàn cầu, nên kể cả Mỹ có là nhà xuất khẩu dầu lửa ròng thì nước này vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao. Các nhà máy lọc dầu Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho dầu thô.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet