Giáo dục - Đào tạo

Xóa mù chữ, hướng tới xây dựng XHHT: Lớp học của tình người

Tại xã Hương Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) từ lâu đã hình thành một lớp học với nhiều điều đặc biệt.

Từ thầy giáo, học sinh đến địa điểm học tập cùng phương pháp tổ chức giảng dạy đều khiến cho những ai đến đây không khỏi cảm phục về sự học ở một vùng quê nghèo nhưng hiếu học.


Ông giáo của học sinh nghèo


Ông Phan Chí Nhượng đã gắn bó với công việc kèm cặp cho các cháu học sinh tại xã Hương Thọ hơn 7 năm qua. Bao năm gắn bó với công việc gõ đầu trẻ là từng ấy năm ông được các cháu học sinh nghèo kính trọng, tin yêu, gần gũi… gọi mình bằng ông xưng cháu thay vì thầy xưng em.


Ông Nhượng chia sẻ về hoàn cảnh trước khi đến với nghiệp giáo làng: “Tôi quê Đông Thái (Tùng Ảnh), Đức Thọ, (Hà Tĩnh) nhưng gắn bó với mảnh đất Hương Thọ miền núi này từ thuở hoa niên. Năm 1959, tôi gia nhập quân ngũ và lập gia đình tại Hương Thọ. Năm 1962, tôi thi vào trường Lục quân Sơn Tây, năm 1965 ra trường mang lon Thiếu úy. Năm 1967 đi B, năm 1972 sang chiến trường C; 1974 về Quân đoàn 1 có mặt trong đoàn quân giải phòng Sài Gòn; 1977 học sỹ quan Trung cao chính trị; 1981 tiếp tục học Trung cao Biên Phòng; 1983 vào Học viện Lục quân Đà Lạt. Tốt nghiệp trở thành cán bộ giảng dạy trường ĐH Biên phòng…”


Nguyên cớ sâu xa để ông Nhượng biến ngôi nhà của mình thành trường lớp đơn giản vì thương bọn trẻ không ai kèm cặp. Ông nói: “Cha mẹ các cháu bận tối mắt việc đồng áng, tri thức về giáo dục lắm khi mù tịt, nên muốn quan tâm con cũng chịu. Mặt khác Hương Thọ, Vũ Quang là xã nghèo, muốn thoát nghèo không có con đường khác là học tập. Nếu để các cháu lêu lổng thì nguy cơ hư hỏng nhãn tiền”. Năm học 2004 ông bắt đầu nhận lứa học sinh đầu tiên. Và điều khó khăn lớn nhất của ông không phải là nơi dạy, mà là sắp xếp công việc để dành thời gian cho các cháu. Từ khi có các cháu đến học, giấc ngủ trưa của ông bà cũng không còn.


Ông lo vừa học vừa dạy, vừa đọc sách, vừa đi hỏi các thầy giáo đang giảng dạy tại các trường THPT trong vùng bổ sung thêm những kiến thức mình còn chưa vững để có thể truyền thụ lại. Dạy học với ông Nhượng là làm từ thiện, không lương, không thưởng. Chẳng những thế ông còn cho các cháu ở trong nhà, nấu ăn cho các cháu mà không hề lấy của gia đình các cháu chút gì!”. Bằng sự tận tình, yêu thương chăm sóc thực sự, ông Nhượng đã thổi bùng lên trong những học trò nghèo đất học ngọn lửa say mê và khát vọng được học tập.


Lớp học của tình yêu thương

Lớp học của tình thương. Ảnh: Lê Văn

Nói lớp học của ông Nhượng vô cùng đặc biệt chẳng có sai. Chỉ vẻn vẹn gần hai chục học sinh nhưng lại có đa cấp. Học sinh của ông mấy đứa thì học lớp 3, mấy đứa học lớp 4, 5, 6 đứa lại học lớp 12. Khi được hỏi: Làm sao cùng một lúc có thể dạy đa cấp như vậy được?”, ông Nhượng cho biết chủ yếu là ông tổ chức cho các cháu học có hướng dẫn. Lúc mới mở lớp đầu tiên gồm 4 cháu học lớp 5 thì việc ông kèm không khó khăn. Chỉ cần biết mỗi cháu có lỗ hổng nào ông sẽ có kế hoạch chương trình kèm cặp riêng. Những năm sau đó, học sinh ở nhiều trình độ, bậc học khác nhau ông Nhượng lại áp dụng theo phương pháp cháu học lớp cao lại kèm các cháu lớp dưới và ông hỗ trợ thêm khi cần thiết. Điều quan trọng mà ông Nhượng đã dạy cho học sinh của mình là nề nếp, dạy tự học, tự mày mò sáng tạo.


Được biết các cháu đến học nhà ông Nhượng đều có hoàn cảnh đặc biệt. Các cháu đều con nhà nghèo, nên sách vở ông đều trang bị. Nhà ông Nhượng có tủ sách đầy đủ SGK từ lớp 5 đến lớp 12 cho các cháu học. Sách được ông sắp xếp ngăn nắp trên giá, dễ dàng, thuận tiện cho các cháu sử dụng. Ông cũng đóng 2 bảng gỗ và bàn học từ chiếc bàn sinh hoạt nhà ông để cho các cháu ngồi học. Trong nhà ông Nhượng còn có 3 phản gỗ được đánh vecni bóng loáng có đầy đủ chăn nệm cho 5 cháu ở lại học, ngủ tại chỗ. Vợ ông cũng chia sẻ: “Mỗi tháng, chỉ riêng nước khoáng cho các cháu cũng tốn vài trăm ngàn, trung bình tiền điện thắp sáng cho các cháu học trên dưới 200.000 đồng”. Cháu Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Cháu ăn, ở, học tại nhà ông bà đã 6 năm nay, mà ông bà chưa hề lấy một xu. Ông, bà coi cháu như ruột thịt. Có quà gì cũng dành cho các cháu. Chúng cháu rất kính nể và tôn trọng ông, bà.


Được chứng kiến những lớp học nhân đạo ở nhiều nơi, song phải công nhận hiếm thấy lớp học nào lại thoáng, mát, nên thơ như lớp học dưới bóng tre xanh cạnh ngõ nhà ông Nhượng. Dưới bóng tre, ông đặt một chiếc bàn đá, 6 chiếc ghế đơn đủ chỗ cho các cháu ngồi. Những buổi học ngoài trời được ông Nhượng tổ chức cho các cháu thảo luận sôi nổi và thú vị. Vấn đề thảo luận thường là những vấn đề đơn giản trong sách GK, một định nghĩa hay có khi là một vấn đề nảy sinh trong lớp học, một tình huống giáo dục. Thỉnh thoảng, ông lại để các cháu tự đánh giá nhìn nhận lẫn nhau, góp ý cho nhau một cách thoải mái, chân tình.


Khoảnh vườn cạnh ngõ gần 300m2, ông dọn dẹp làm sân cho các cháu chơi. Giờ nghỉ các cháu có chỗ nhảy dây, đá kiện hay chơi cầu lông. Trẻ đến với lớp học của ông Nhượng không chỉ học mà còn được vui chơi, được tập hát, tập múa các em rất hứng khởi.


Hoàng Mạnh Tuấn – học lớp 12 – cũng cho biết thêm: “Ông chú trọng dạy thực hành cho chúng cháu. Những khái niệm Toán, Vật lý, Hóa học ông đều liên hệ với thực tiễn nên dễ nhớ. Những công tắc, bóng điện và những vật dụng khác trong nhà, chúng cháu đều được ông hướng dẫn tự làm. Và đặc biệt, tại nhà ông, chúng cháu được học nề nếp như trong quân đội”.


Có thể nói đã từng là một sỹ quan quân đội được đào tạo bài bản, sau này trở thành cán bộ giảng dạy… nên ông Nhượng đã kết hợp được hài hòa giữa yêu cầu cao với tình thương; kết hợp giữa tự lập và bày vẽ, dẫn dắt sâu sát, cụ thể từng cháu… tạo nên sự gần gũi, thân tình trong lời nói và hành động.


Mặt khác, tại lớp học nhà ông Nhượng còn có những cháu thiểu năng trí tuệ do bệnh tật. Nhưng trải qua một năm, nhờ các anh chị lớp trước kèm cặp, chiều chiều lại được nhảy dây, đá kiện nên sức khỏe của học sinh được phục hồi đáng kể, trí nhớ tốt dần và kết quả tăng lên rõ rệt. Có trường hợp học sinh là cháu liệt sỹ, nhà nghèo, bị suy dinh dưỡng được ông bà săn sóc nhất là chế độ học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc vệ sinh, giấc ngủ nên đã khá lên trông thấy. Có học sinh lười học, ngổ ngáo, là học sinh cá biệt được cha mẹ gửi đến cho ông Nhượng, sau một năm với nhiều tình thương và phương pháp hợp lý ông đã cảm hóa thành công


Thấm thoát trôi đi, tiếng lành đồn xa, lớp học đặc biệt của ông Nhượng đã trở thành “lò” đào tạo con em nhà nghèo nơi vùng sâu, vùng xa. Nhiều gia đình biết được hiệu quả đào tạo muốn gửi con cháu đến đây, nhưng phiền một nỗi ngần ấy cháu đã quá tải không chỉ đối với cơ sở vật chất mà còn đối với sức khỏe của người cựu chiến binh.


Còn nhiều, tâm nguyện mà ông Nhượng mong muốn được làm, được cống hiến cho xã hội, cho con người, cho giáo dục mà vì điều kiện khách quan, chủ quan chưa làm được. Song với những gì ông đã làm thời gian qua, ông thực sự góp công sức không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục – sự nghiệp trồng người nói chung và công cuộc xây dựng một xã hội học tập tại chính địa phương mình đang sống nói riêng. Tấm lòng của người lính, người thầy luôn tỏa sáng và phát huy hiệu quả cho dù người lính, người thầy ấy đã ở tuổi nghỉ ngơi an nhàn…

“Nói bí quyết, tôi chẳng có bí quyết gì ngoài tình thương yêu và trách nhiệm hết mình với những học trò nghèo. Bất cứ ai có tình thương yêu học trò, tìm hiểu được đặc tính, hoàn cảnh của các cháu thì sẽ tìm ra được những phương pháp giáo dục phù hợp hiệu quả” – Ông Nhượng bộc bạch.

Văn Lê

GDTĐ

  Từ khóa: Tình người

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP