Du lịch

Xem người Hàn làm du lịch

Hơn 10 năm trở lại đây, Hàn Quốc trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách thế giới. Đến Hàn Quốc lần này, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là cách người Hàn làm du lịch; không chỉ quảng bá văn hóa - con người - đất nước rất bài bản qua phim ảnh, ca nhạc để hút du khách đến, người Hàn Quốc đã tận dụng cả những địa danh đặc biệt để hút khách du lịch.`

1- Cách thủ đô Seoul hơn 60km, đảo Nami là một dải đất hình chiếc lá nằm giữa hồ Cheongpyeong thuộc địa phận tỉnh Gangwon. Từ 15 năm trở lại đây, Nami luôn là địa danh nằm trong các tour du lịch ngắn ngày với khách nước ngoài đến Hàn Quốc.

Chúng tôi đến đảo Nami vào một ngày cuối tháng 11- 2017; thời tiết đã chuyển hẳn sang mùa Đông, những hàng cây thủy sam, ngân hạnh, phong lá đỏ đã rụng hết lá, dù trời nắng chói chang nhưng nhiệt độ vẫn xuống tới -2 độ C, vì thế phong cảnh không còn rực rỡ như những bức ảnh quảng cáo của các công ty du lịch nữa.

Tuy nhiên, những chuyến phà ra đảo vẫn chật cứng khách du lịch, mà phần đông là thanh niên dù là ngày giữa tuần. Cô hướng dẫn viên đi cùng chúng tôi bảo rằng như hôm nay vẫn còn là ít, chứ vào cuối tháng 9 và tháng 10, là mùa đẹp nhất trong năm, nơi này luôn chật kín khách.

Để sang đảo, khách phải mua vé với giá 10.000 won (tương đương 200.000 đồng) và đi phà mất chừng gần 10 phút. Sẽ có ba cách để khám phá hòn đảo này, muốn nhanh thì thuê xe điện hoặc xe đạp đôi đi dạo, còn không thì chỉ có đi bộ.

Lịch sử để mảnh đất vô danh trở thành đảo Nami nổi tiếng như bây giờ cũng khá… bất ngờ. Hóa ra nơi này vốn là cánh đồng trồng lạc của dân địa phương và hàng năm thường được bồi đắp phù sa sau những trận lũ lụt. Năm 1944, khi đập Cheongpyeong được xây dựng, nước sông Bắc Hán dâng lên làm ngập một vùng đất, phần bị cách ly trở thành hòn đảo có diện tích 460.000m², với đường kính khoảng 5km. Sau đó, hòn đảo được đặt tên là đảo Nami, do nơi này có mộ của tướng quân Nami, một vị tướng đã có công giúp triều đại Joseon dẹp loạn vào thế kỷ XIII, nhưng sau đó bị vu cho tội mưu phản vua Sejo nên bị tru di khi mới 28 tuổi.

Năm 1965, ông Min Byeong-do, người từng làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, đã mua hòn đảo này và bắt đầu trồng rừng một cách bài bản; ngoài thảm cỏ trung tâm rộng tới 260.000m2, các loại cây trồng trên đảo thành những con đường cây riêng biệt như cây ngân hạnh, thủy sam, phong lá đỏ, thông. Năm 1966, ông lập ra Công ty Phát triển Du lịch Gyeongchun và biến đảo thành thị trấn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm đó, dù được đầu tư để làm nơi du lịch nhưng vẫn rất ít người biết tới Nami.

Phải tới năm 2002, khi bộ phim truyền hình “Bản tình ca mùa đông” (Winter sonata) được phát sóng trên kênh truyền hình KBS của Hàn Quốc thì nhiều người mới biết tới Nami. “Bản tình ca mùa đông” với câu chuyện tình lãng mạn của hai nhân vật chính là Kang Joon Sang (Bae Yong Joon đóng) và Yu Jin (Choi Ji Woo) đã lập tức gây sốt ở Hàn Quốc sau đó được phát ở Nhật Bản và nhiều nước châu Á và trở thành cơn sốt. “Bản tình ca mùa đông” được coi như mốc đánh dấu "làn sóng Hàn Quốc" du nhập vào nhiều nước châu Á. Phần lớn những cảnh này đều được quay ở đảo Nami. Vì thế, sau cơn sốt “Bản tình ca mùa đông”, đảo Nami bỗng chốc “thơm lây” khi trở thành một trong những điểm du lịch lãng mạn, nổi tiếng, thu hút nhiều du khách tại Hàn Quốc.

15 năm qua, đã có hàng chục triệu khách du lịch đến đảo Nami chỉ để được tận mắt nhìn những cảnh lãng mạn đã xem trong “Bản tình ca mùa đông”.

2- “Bản tình ca mùa đông” chỉ là một ví dụ điển hình về sự thành công của Hàn Quốc trong việc quảng bá du lịch bằng phim truyền hình. Hàn Quốc có chiến lược dùng điện ảnh, truyền hình, chương trình âm nhạc để truyền bá văn hóa, đất nước và con người ra nước ngoài. Phim Hàn Quốc đã khởi đầu của trào lưu “Làn sóng Hàn Quốc” tại nhiều nước châu Á.

Những bộ phim với hình ảnh những địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc vào phim qua khuôn hình lãng mạn đã khiến phim Hàn Quốc tiếp cận được nhiều lớp khán giả; để rồi khi đã thích phim thì nhiều người lại muốn được “đến một lần cho biết”.

Vì thế không chỉ đảo Nami, nhiều địa danh khác như đảo Jeju, Công viên Lotte World, bến phà Abai... là những địa danh từng xuất hiện trong các phim "Trái tim mùa thu", "Nấc thang lên thiên đường", "Nàng Dae Jang Geum"... sau khi phim phát hành đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Rất nhiều khách du lịch châu Á tới Hàn Quốc chỉ vì bị hấp dẫn bởi những những bộ phim truyền hình hoặc qua các bài hát Hàn Quốc.

3- Nhưng, ấn tượng nhất khi đến Hàn Quốc là tour du lịch khu Phi quân sự (DMZ) ở tỉnh Gyeonggy, cách thủ đô Seoul hơn 50km về hướng bắc, nơi được nhiều người gọi là "mảnh đất đặc biệt nhất hành tinh". Theo Hiệp định đình chiến ký ngày 27- 7-1953, từ vĩ tuyến 38, Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ đưa quân đội lùi lại 2km, tạo ra vùng phi quân sự rộng 4km, dài 256km. Đây được coi là khu phi quân sự lớn nhất trên thế giới.

Khách du lịch dùng kính viễn vọng nhìn sang Triều Tiên ở Trạm quan sát Dora trong DMZ.

Hơn 60 năm qua, DMZ vẫn là nơi được quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Vì thế, cựu Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton sau khi tới thăm nơi này đã gọi đây là "địa điểm đáng sợ nhất trên thế giới". Sau hàng chục năm đóng cửa, năm 2013, Hàn Quốc đã mở cửa một phần DMZ cho khách du lịch đến tham quan.

Tôi vẫn không quên được cái cảm giác hồi hộp khi ngồi trên xe từ Seoul lên DMZ. Con đường cao tốc từ thủ đô Seoul đến DMZ chỉ hơn 50km chạy dọc theo bờ sông. Suốt quãng đường mấy chục cây số, điều khiến tôi ấn tượng nhất là một bên đường giáp với bờ sông được rào kín bằng mấy lớp dây thép gai, cách khoảng 500m lại có một chòi canh có lính gác, có chỗ, quân đội Hàn Quốc còn xây cả lô cốt ngay bên vệ đường và có xe tăng trực chiến;

Khi còn cách DMZ khoảng 5-6km, chúng tôi phải đến khu vực làm thủ tục do quân đội quản lý. Tại đây, sau khi mua vé tham quan, tất cả du khách sẽ phải trình hộ chiếu để kiểm tra và làm thủ tục khai báo. Sau đó chúng tôi được ghép đoàn với mấy đoàn khách khác và đưa lên chiếc khách loại 54 chỗ của đơn vị chuyên đưa khách tham quan DMZ. Theo lời cô hướng dẫn viên thì bắt đầu từ đây, toàn bộ hoạt động, kể cả chở khách du lịch đều do quân đội quản lý.

Cách khu vực là thủ tục vài cây số là một trạm kiểm soát của quân đội. Tất cả xe đều phải dừng lại để kiểm tra. Quân cảnh lên xe kiểm tra hộ chiếu của từng người và đối chiếu với danh sách làm thủ tục trước đó cuối cùng tôi vào được DMZ.

Đến DMZ mới thấy ngay cả vùng đất đặc biệt chỉ có quân đội canh giữ nhưng người Hàn Quốc cũng rất chuyên nghiệp khi phát triển du lịch đồng thời gửi thông điệp về mong ước hòa bình. Vì thế mỗi ngày đã có hàng nghìn khách du lịch đến thăm quan. Trong tour DMZ, khách sẽ được đưa đến Đài quan sát Do-ra đặt trên một ngọn núi. Trước ngôi nhà được sơn theo kiểu "rằn ri", có dòng chữ “Điểm kết thúc của sự chia cắt – Điểm khởi đầu của sự thống nhất”. Từ đây có thể dùng kính viễn vọng quan sát nhìn sang phía Triều Tiên. Tất nhiên muốn dùng kính ngắm thì phải thả một đồng xu mệnh giá 500 won vào trong cái khe ở chân kính như kiểu bỏ xèng chơi game.

Còn ở Ga Dorasan, ga có đoàn tàu cuối cùng nối liền 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên, dù tuyến đường sắt đã tạm dừng hoạt động nhưng khách du lịch vẫn có thể lấy con dấu của nhà ga vốn dùng để đóng vào hộ chiếu cho khách đi tầu để đóng vào sổ tay làm kỉ niệm.

Để DMZ thành tour du lịch đặc biệt và hấp dẫn, người Hàn Quốc đã xây dựng DMZ thành một thương hiệu riêng với rất nhiều mặt hàng lưu niệm, từ những chiếc áo phông, mũ vải, bút bi, tượng cho tới socola, thực phẩm ăn nhanh đều được gắn mác DMZ và bán với giá không hề rẻ; thậm chí cả những mẩu dây thép gai han rỉ cũng được đóng gói gắn mác DMZ và bán với giá 15.000 won(tương đương hơn 300.000 đồng). Và khi đã đến đây, chẳng có ai ra về khi trong tay không có vài món đồ lưu niệm ghi dấu ấn của mảnh đất đặc biệt này.

`

Tác giả: Nguyễn Thiêm

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: người Hàn , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP