Nhân ái

Xót xa bé trai 1 tuổi gồng cứng người vì di chứng bại não

Không nghe tiếng bi bô gọi ba, anh hốt hoảng đi tìm thì phát hiện con nằm sõng xoài giữa nền nhà tắm.

Cố ôm tấm thân bé bỏng còn ấm của con chạy đến bệnh viện, anh như ngất lịm khi bác sĩ thông báo, cháu đã ngưng tim, ngưng thở...

Từ khi gặp nạn, cháu Long chỉ nằm một chỗ, mất nhận thức

Từ khi gặp nạn, cháu Long chỉ nằm một chỗ, mất nhận thức

Cháu Trần Bảo Long (15 tháng tuổi) là con trai anh Trần Tấn Hùng (SN 1989) và chị Dương Thị Dẻo (SN 1991). Hiện gia đình anh chị đang sống cùng bố mẹ đẻ anh Hùng ở thôn Kim Tân, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Ngồi bên cạnh giường, nhìn đứa con hôm nào còn khỏe mạnh mà giờ thoi thóp thở, mắt trợn ngược, chị Dẻo rơi nước mắt, kể:

“Hôm đó tôi đi làm, anh Hùng ở nhà trông con, trong lúc đang nấu cháo không để ý Long đi vào nhà tắm trơn trượt nên bị ngã. Mấy phút sau khi phát hiện ra sự việc, anh bế con chạy đến cấp cứu tại bệnh viện Becamex Bình Dương thì được các bác sĩ cho biết cháu đã ngưng tim, ngưng thở”.

“Cháu chỉ có phản ứng khi bị véo vào người”, chị Dẻo cho biết

“Cháu chỉ có phản ứng khi bị véo vào người”, chị Dẻo cho biết

Đang làm trong công ty, nhận được điện thoại của chồng, chị Dẻo chân tay bủn rủn, phải nhờ đồng nghiệp chở đến bệnh viện. Lúc đó các bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho cháu Long. Sau 30 phút có nhịp tim trở lại, Long được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM.

Thời điểm đưa con đi viện, trong túi chị chỉ có 2 triệu đồng. Cũng may một người bạn cùng xóm trọ cho mượn thêm 8 triệu. Nằm tại khoa hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 2 hơn 1 tháng trời, mặc dù các bác sĩ đã cố gắng tập cho cháu tự thở nhưng cháu Long vẫn phải thở máy. Đến bước cuối cùng, anh chị phải cho cháu mở khí quản.

Sau 3 ngày mở khí quản, cháu đã tự thở được, bác sĩ cho chuyển đến khoa tai mũi họng để điều trị tiếp. Một tuần sau đó, Long đã được về nhà. Vợ chồng chị Dẻo tập ăn uống và vệ sinh vết thương cho con.

Ngoài những lúc ngủ, cháu gồng cứng người lên, tay chân co quắp, mồ hôi vã ra như tắm

Ngoài những lúc ngủ, cháu gồng cứng người lên, tay chân co quắp, mồ hôi vã ra như tắm

Từ khi con nằm viện, ăn uống thông qua ống thông dạ dày nên anh chị buộc phải nghỉ hẳn việc công ty để thay nhau chăm sóc con. Kinh tế khó khăn bởi vậy mà càng trở nên kiệt quệ, cả nhà dắt díu nhau về quê nương nhờ ông bà. Dù đã xuất viện về nhà nhưng tình trạng của cháu Long vẫn không khá hơn, cần dùng đến máy hút đờm, máy thở oxy và nhiều dụng cụ y tế hỗ trợ.

“Cứ 1 tiếng chúng tôi phải hút đờm cho cháu 2 lần, nếu không cháu không thở được. Một tuần phải thay ống thông dạ dày 1 lần, chúng tôi liều chở cháu đi bằng xe máy đến Bệnh viện huyện cách nhà khoảng 6km, người thân chở bình ô xy chạy theo sau”, chị Dẻo nghẹn lời.

Sau mấy tháng bị bệnh tật hành hạ, giờ tay chân của Long co rút, không cử động được, cũng không phân biệt được ai, người teo tóp. Ngoài những lúc ngủ, cháu cứ gồng cứng người, mồ hôi vã ra như tắm.

Gần nửa năm nay, cả gia đình chưa có một đêm tròn giấc

Gần nửa năm nay, cả gia đình chưa có một đêm tròn giấc

Cách đây 2 tháng, cháu Long bị viêm phổi, gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai chữa trị. Sau khi ổn định, anh chị vay thêm tiền đưa con đến khám ở bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội).

Tại đây, bác sĩ cho biết não của cháu chỉ bị tổn thương ở mức trung bình, di chứng bại não. Vẫn còn cơ hội cấy tế bào gốc nhưng chi phí cho mỗi lần cấy lên đến hơn 200 triệu đồng.

“Còn nước còn tát, chúng tôi mua thuốc theo đơn của bác sĩ cho cháu uống, hy vọng cơ thể cháu đáp ứng thuốc tốt để có cơ hội được cấy tế bào gốc”, anh Hùng nói.

Hy vọng mong manh là vậy, nhưng suốt thời gian vừa qua, anh chị đã nợ hơn 100 triệu đồng. Giờ 200 triệu đồng cho con cấy tế bào gốc là điều quá đỗi xa vời.

“Giờ hai vợ chồng không ai đi làm được, tiền không làm ra. Nhưng nếu con còn hy vọng mà không chữa được tôi sẽ ân hận suốt đời”. Anh Hùng không kìm nổi những giọt nước mắt rơi xuống gò má khắc khổ.

Khi chưa gặp nạn, Long là cậu bé bụ bẫm, khỏe mạnh

Khi chưa gặp nạn, Long là cậu bé bụ bẫm, khỏe mạnh

Ở quê, ông bà cũng nghèo, bán được con gà, mớ rau cũng dành dụm để mua dụng cụ y tế cho cháu. Mỗi lần nhìn cháu thở khó nhọc qua ống thông khí quản được mở trên cổ, rồi cả khi ôm bình oxy chạy sau xe đưa cháu đến bệnh viện, ông bà đều ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong.

Trước kia, vợ chồng anh Hùng làm công nhân cho một công ty giày da. Khi con được 6 tháng tuổi, anh chị đưa con đi gửi trẻ rồi hai vợ chồng đi làm, lương công nhân chỉ đủ trả tiền phòng trọ và tiền sinh hoạt phí. Nay con bệnh, cảnh nhà nghèo túng càng thêm phần cùng quẫn. Chỉ mong sau bài viết này, cháu Long và gia đình sẽ được bạn đọc giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh trên con đường chiến đấu với bệnh tật phía trước.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Anh Trần Tấn Hùng (con ông Trần Xuân Bình), thôn Kim Tân, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. SĐT 0983098464.

Tác giả: Hải Sâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP