Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại toạ đàm - Ảnh: V.V.TUÂN |
Sáng 22-3, tại Hà Nội, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Toạ đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn.
Theo chương trình môn học mới sắp được công bố, môn ngữ văn THPT chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc và Tuyên ngôn độc lập.
PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), đặt vấn đề trong báo cáo đề dẫn là làm sao để đổi mới môn văn trong nhà trường bắt kịp tư tưởng tiến bộ về văn chương, vừa định hướng thẩm mỹ, tư tưởng, văn hoá cho những công dân tương lai của đất nước đồng thời kéo học sinh yêu quý, say mê môn văn.
Một trong những thay đổi quan trọng của chương trình giáo dục mới là chuyển từ định hướng kiến thức sang định hướng năng lực.
Ông cũng đặt ra những vấn đề để các đại biểu tham dự toạ đàm cùng thảo luận: chương trình xây dựng theo hướng mở thì tính cụ thể của chương trình liệu có đủ để triển khai một cách thống nhất việc biên soạn sách giáo khoa một cách khả thi? Tính mở của chương trình ngữ văn liệu có mâu thuẫn với tính thống nhất của giáo dục phổ thông? Kiến thức lịch sử văn học dân tộc chỉ được học tại lớp 9 và lớp 12 với hai dòng hết sức ngắn gọn có hợp lý? Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm đưa vào chương trình đã hợp lý?...
Kỹ năng lấn át cảm thụ văn chương
PGS.TS Phạm Quang Long, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh chương trình ngữ văn mới đã khắc phục được hai khía cạnh thường bị cho là yếu trong nội dung các chương trình trước là khơi dậy năng lực sáng tạo, năng lực nhận thức chủ động.
Nhưng điểm không ổn nhất, theo ông Long là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục ngôn ngữ với văn học thành những phần tách bạch, làm nhoè đi đặc trưng của môn ngữ văn là từ rung động thẩm mỹ đến khơi dậy khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, sự hình thành nhân cách.
"Từ đầu đến cuối chương trình, quan điểm dạy kỹ năng theo bốn khâu đọc, viết, nghe và nói khiến môn ngữ văn giống như một môn ngoại ngữ. Đây là điều không logic bởi nếu ngữ văn được coi như một môn ngoại ngữ cho người học tiếng Việt thì điều này bình thường và hiệu quả. Nhưng đây là môn ngữ văn cho người bản ngữ, học trong mười năm có tính chất bản lề để hình thành nhân cách thì phần kỹ năng lại lấn át phần cảm thụ", ông Long nêu quan điểm.
Ông cũng cho rằng nội dung mục tiêu của chương trình ngữ văn mới hơi ôm đồm khiến khó nhớ, khó biến thành những chương trình cụ thể.
"Trong số 6 tác phẩm được chọn chỉ riêng Truyện Kiều thuộc thể loại truyện thơ Nôm, còn 5 tác phẩm còn lại là loại khác. Về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu vê thể loại. Phần còn lại được chương trình giới thiệu những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy nội dung gì... Điều này sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử", ông Long nói.
PGS. TS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định chương trình ngữ văn mới có các ưu điểm là có tính mở và liên kết, liền mạch theo hướng nâng cao và hoàn thiện năng lực kỹ năng cho học sinh các cấp phổ thông.
Tuy nhiên, ông cho rằng kiến thức văn học mang tính cơ sở cần thiết về lý luận văn học lại rất ít, rất nhạt. Kiến thức về từng thể loại văn học chưa được thể hiện rõ.
Ông cũng đề xuất không nên đưa Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Phong cách Hồ Chí Minh vào lớp 6-7. Các tác phẩm Chiều tối; Chinh phụ ngâm; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Tuyên ngôn Độc lập... không nên đưa vào lớp 8-9 vì học sinh chưa đủ trình độ, vốn sống để cảm nhận.
"Có cần xác định các tác phẩm bắt buộc không? Bởi làm việc này khó như chọn khách mời dự đám cưới. Không có tiêu chí rõ ràng, nhất quán thì rất dễ bị trách. Nếu có thì chọn 6 tác phẩm như vậy chưa hợp lý về thời đại văn học, chưa đa dạng về nội dung, về tính thẩm mỹ nghệ thuật và tính hiện đại về thể loại", ông Hưng nói.
Ông đề xuất phương án là không cần nêu các tác phẩm bắt buộc hoặc nếu có thì chỉ chọn ba tác phẩm: Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Tuyên ngôn độc lập hoặc chọn thêm các tác phẩm hiện đại như truyện ngắn Nam Cao.
GS Hà Minh Đức lại có ý kiến: tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh dù là một trong những tác phẩm hay nhất của thế kỷ 20 viết về chiến tranh nhưng không hợp đưa vào sách giáo khoa. Lý do ông đưa ra là vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta nhìn chung là thắng lợi nên đưa tác phẩm này vào sẽ không hợp lý.
Phải có tác phẩm về Hoàng Sa - Trường Sa
GS Đinh Xuân Dũng, nguyên uỷ viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, cũng đánh giá dù dự thảo chương trình ngữ văn rất công phu, nhưng cần giản dị, dễ nắm bắt, thực tiễn, rút gọn hơn.
Ông cũng không đồng tình cách phân chia các tác phẩm bắt buộc và các văn bản gợi ý mà nên đổi tên thành phần cứng và phần mềm - ngân hàng văn bản.
"Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể văn học dân gian VN) mà chỉ có 6 tác phẩm "bắt buộc" là điều khó chấp nhận. Với hàng vạn tác phẩm của lịch sử văn học Việt Nam, tại sao lại chỉ chọn 6 văn bản như trong dự thảo?", ông Dũng thắc mắc.
Ông đề xuất "phần cứng" nên chọn từng lớp học, mỗi lớp khoảng 5-6 tác phẩm, chiếm 1/5 đến 1/4 chương trình văn học của mỗi lớp. Như vậy thì sau 12 năm phổ thông, học sinh sẽ vẫn biết khoảng 50-60 tác phẩm xuất sắc.
GS Phong Lê đề xuất phải bổ sung vào chương trình ngữ văn phổ thông ít nhất hai người là Dương Quảng Hàm và Hoàng Xuân Hãn bởi đều là tác giả tiêu biểu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt câu hỏi vì sao lại thiếu những tác giả đặc sắc như Anh Đức, Nguyễn Thi...
"Cần có thêm những tác phẩm văn chương về Hoàng Sa - Trường Sa. Nếu chỉ đưa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào chương trình địa lý là chưa đủ. Có rất nhiều tác phẩm văn chương viết về hai quần đảo này nên rất cần đưa vào sách giáo khoa. Nên đưa những tác phẩm này vào giảng dạy từ cấp tiểu học", nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị.
Tác giả: V.V.TUÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ