Kinh tế

Hà Tĩnh: Dự án nằm trên giấy, hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bỏ hoang

Nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học ở hai xã Cẩm Hà và Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên) sau khi sáp nhập, tháng 1/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trường THCS Sơn Hà. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy.

Trường THCS Cẩm Sơn – Cẩm Xuyên (ảnh minh họa)
Nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học ở hai xã Cẩm Hà và Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên) sau khi sáp nhập, tháng 1/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trường THCS Sơn Hà. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, khiến việc dạy và học của thầy và trò ở đây gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do dự án chậm triển khai nên hơn 5.000m2 đất chuyên sản xuất lúa của hàng chục hộ dân thu hồi nhằm phục vụ dự án đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Theo tìm hiểu, năm 2010, UBND huyện Cẩm Xuyên có quyết định sáp nhập hai trường THCS Cẩm Sơn và trường THCS Cẩm Hà thành trường THCS Sơn Hà. Đầu năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định số 219/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình trường THCS Sơn Hà (xã Cẩm Hà) với quy mô nhà học 2 tầng, 10 phòng học. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích trên 5.000m2, do UBND xã Cẩm Hà làm chủ đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, ngân sách huyện và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngôi trường này sẽ phục vụ hàng trăm học sinh thuộc địa bàn xã Cẩm Hà và Cẩm Sơn.
Sau khi có quyết định triển khai dự án, mặc dù chính quyền địa phương chưa có đủ kinh phí để xây dựng nhưng đã vận động nhiều hộ dân xã Cẩm Hà nhường trên 5.000 m2 đất chuyên sản xuất lúa và nhanh chóng giải phóng mặt bằng. Việc dự án chậm triển khai không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học của thầy và trò mà còn làm cho trên 5.000m2 đất lúa hai vụ nằm trong khu quy hoạch bị bỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trâu bò thường được người dân trong xã đưa ra đây chăn thả tự do làm ảnh hưởng đến các diện tích đất nông nghiệp liền kề, khiến người dân bức xúc.
Trong khi đó, thấy quá lãng phí, một số hộ dân muốn cải tạo trồng lúa nhưng lại sợ dự án triển khai nên lại thôi. Trước phản ánh của nhiều hộ dân có diện tích đất lúa liền kề của dự án bị ảnh hưởng do trâu, bò vào dẫm, phá, UBND xã Cẩm Hà đã huy động 400 triệu đồng từ nguồn lực xã hội hóa của phụ huynh học sinh trường THCS Sơn Hà xây hàng trăm mét bê tông tường rào. Song, đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, để đảm bảo sản xuất cho người dân, về lâu dài vẫn cần một giải pháp hợp tình, hợp lý.
Thầy giáo Nguyễn Công Hợp, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Hà chia sẻ: Năm 2010, UBND huyện có quyết định sáp nhập hai trường THCS Cẩm Sơn và trường THCS Cẩm Hà thành trường THCS Sơn Hà. Sau khi sáp nhập, nhà trường vẫn hoạt động ở hai địa điểm và văn phòng chính đặt tại điểm trường Cẩm Sơn. Song sau đó, lại có quyết định chuyển văn phòng chính của trường về tại điểm trường Cẩm Hà làm phân hiệu chính trong khi điểm trường này cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Học sinh phải học ở hai nơi khiến công tác quản lý cũng như việc dạy học của giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn.
Để đưa học sinh hai trường về tại trường trung tâm phải có kinh phí đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học và một số công trình chức năng như phòng hiệu bộ, phòng hành chính, sân chơi bãi tập. Do đó, đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định phê duyệt dự án, nhưng đến nay do thiếu kinh phí nên việc xây dựng trường vẫn chưa được thực hiện. “Rất mong các cấp các ngành quan tâm để chúng tôi sớm đưa học sinh về tại một điểm trường, hoàn thành lộ trình sát nhập trường Sơn Hà, tiến tới xây dựng trường chuẩn quốc gia”, thầy Hợp nói.
Theo ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, nguyên nhân lớn nhất khiến dự án chậm triển khai vẫn là do thiếu nguồn kinh phí. Trước mắt, để bảo vệ đất sản xuất cho các hộ dân lân cận, chúng tôi đã huy động vốn từ nguồn xã hội hóa trong 3 năm của phụ huynh xây bao tường rào. Do nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp thuần túy, không thể huy động toàn bộ nguồn vốn cho dự án. “Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài không chỉ gây lãng phí đất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới của xã. Trong các cuộc họp, xã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch cụ thể”, ông Hùng cho biết.
Trước những khó khăn hiện tại của địa phương, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.
Phan Quân (TTXVN)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP