Tin Hà Tĩnh

Xã Hương Trà (Hà Tĩnh): Mạnh tay chi tiền 'làm đẹp'?

Mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM từ lâu được xác định là nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn, phải quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân cả tinh thần lẫn vật chất. Rõ ràng là thế nhưng hiện nay, ở rất nhiều nơi trên cả nước căn bệnh hình thức, thích khoa trương của một bộ phận lãnh đạo đã làm méo mó đi những mục tiêu tốt đẹp đó.

Mở rộng đường để… trồng hoa giấy

Sau khi nhận được một số ý kiến thắc mắc của người dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh về việc tại sao khi xây dựng nông thôn mới tại xã Hương Trà thuộc huyện thì một số đoạn của đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa phận xã được mở rộng xâm phạm vào chỉ giới. PV Thời báo Doanh nhân đã trực tiếp tìm hiểu và ghi nhận, tại đoạn đường mòn đi qua địa phận xã Hương Trà có hai vị trí được xã tự ý san lấp mặt bằng, đổ bê tông để mở rộng đường.

Một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng để đặt nhiều chậu hoa giấy hai bên.

Cụ thể, một đoạn đi qua thôn Nam Trà được cơi nới, mở rộng thêm mỗi bên khoảng 3,5 – 4m, chiều dài khoảng 300-400m. Đặc biệt, đoạn đường này xã cũng dựng thêm mỗi bên 8 cột đèn điện tự chế. Đoạn thứ hai chạy qua trước cổng trường Tiểu học xã Hương Trà, đối diện với ngôi nhà của ông Chủ tịch UBND xã, diện tích đường cũng được mở thêm khá rộng.

Chưa nói đến việc vi phạm chỉ giới, làm biến dạng và gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình quốc gia, những đoạn đường được cơi nới thêm này đã làm xấu đi hình ảnh của con đường mòn Hồ Chí Minh do được chắp vá thêm những mảng bê tông xi măng.

Trao đổi với phóng viên, trưởng thôn xã Nam Trà cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, thôn Nam Trà được công nhận là thôn kiểu mẫu hạng A của xã. Những việc làm của chúng tôi cũng chỉ mục đích là xây dựng đường thôn ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Người dân đều rất đồng tình ủng hộ những việc làm cũng như quyết sách của xã. Ví dụ như đường kênh mương chạy dọc theo con đường của thôn cũng phải chỉnh sửa nhiều lần mới được chỉnh chu thẳng thế, đẹp đẽ thế này. Hay đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, xã cũng muốn mở rộng để người dân đi lại cho thoải mái, trẻ con có chỗ chạy chơi an toàn và đặc biệt là để trồng hoa giấy cho đẹp.

Chúng tôi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, thì tại điều 8 của Luật này nêu rõ một số hành vi bị nghiêm cấm như: 1. Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

Chưa kể đến việc, đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành giai đoạn 1 và đã cắm mốc chỉ giới mặt bằng giai đoạn 2. Nếu chỉ với mục đích làm đẹp thì cái giá phải trả có đáng? Và điều cần làm rõ là, xã đã lấy số tiền để đầu tư vào việc đổ bê tông, mở rộng hai đoạn trường nói trên ở nguồn nào? Nếu tới đây phải dỡ bỏ thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền đã bỏ ra trên?

Để xây dựng NTM, không chỉ tốn kém trong việc đầu tư san lấp, đổ bê tông, dựng cột đèn ở những vị trí không cần thiết mà theo phản ánh của người dân, xã cũng đã vận động người dân và sẵn sàng chi tiền cho người dân để làm những giàn cây leo kiên cố với khung sắt và mái tôn. Đi thăm quan nhiều nhà của người dân dọc đường thôn Nam Trà cũng như các khu vườn kiểu mẫu, nhiều nhà vừa làm mới các “giàn leo hiện đại”. Những người dân ở đây cho biết, mỗi giàn leo theo quy định phải có chiều dài 32m và tổng chi phí cho một giàn leo này là 18 triệu đồng, trong đó xã sẽ hỗ trợ 50% chi phí. “Nếu dân làm thì xã sẽ chi trả 9 triệu đồng còn nếu không xã sẽ thuê thợ đến làm. Tôi thì tự mua vật liệu và thuê thợ về làm cho chắc chắn, đảm bảo chất lượng” – một người dân cho biết.

Dàn cây leo trị giá gần 20 triệu đồng chỉ để cho đẹp mắt.

Vào những ngày nắng nóng, đến những ngôi nhà dân, những khu vườn mướt mát màu xanh, lại có những dàn quả lúc lỉu trên cành quả thật là đẹp mắt. Ông T – một người dân chia sẻ: “Thời tiết thuận lợi cộng với công chăm bón nên những dàn quả phát triển nhanh, cho ra nhiều quả. Chúng tôi ăn không hết, bán thì cũng không được giá nên cứ để thế cho đẹp mắt…”.

Dân mệt vì “trình diễn” nông thôn mới

Được biết, tỉnh Hà Tĩnh không chỉ là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM mà còn nổi bật với việc “nâng cấp” Chương trình mục tiêu quốc gia khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu với các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu xanh - sạch - đẹp, người dân hài lòng với cuộc sống.

Xã Hương Trà thuộc huyện Hương Khê được biết đến với một số khu vườn mẫu, trong nhiều năm qua đạt các giải cao. Chúng tôi ghé thăm một số khu vườn mẫu vừa đạt giải cấp tỉnh của những người dân thuộc thôn Đông Trà.

Ông T - chủ khu vườn rộng 2ha với hơn 600 gốc cây cam và nhiều loại cây khác chia sẻ: Khu vườn của tôi mấy năm gần đây đều được giải cấp tỉnh. Vợ chồng suốt ngày bất kể mưa nắng đều ra vườn chăm bón cây, chỉ mong vườn cây tươi tốt, cho nhiều quả ngọt và mang lại thu nhập nuôi sống gia đình. Chúng tôi cũng không mong gì hơn nhưng được xã, huyện, tỉnh đưa vào danh sách dự thi thì chúng tôi cũng vui.

“Năm 2016, vườn của tôi được giải vườn mẫu cấp tỉnh và được tặng thưởng 20 triệu. Tuy nhiên, lúc nhận thưởng người ta trừ đi 8 triệu tiền hệ thống vòi nước nhỏ giọt (đây là hạng mục bắt buộc phải có để đạt chuẩn vườn kiểu mẫu) cùng 1,2 triệu tiền bức tranh vẽ quy hoạch vườn bằng công nghệ 3D, số tiền tôi nhận lại là 11,8 triệu đồng” – ông T cho biết.

Sau đó ông T dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống vòi nước nhỏ giọt. Theo ghi nhận của phóng viên thì hệ thống vòi nước nhỏ giọt gồm có hai thiết bị lọc nước, dưới là ống nhựa ngầm kéo dài khoảng 10m ra vườn, rồi từ một bể nước, các vòi nhỏ giọt được kéo ra các hướng. “Giá thị trường của các loại máy, vòi này chỉ vào khoảng hơn 3 triệu là cùng. Tôi thấy nó không hiệu quả, tháo đi cũng dở mà để chẳng làm gì” – Ông T cho biết.

Một đoạn trong hệ thống vòi nước nhỏ giọt trị giá 8 triệu đồng.

Nói về hệ thống tưới nước, chủ một khu vườn kiểu mẫu khác trong thôn cũng chia sẻ: Để đạt khu vườn kiểu mẫu, khu vườn của tôi phải có hệ thống vòi nước công nghệ tự động có giá hơn 19 triệu đồng. Trong 19 triệu đấy thì tôi phải bỏ ra 10 triệu tiền mặt, còn lại xã sẽ cử người đến lắp đặt và chịu các chi phí còn lại. Theo tính toán của ông thì: “Nếu mua ngoài thị trường, giá máy bơm khoảng 2,5 triệu, ống khoảng 4-5 triệu, tổng chi phí nếu tính ra với số tiền 10 triệu bỏ ra thì tôi cũng thừa đủ để làm mà không cần sự hỗ trợ”.

Năm 2017, những khu vườn của những người nông dân này tiếp tục đạt giải cao. Được biết, đến nay những hộ này vẫn chưa được nhận tiền thưởng mặc dù theo thông báo giá trị giải thưởng là 20 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông P.T, chủ một khu vườn rộng lớn, đẹp mắt nói vui: “Người ta cứ nghĩ được giải này giải nọ là to lắm. Chúng tôi bỏ tiền hàng trăm triệu đồng ra đầu tư. “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Tiền thưởng hay tiền hỗ trợ thì thấm tháp gì. Có khi trở thành vườn kiểu mẫu lại mệt hơn vì thường xuyên có đoàn tham quan từ lãnh đạo đến người dân, rồi tham gia giải này giải nọ. Mỗi ngày tôi dùng hết một cái chổi 15 nghìn để quét sạch cả khu vườn rồi mua chè nấu nước để đón các đoàn khách tới xem vườn. Thôi thì cứ sạch đẹp cho mình trước đã…”

Chuồng hươu một thời được ca ngợi về độ hoành tráng nay chuyển sang nuôi gà.

Ngoài mô hình vườn mẫu thì ở xã nhiều hộ cũng từng được xã đầu tư phát triển chăn nuôi. Chúng tôi tìm đến nhà của một người dân thuộc thôn Tân Trà. Trước đây, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, gia đình ông cũng đầu tư hơn 30 triệu để làm chuồng nuôi hươu. “Ngày đó, gia đình tôi được hỗ trợ mua giống mỗi con hươu đực 5 triệu đồng, hươu cái 3 triệu đồng. Sau một thời gian, con thì chết, nhung hươu xuống giá nên tôi và một số hộ đã bán hết. Chuồng hươu của nhà tôi hiện chỉ nuôi mấy con gà.” – Bà H cho biết.

Phát biểu chỉ đạo về chương trình xây dựng NTM, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “Mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn (chiếm 70% dân số cả nước); phải quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân cả tinh thần lẫn vật chất, phát huy vai trò làm chủ của người dân, để dân tự làm, tự giám sát”.

Thiết nghĩ, làm đẹp cho thôn cho xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Thế nhưng, phải là sao cho hợp lý, tránh hình thức gây lãng phí mới là vấn đề quan trọng. Sự phát triển của xã phải là sự phát triển đồng đều, không phải nơi thì được “điểm phấn tô son” nơi thì nhếch nhác. Và quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để nâng cao đời sống của người dân bằng những giải pháp, chính sách đầu tư dài hạn, hiệu quả chứ không phải chỉ vì để “mãn nhãn” và “mãn thính” cho lãnh đạo mà đổ tiền của nhà nước, của dân vào những việc để đánh bóng hình thức bên ngoài mà quên rằng, nhiều người dân vẫn còn chạy ăn từng bữa, mỗi khi mua về thu hoạch xong vẫn không biết phải bán đi đâu.

Tiền thân của xã Hương trà là nông trường 20/4. Theo số liệu năm 2017, diện tích hiện nay của Hương trà là hơn 1.500 ha, dân số hơn 2.000 người. Người dân ở đây hơn 80% là cán bộ, công nhân viên chức và các thành phần khác nghỉ hưu đồng thời nhận khoán trồng chè và được giao đất để canh tác, còn lại làm các ngành nghề khác .

Từ cách đây gần sáu mươi năm, người dân của xã Hương Trà chủ yếu làm công nhân cho nhà máy chè, họ có vườn và sinh hoạt mang dáng dấp quy hoạch đô thị . Vì thế về cơ bản các xóm của xã Hương Trà được quy hoạch khác hẳn với các xã nông thôn trong huyện.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Thời báo Doanh nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP