Pháp luật

Xét xử đường dây logo "xe vua": Không có người nhận hối lộ?

Mặc dù các bị cáo khai có đưa hối lộ cho 80 cán bộ cụ thể tên tuổi, đơn vị công tác nhưng tòa không thể xử vì 80 người này đều phủ nhận

Sau 3 lần hoãn xử, ngày 3-10, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973, nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) 8 năm tù về tội "Môi giới hối lộ"; Nguyễn Văn Thới (SN 1976) 14 năm tù, Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982; cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) 9 năm tù, Trần Quốc Thái (SN 1971, quê Long An) 10 năm tù cùng về tội "Đưa hối lộ". Liên quan đến vụ án, 6 bị cáo khác lãnh từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 4 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

CSGT duy nhất chịu tội

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân là cán bộ CSGT duy nhất bị xét xử trong số hơn 80 cán bộ thanh tra giao thông (TTGT), CSGT bị khai đã nhận hối lộ.

Theo cáo trạng, Vân và Thới là chủ doanh nghiệp vận tải nên đã móc nối với các tài xế in và bán logo "xe vua" để không bị xử phạt lỗi quá tải khi lưu thông ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Thới đã tiếp cận cán bộ, thống nhất in logo có số "68" và chữ "Garage Thành Đô". Bằng hình thức bán logo "xe vua", Thới thu về 22,7 tỉ đồng; sử dụng 17,8 tỉ đồng nộp phạt, thu lợi 1,3 tỉ đồng, còn lại đưa hối lộ cho TTGT, CSGT.

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân bị phạt 8 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”


Tương tự, với việc bán logo "Xe chở hàng", Vân thu về 7,9 tỉ đồng, dùng 627 triệu đồng đưa hối lộ cho cán bộ Đội 7, Đội 8 TTGT TP HCM. Vân khai hưởng lợi được 1,5 tỉ đồng và đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Tại tòa, Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận đã nhiều lần nhận tiền từ Vân và Thới hơn 1,2 tỉ đồng. Với số tiền này, Chân dùng 659 triệu đồng đưa cho ông Võ Thanh Sơn, Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, để ông điều phối việc làm lơ cho "xe vua" mang logo của Vân và Thới. Sau khi nhận tiền, ông Sơn cho Chân bao nhiêu thì tùy ý chứ không đòi hỏi.

Khi ông Sơn bị bệnh hiểm nghèo qua đời, Chân tiếp tục nhận 600 triệu đồng từ Vân và Thới để làm môi giới hối lộ. Tuy nhiên, Chân ăn chặn 300 triệu đồng và chỉ đưa 300 triệu đồng cho ông Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.

Tại tòa, bị cáo Vân thừa nhận không trực tiếp đi đưa hối lộ mà kêu đồng phạm hoặc người chạy xe ôm mang tiền đến giao. Vân đưa hối lộ cho thanh tra 150 triệu đồng/tháng và đưa 3 lần liên tục, riêng 2 lần khác thì xe bị bắt nên Vân đưa 3 - 5 triệu đồng để "giải cứu". Như lời khai của Vân, Thới cũng không trực tiếp ra mặt mà nhờ người thân hoặc nhân viên của mình đem tiền đi chung chi.

Nhận tiền bằng cách nào?

Vân khẳng định đưa cho "anh Sơn, anh Hồng" ở Đội 7 và Đội 8 TTGT TP HCM tổng cộng 627 triệu đồng. Khi được hỏi, các đồng phạm của Vân thừa nhận Vân đưa số điện thoại cán bộ để họ liên lạc. Sau khi nhận điện thoại, các thanh tra hoặc CSGT sẽ hẹn địa điểm ở trạm xe buýt hoặc một địa điểm cụ thể nhận tiền. Có cán bộ khi nhận tiền ở khu vực ngã tư Ga (quận 12, TP HCM) đeo khẩu trang nên không thể nhận diện.

Theo lời khai của 9 bị cáo, tổng cộng có 18 cán bộ TTGT và 62 cán bộ CSGT ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM đã nhận hối lộ. Mặc dù bị cáo Vân và đồng phạm đã đối chất, nhận dạng được tên tuổi, đơn vị làm việc nhưng 80 người này đều phủ nhận việc nhận hối lộ. Chính vì vậy, cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng không có chứng cứ, tài liệu chứng minh nên không truy cứu các cán bộ tội "Nhận hối lộ", từ đó TAND TP HCM không thể xét xử (!).

Hai bị cáo Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái thừa nhận từ cuối năm 2014 đến tháng 5-2015 đã 27 lần đưa hối lộ 1,36 tỉ đồng cho cán bộ Đội Tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai, Đội 7 TTGT TP HCM, CSGT Công an quận Thủ Đức, Đội CSGT Công an quận 12, Đội CSGT Cơ động Công an huyện Nhà Bè, Đội CSGT Công an huyện Hóc Môn, Đội CSGT Công an huyện Củ Chi, Đội CSGT Công an quận Gò Vấp (TP HCM)...

HĐXX nhận định Vân, Thới đã có ý thức đưa hối lộ cho cán bộ TTGT, CSGT để không bị xử phạt; các bị cáo còn lại trong vụ án nhận thức được việc dán logo sẽ không bị xử phạt. Như vậy, các bị cáo đồng phạm biết được hành vi đưa hối lộ của Vân và Thới nên đủ cơ sở buộc tội "Đưa hối lộ" và Nguyễn Cảnh Chân phạm tội "Môi giới hối lộ".

Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài và liên tục, đưa hối lộ cho nhiều cán bộ thanh tra, CSGT. Vì vậy, phải xác định số tiền của từng bị cáo đã đưa hối lộ để định tội mới tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của từng người.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm cho một số cán bộ cơ quan nhà nước thoái hóa đạo đức, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi của các bị cáo gián tiếp gây cho hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp. Các bị cáo Thới, Vân phạm tội với vai trò cầm đầu của từng nhóm.

Về trách nhiệm dân sự, Vân và Thới đã cử người bảo kê, cảnh giới CSGT; mỗi buổi sáng, Vân và Thới đều nhắn tin cho các lái xe những địa điểm có CSGT kiểm tra đột xuất, hướng dẫn đường đi để tránh bị kiểm tra. Nếu bị phạt thì lái xe sẽ gọi điện cho Vân và Thới để các bị cáo gọi điện cho CSGT "giải cứu". Do vậy, số tiền Vân và Thới hưởng chênh lệch sau khi đưa hối lộ cho cán bộ không đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; nếu có phát sinh tranh chấp giữa các chủ xe với các bị cáo thì sẽ xem xét bằng một vụ kiện dân sự khác.

Chỉ xét xử được một nửa vụ án!

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân) nhận định vụ án này vẫn chỉ mới xử lý được một nửa khi dừng lại ở việc xử lý người đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ; còn người nhận hối lộ vẫn bình an.

"Từ trước đến nay, các vụ án đưa hối lộ, thường thì kẻ trung gian làm môi giới hối lộ bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bởi người nhận không thừa nhận đã nhận tiền từ người đưa hoặc trung gian. Trong vụ án này, người trung gian bị truy tố tội danh "Làm môi giới hối lộ", tức là có nhận tiền của người đưa hối lộ và có đưa tiền cho người nhận hối lộ. Tuy nhiên, người nhận hối lộ vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Nhận hối lộ" vì không đủ cơ sở vững chắc, làm dư luận rất băn khoăn, do việc giải quyết vụ án chưa triệt để".

Tác giả: PHẠM DŨNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP