Trong nước

Xe siêu trọng ‘chui lọt’ hàng loạt trạm cân

Chiếc xe siêu trường, siêu trọng không đầy đủ giấy tờ cần thiết nhưng chở một máy biến áp được cho là nặng tới 140 tấn từ Hà Nội vào tới tận Bình Thuận mới bị giữ lại.


Hành trình chiếc xe siêu trọng không đủ giấy tờ cần thiết nhưng vẫn vượt qua hàng loạt trạm cân – Đồ họa: Thái Nguyên


Chiếc xe siêu trọng – Ảnh: CTV

Không những thế, trạm cân cũng “bó tay” trước trọng tải và kích cỡ xe này.

Trạm cân “bó tay” ?

Tôi không tin là xe này không thể vào trạm cân cân được, có thể áp dụng nguyên lý cân từng trục một rồi cộng vào, ngoài ra cũng có thể dùng cân xách tay, đặt vào vị trí một bánh cũng cân được
Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Chiều tối 19.4, Thanh Niên nhận được thông tin chiếc xe “khủng” mang biển số 51C-178.99, kéo rơ moóc biển số 51R-057.97 chở một máy biến áp nặng tới… 140 tấn xuất phát từ một nhà máy sản xuất máy biến thế ở Hà Nội. Xe có hành trình vận chuyển vào đến TP.HCM. Rạng sáng 20.4, Trạm cân di động Bình Thuận đã đón lõng và bắt được chiếc xe tải “siêu trường siêu trọng” này.

Do hàng hóa là một máy biến áp liền khối, chứ không phải hàng rời, nên DN vận tải (Công ty TNHH đầu tư thương mại – dịch vụ xuất nhập khẩu A.Phương – Q.9, TP.HCM) phải “chế” lại hệ thống vỏ xe khiến chiếc xe dài tới 21 m, ngang 3,3 m và có tổng cộng tới 26 bánh xe (10 bánh xe chính và 16 bánh xe của rơ moóc). Khi chiếc xe này tiến qua trạm cân tại xã Hàm Kiệm (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã bị lực lượng CSGT phát lệnh dừng xe, yêu cầu tài xế đưa xe vào cân.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó chánh thanh tra – Trạm trưởng trạm cân, cho biết tài xế Đặng Quang Vinh (ngụ Gia Lai) biện minh xe chỉ có tải trọng… 80 tấn, chứ không phải 140 tấn. Tuy nhiên, ông Long khẳng định: “Đích thân tôi kiểm tra, nó có giấy phép được vận chuyển hàng siêu trọng tới 41,7 tấn, hết hạn ngày 8.5.2014. Có điều lạ là khi đến Bình Thuận (từ Hà Nội vào qua rất nhiều trạm cân – PV) chiếc xe này vẫn còn nguyên giấy tờ, chưa từng bị xử phạt lần nào”. Như vậy, dù chiếc xe có chở 80 tấn như thông tin tài xế Vinh cung cấp thì vẫn vượt quá mức cho phép, không xuất trình được hồ sơ hàng hóa. Thế nhưng, cách xử lý của lãnh đạo trạm cân, theo lời ông Long, là: “Chúng tôi chỉ giữ lại giấy kiểm định và giấy đăng ký xe. Còn giấy phép siêu trường siêu trọng, bằng lái phải để cho họ đi chứ. Tuy nhiên, tài xế không hề xuất trình được hồ sơ hàng hóa và chỉ nói là chở thuê”.

Do chiếc xe quá dài, và có tới 4 trục bánh xe, lại chở cực nặng, trạm cân đã liên hệ với nhà cung cấp thiết bị cân di động để hỏi ý kiến và được khuyên không nên đưa chiếc xe này vào hệ thống cân di động vì có thể sẽ gây hư hỏng thiết bị ngay lập tức. Cuối cùng, trạm chỉ áp dụng xử phạt lỗi chở hàng hóa vượt trên 50% tải trọng, phạt tài xế 6 triệu đồng và chủ xe 6 triệu đồng. Trả lời câu hỏi vì sao không hạ tải chiếc xe trước khi cho đi tiếp, ông Long cho biết do chiếc xe quá to nếu giữ lại sẽ chiếm diện tích bãi dừng của trạm cân. “Thời điểm này, nhiều xe quá tải đã “bắt tay” nhau gây ra tình trạng kẹt xe cục bộ trên QL1 khiến chúng tôi phải giải phóng ngay để đưa xe vào trạm cân. Hơn nữa hàng hóa chỉ là “một cục”, nếu hạ tải thì lấy đâu ra cần cẩu siêu nặng hàng trăm tấn để cẩu hàng xuống”, ông Long nói.

Theo đại tá Trần Văn Nghĩa – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, về nguyên tắc chiếc xe này phải có giấy phép chở hàng hóa siêu trường siêu trọng. Về việc chiếc xe này có thể vượt nhiều trạm cân từ bắc vào nam, đại tá Nghĩa nói: “Có thể do các trạm cân không để ý nên chiếc xe này vượt qua một cách dễ dàng”. Chiều 20.4, chiếc xe này đã vào đến địa phận TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai mà không hề bị lực lượng nào kiểm tra.

“Không xe nào không cân được”

Xe xếp hàng “nằm vạ”

Theo quan sát của PV Thanh Niên, kể từ ngày trạm cân di động Bình Thuận đi vào hoạt động (15.4) đến nay, trên QL1 đi qua H.Hàm Thuận Nam (nơi có trạm cân) liên tục có tình trạng xe quá tải né trạm bằng cách “nằm vạ” ven đường gây ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Vào ban đêm, khi tình trạng ùn ứ giao thông đến mức nghiêm trọng thì trạm cân lập tức phải ngưng hoạt động để giải phóng QL1. Vì vậy, trong mấy ngày qua, QL1 đoạn này hết sức bát nháo nhưng các cơ quan chức năng của địa phương chưa có giải pháp nào khắc phục.

Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, Giám đốc Công ty CP tự động hóa và cơ khí Hanel (công ty thành viên của Công ty TNHH MTV Hanel) Đặng Hữu Đạt khẳng định, trạm cân có khả năng cân được số trục không giới hạn (mỗi trục tải trọng dưới 30 tấn) miễn là kích thước xe trong phạm vi bàn cân. Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng tỏ ra rất ngạc nhiên khi trạm cân không cân được tải trọng xe như trên. “Tôi không tin là xe này không thể vào trạm cân cân được, có thể áp dụng nguyên lý cân từng trục một rồi cộng vào, ngoài ra cũng có thể dùng cân xách tay, đặt vào vị trí một bánh cũng cân được”, ông Thắng nói. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng, theo thiết kế, trạm cân phải cân được tất cả mọi loại xe lưu thông trên đường, không thể nói xe siêu trường, siêu trọng không cân được.

Ngoài ra, với loại xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển hàng nguyên khối không cắt rời được, Tổng cục Đường bộ yêu cầu chủ xe vận tải phải gia cố để tăng cường tải trọng trục xe, có thể tăng trục hoặc tăng số lượng bánh. Xe sau khi gia cố đảm bảo quy định sẽ được cấp giấy phép riêng, mỗi giấy phép chỉ cấp cho một lần vận chuyển hàng. Theo ông Thắng, nếu có giấy phép này thì xe không phải vào trạm cân. Nhưng nếu đúng như phản ánh thì trường hợp xe trên đã sai.

“Khó có chuyện ngẫu nhiên nếu xe vi phạm như thế mà đi từ Hà Nội vào Bình Thuận mới bị phát hiện ra. Dù chưa khẳng định, nhưng không loại trừ khả năng tiêu cực trong xử lý tại các trạm khác trên dọc tuyến. Tình trạng buông lỏng cần phải xử lý. Siết tải trọng xe là cuộc đấu tranh giữa lợi ích nhóm và lợi ích toàn xã hội”, ông Thắng nói.

Quế Hà – Mai Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP