Xã hội

Xã chia lô trên sông cho dân thuê, xây dựng trái phép

UBND xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã chia dọc tuyến bờ đê sông Yên thành gần 50 lô rồi cho các hộ dân thuê. Người dân sau khi được thuê đã xây dựng hàng loạt công trình bê tông cốt thép lấn ra lòng sông gây cản trở dòng chảy thoát lũ.

Từ nhiều năm nay, UBND xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã tự chia từng đoạn sông Yên ra thành các lô, cho người dân thuê làm bến trông coi tàu thuyền. Bằng mắt thường cũng nhìn thấy hàng loạt công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng luật đê điều mọc lên ở đây.

Theo ghi nhận, cứ khoảng 50 m lại có 1 khu nhà được xây nổi ngay trên lòng sông. Các ngôi nhà thường rộng từ 10-30 m2, người dân dựng cột bê tông dưới lòng sông làm trụ sau đó dựng thành nhà. Nghiêm trọng hơn, cắt ngang dòng sông là hàng chục cầu bằng bê tông nối từ chân đê ra lòng sông. Các cây cầu thường rộng từ 1-1,5 m, dài từ 30-60 m.

Những công trình được người dân xây dựng trên lô đất sông thuê của xã.

Theo các hộ dân thì họ được UBND xã chia lô rồi cho thuê. Đơn giá được tính cho thuê là 1 mét chiều rộng theo mặt đê bằng 80.000 đồng/năm.

Sau khi thuê đất và nộp tiền cho xã, người dân đã làm cầu để trông coi tàu thuyền cho ngư dân khi vào bờ. Mỗi gia đình thường nhận trông coi từ 5-8 tàu và các tàu trả tiền công cho người trông coi hàng năm.

Một người dân được thuê mặt bằng sông cho hay, gia đình ông được thuê mặt bằng sông trông coi tàu thuyền trong thời hạn 5 năm. Theo đó, chiều rộng tính theo mặt đê là 30m, cách chân đê 3 m, kéo dài ra lòng sông là 20m.

Sau khi gia đình ông làm hợp đồng thuê mặt bằng với UBND xã Quảng Nham, ông đã đầu tư khoảng 150 triệu đồng để xây dựng cầu nối từ chân đê ra lòng sông để trông coi 5 tàu thuyền cho người dân trong xã khi họ vào bờ sau đánh bắt.

UBND xã Quảng Nham ngang nhiên cắt sông, chia lô cho dân thuê.

“Do khu vực sát chân đê, kè bị bồi lắng, không được nạo vét nên tàu thuyền không thể tiếp cận vào bờ, chúng tôi đã thuê mặt bằng của xã để xây cầu kéo dài ra lòng sông. Cầu vừa để vận chuyển hải sản tàu thuyền đánh bắt được lên bờ, vận chuyển ngư lưới cụ vừa để neo đậu tàu thuyền” – ông này cho biết.

Được biết, trước khi bão số 3 (Sơn Tinh) đổ bộ vào bờ, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai ở xã Quảng Nham. Ông Xứng đã phát hiện việc xây dựng nhiều công trình lấn chiếm đê điều, lòng sông nên đã chỉ đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, UBND huyện Quảng Xương cùng các ngành liên quan tổ chức xử lý vụ việc.

Cho đến nay, nhiều công trình vẫn chưa được tháo dỡ và sự việc đang ngày càng phức tạp hơn do người dân cho rằng chính quyền cho phép người dân làm, nay lại đổ cho dân tự ý xây dựng, xây dựng trái phép, phải tháo dỡ mà không được hỗ trợ, đền bù.

Ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham - người trực tiếp ký hợp đồng với các hộ dân cho biết: “Đúng là việc UBND xã ký hợp đồng cho các hộ dân thuê như thế là sai quy định. Nhưng do Nghị quyết Hội đồng nhân xã đã có và thống nhất tổ chức cho dân thuê mặt bằng nên chúng tôi mới thực hiện. Tiền thu về thi nộp vào ngân sách xã chứ không tiêu đi đâu cả. Tổng số hộ xã ký hợp đồng cho thuê đến nay là 49 hộ”.

Đáng nói, ông Lờ đổ lỗi cho người dân tự phát xây dựng và xây dựng như thế là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, tình trạng này diễn ra 3 năm qua, chính quyền địa phương xã Quảng Nham vẫn làm ngơ.

Ông Nguyễn Đình Dự, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo, đồng thời giao UBND xã Quảng Nham phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ các công trình vi phạm. Về việc UBND xã Quảng Nham ký hợp đồng cho người dân thuê mặt bằng trong phạm vi sông, sẽ chỉ đạo xã phải hủy bỏ các hợp đồng, đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có sai phạm”.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP