Kinh tế

Yếu đuối tài chính, Xi măng Công Thanh sắp “buông” dự án?

Nền tảng của Xi măng Công Thanh hiện vẫn là xi măng (bên cạnh nhiệt điện, bê tông, BĐS…). Trở thành công ty đại chúng chừng 9 năm nay, XMCT cho ra mắt hệ sinh thái sản xuất – kinh doanh – tiêu thụ khá bài bản. Cũng từng ấy năm, tập đoàn luôn ẩn tàng mối lo về an toàn tài chính – dù sát cánh cùng họ (trong những dự án nghìn tỷ) là người khổng lồ VietinBank.

Cái chết mang tên “nợ vay”

Được thành lập vào tháng 1.2006 tại tỉnh Thanh Hóa, XMCT chính thức trở thành công ty đại chúng vào tháng 11.2009. Tại ngày 31.12.2017, Công ty có 1 nhà máy xi măng đặt tại trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hóa với 2 dây chuyền sản xuất.

Ngoài xi măng, XMCT còn một số hoạt động mang tính “xương sống” khác như: Nhiệt điện (đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Thanh Hóa với vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng), khoáng sản, bê tông, clinker hay thậm chí BĐS (sân golf, resort)… Được biết, Công ty được cấp quyền khai thác hai mỏ khoáng sản (mỏ đá vôi, mỏ đất sét) tại Thanh Hóa với thời gian khai thác 30 năm (tính từ năm 2012).

Chu kỳ đi xuống của Tập đoàn này đã bắt đầu từ vài năm nay do gánh nặng nợ vay ngày càng chồng chất

9 năm sau khi trở thành công ty đại chúng, XMCT của doanh nhân Nguyễn Công Lý (nắm 57% cổ phần) đã “hóa rồng” với số vốn điều lệ vọt lên 2.000 tỷ đồng cùng 9 công ty thành viên. Tuy vậy, chu kỳ đi xuống của Tập đoàn này đã bắt đầu từ vài năm nay do gánh nặng nợ vay ngày càng chồng chất trên tổng tài sản.

Điển hình, năm 2016, XMCT ghi nhận lỗ hơn 478 tỷ đồng do lãi vay phải trả tăng “phi mã” (từ 53 tỷ đồng lên 649 tỷ đồng). Bất chấp doanh thu tăng vọt (hơn 2.200 tỷ đồng so với 970 tỷ đồng năm 2015) nhờ dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh đi vào hoạt động, sản xuất (cộng hưởng cùng yếu tố thị trường BĐS hồi phục tích cực, nhu cầu xây dựng gia tăng), nợ vay của XMCT năm 2016 đã gần cán mốc 8.500 tỷ đồng – tăng vọt so với mốc 3.000 tỷ đồng thời gian 2010-2011.

Vấn đề tài chính nợ vay tồn tại nhiều năm đã gián tiếp thể hiện trong các mốc sự kiện: XMCT không chi trả cổ tức trong liền 3 năm (2010-2013); 2017 hay dự báo cả năm 2018.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính của XMCT thời điểm kết thúc năm 2017, Tập đoàn ghi nhận số nợ vay ngắn hạn là 936 tỷ đồng và gần 4.960 tỷ đồng nợ vay dài hạn với VietinBank.

Nuôi dự án nhiều năm, đã đến lúc “bán cái”?

Có thể coi Thanh Hóa là nơi khởi phát của XMCT với trụ sở, 2 dây chuyền nhà máy quy mô, mỏ khoáng sản cùng các dự án BĐS vài năm trước. Nhưng, trong vòng xoáy tài chính nợ vay cùng các yếu tố về quản trị đầu tư dàn trải, XMCT đang dần …đánh mất chính thương hiệu của mình, và đâu đó là sự giảm sút niềm tin của cơ quan chức năng, chính quyền sở tại.

Tại khu kinh tế Nghi Sơn, tập đoàn Công Thanh đã đăng ký đầu tư tất cả 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ngót nghét 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ duy nhất dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động tổng thể cả 2 dây chuyền từ đầu năm 2016. Còn lại, các dự án khác đều chậm tiến độ hoặc “đắp chiếu” trong thời gian dài.

Trong số 9 dự án đăng ký đầu tư với tổng quy mô 50.000 tỷ đồng, XMCT mới chỉ hoàn thiện duy nhất dự án nhà máy xi măng Công Thanh...

Đặc biệt, trạng thái “rùa bò” xuất hiện ở nhiều dự án quy mô lớn, diện tích sử dụng đất “khủng” mà chưa triển khai của XMCT như: Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (21.480 tỷ đồng; 70ha); Cảng chuyên dụng Công Thanh (2.212,86 tỷ đồng; 22,5ha); Tuyến băng tải từ nhà máy XMCT ra cảng Công Thanh (18km); đầu tư bến cảng tổng hợp số 6 (6,47ha); dự án du lịch biển Golden Coast Resort tại huyện Tĩnh Gia (15,36 ha; được chấp thuận chủ trương từ…2008). Thực trạng lãng phí đất đai kéo dài nêu trên của XMCT đã khiến BQL Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện rà soát toàn bộ dự án do Tập đoàn làm chủ đầu tư để đánh giá về năng lực tài chính, quyết tâm đầu tư cũng như tham mưu báo cáo Tỉnh Thanh Hóa.

Chỉ cách đây vài ngày, cùng thời gian diễn ra việc đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng bến cảng số 6 (bị BQL Nghi Sơn “bác” do tình trạng đầu tư chậm trễ kéo dài), XMCT còn bị lãnh đạo huyện Tĩnh Gia “truy nợ” tiền đất tái định cư (515 triệu đồng) cho các hộ dân xã Tân Trường bị ảnh hưởng do thi công xây dựng nhà máy XMCT giai đoạn 1. Đáng nói, dù chỉ là khoản tiền quá “bèo” so với quy mô DN hàng nghìn tỷ đồng, nhưng XMCT vẫn chây ì bất chấp chính quyền sở tại đã nhiều lần gửi văn bản đốc thúc…

Trạng thái chậm tiến độ kéo dài ở các dự án của XMCT đã rõ. Dẫu vậy, quyết tâm giữ dự án/ôm đất của Tập đoàn này vẫn rất lớn.

Cụ thể, dự án khách sạn – văn phòng của XMCT được tỉnh giao đất từ tháng 3.2009 với diện tích gần 18.000m2, thời hạn sử dụng đất 50 năm. Năm 2015, kết quả giám sát triển khai dự án từ HĐND tỉnh Thanh Hóa đã “chỉ mặt” dự án này bị chậm tiến độ. Mới nhất, trên cơ sở đề nghị của XMCT và đề xuất của Sở KH&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất theo hướng cho phép Tập đoàn giãn tiến độ bằng phương án: chủ đầu tư phải ký quỹ bảo đảm trước 31.7.2018 và có văn bản cam kết tiến độ, bố trí vốn.

Hay như Golden Coast Resort (204.077m2, mức đầu tư 240 tỷ nhưng DN chưa chi một đồng nào kể từ khi khởi công tới 31.12.2017) được gia hạn nhiều lần (lần 1 vào 2011, lần 2 vào tháng 6.2016). Tháng 7.2018, sau khi được XMCT báo cáo tình hình thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giao BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN phối hợp các Sở ngành, huyện Tĩnh Gia “làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai dự án; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ, có ý kiến tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh”…

Theo đại diện VietinBank Tp.HCM (thời điểm tháng 4.2009), hạn mức tín dụng VietinBank Tp.HCM dành cho nhóm Công ty Công Thanh lên đến 2.586 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng cho riêng Công ty CP Xi măng Công Thanh là trên 2.100 tỷ đồng...

Không nhiều DN được “nuông chiều” tại địa phương như XMCT. Nhưng, với bộ mặt đầu tư gây lãng phí đất kéo dài, cộng thêm tài chính yếu đuối (VietinBank là chủ nợ lớn của đơn vị) đặt trong trạng thái liên tục xin gia hạn, giãn hoãn tiến độ các dự án quy mô chiếm đất lớn; Tập đoàn này đang toan tính gì?

Lần này, nếu tỉnh làm tới cùng trong việc thắt chặt kỷ luật đầu tư – quản lý đất đai, dự án Golden Coast sẽ có khả năng “tuột” khỏi tay XMCT và được giao cho một ông lớn khác đang chờ sẵn? Không loại trừ, đây là kết cục mà XMCT âm thầm toan tính (!)

Ngoài việc rót hàng nghìn tỷ vào dự án đầu tư của XMCT, VietinBank cũng giống XMCT ở điểm “bê trễ đầu tư kéo dài”. Cụ thể, được tỉnh Thanh Hóa giao hơn 7.600m2 trung tâm TP từ năm 2009 để xây dựng trung tâm đa chức năng, tới giữa năm 2012, VietinBank – chi nhánh Sầm Sơn bất ngờ đề nghị tỉnh gia hạn thời gian sử dụng đất và được UBND tỉnh đồng ý “delay” tiến độ. Năm 2013, VietinBank vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, chưa thực hiện dự án theo chỉ đạo của tỉnh. Sau khi cân nhắc, tháng 2.2018, tỉnh quyết định …cho phép nhà băng này gia hạn thêm 24 tháng để hoàn thành dự án.

Tác giả: TB

Nguồn tin: Tạp chí Điện tử Thương Trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP