Kinh tế

Xây dựng Hà Tĩnh thành trung tâm công nghiệp lớn

Sáng 8/4, Uỷ viên dự khyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành địa phương liên quan để nghe báo cáo dự thảo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2030.

Chương trình phát triển đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2030 là cơ sở để quản lý đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của các đô thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự gắn kết giữa phát triển đô thị và phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.

Theo đó, định hướng lộ trình phát triển đô thị ở Hà Tĩnh được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên phát triển các đô thị có vị thế, vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển vùng, đô thị gắn với các trọng điểm kinh tế, ưu tiên đầu tư các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình đầu mối đảm bảo vệ sinh môi trường.

Góp ý vào dự thảo chương trình phát triển đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2016- 2030, các ý kiến cho rằng: Số liệu cập nhật còn lệch so với thực tế. Chưa có sự xâu nối với quy hoạch phát triển vùng của tỉnh và quy hoạch phát triển đô thị của các địa phương, nhất là hệ thống giao thông, chợ. Nhiều ý kiến đề nghị trong phát triển đô thị cần đề cập sâu về văn hoá đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mớí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh kết luận buổi làm việc

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Chương trình phát triển đô thị là nội dung quan trọng, định hướng cho sự phát triển KT-XH của Hà Tĩnh trong 15 năm tới. Mục tiêu của chương trình phải có tính dự báo, cập nhật thêm phần đánh giá thực trạng, có phân tích, đánh giá theo từng lĩnh lực và phải xác định rõ hướng phát triển, nhất là phải nói rõ những đô thị hiện có và đô thị chưa hình thành. Đồng thời, phải dự kiến được tốc độ đô thị hoá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng: Các giải pháp đưa ra cần rõ ràng, cụ thể theo từng lĩnh vực, có lộ trình, danh mục ưu tiên đầu tư đối với từng đô thị. Đồng thời, phải có kiến nghị về chính sách, cơ chế đặc thù riêng cho từng địa phương; xây dựng giải pháp về nguồn vốn, trong đó chú trọng xã hội hóa đầu tư.

Các Sở, ngành, địa phương cần tham gia góp ý, chủ  đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp, tiến tới mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển đô thị thẩm định, đánh giá.

Phan Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP