Tin Hà Tĩnh

'Xã ăn mày' đã hết nghèo

Từng là “xã ăn mày”, Ích Hậu (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) nay đã “thay da đổi thịt” và cán đích nông thôn mới, với cơ sở vật chất khang trang, đời sống người dân khấm khá...

Xã Ích Hậu đã được công nhận là xã nông thôn mớiẢNH PHẠM ĐỨC

Theo các cụ cao niên trong xã, trước đây, Ích Hậu là một trong những vùng đất nghèo khó nhất H.Lộc Hà, không có điện, thiếu nước sạch, hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên mùa màng của người dân phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên.

Năm 1979, nơi đây liên tiếp hứng chịu nhiều đợt hạn hán, lụt bão khiến ruộng vườn khô cằn, đất đai nhiễm mặn, nhà của bị tàn phá tiêu điều, đói kém hoành hành. Nhiều người phải rời xóm, rời làng đi ăn xin khắp các tỉnh miền Bắc.

Năm nay đã bước qua tuổi 87 nhưng bà Hồ Thị Châu (ngụ tại thôn Ích Mỹ) vẫn còn nhớ như in về nạn đói năm ấy. Theo bà Châu, ngày ấy, nhiều gia đình trong thôn phải đưa con cái lang bạt khắp nơi để xin gạo, xin áo quần. “Thương 8 đứa con nheo nhóc, thiếu ăn, chồng tui phải ra Thanh Hóa, Ninh Bình ăn xin. Ông ấy đi khoảng 15 ngày thì trở về nhà, đưa cho tui 2 kg gạo. Vài ngày sau lại tiếp tục đi”, bà Châu nhớ lại.

Còn bà Hoàng Thị Tâm (57 tuổi, ngụ tại thôn Lương Trung) cho hay, năm 1984, đại hạn một lần nữa giáng xuống đầu người dân địa phương khiến ruộng đất nứt nẻ. Các xã lân cận như Tùng Lộc, Hồng Lộc, Thịnh Lộc… cũng chịu chung cảnh ngộ. Không chỉ người dân xã Ích Hậu, mà nhiều người các xã nêu trên cũng phải đi ăn xin. “Khổ! Cũng vì đói quá người dân mới đi ăn xin chú à. Không phải ăn xin về làm giàu như một số người đồn thổi đâu”, bà Tâm nói.

Giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Ích Hậu giai đoạn 1975 - 1991 nên ông Lê Viết Năng (72 tuổi) hiểu rõ khó khăn của người dân địa phương lúc đó. Ông Năng cho biết, thời điểm đó, toàn xã có 1.800 hộ dân với 8.700 nhân khẩu. Đất chật, người đông, các hộ vào hợp tác xã sản xuất nên còn ỷ lại, cộng với thiên tai dồn dập nên nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng. Cả xã vắng hoe vắng hoắt vì nhiều người bỏ xứ đi hành khất và những cuộc di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới.

“Ích Hậu xưa nghèo nàn u ám/ Cảnh tiêu điều nơi nước mặn phèn chua/ Đi bè đi rú bơ vơ/ Đời như cây nứa vật vờ trôi sông…”, ông Năng đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ nói về cảnh đói khổ của người dân ngày đó.

Đổi thay từng ngày

Những năm sau đó, hệ thống thủy lợi, đê điều, điện, đường, trường học được xây dựng, người dân xã Ích Hậu đã từ bỏ việc đi ăn xin để tập trung sản xuất nông nghiệp. Theo ông Năng, những vụ mùa cho năng suất cao sau đó đã giúp bà con thoát khỏi cảnh đói kém, bắt đầu có của ăn của để. Thôn Lương Trung được biết đến là thôn nghèo nhất xã và người dân thôn này là những người đi ăn xin đầu tiên của xã Ích Hậu.

Nhưng theo ông Trần Quốc Thủy, Trưởng thôn Lương Trung, đã qua rồi cái thời nghèo đói phải tha phương cầu thực, giờ thôn này trở thành thôn giàu nhất xã, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm, nhiều gia đình đã xây được nhà cao cửa rộng.

Ông Nguyễn Sơn Quân, Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho hay, xã Ích Hậu hiện có hơn 2.000 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu, thu nhập bình quân 31 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,93 %. Ngoài sản xuất nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, toàn xã hiện có gần 1.000 người đi xuất khẩu lao động và 800 người vào các tỉnh phía Nam làm công nhân, làm ăn buôn bán...

Theo ông Quân, năm 2015, Ích Hậu đã về đích nông thôn mới, đáp ứng đầy đủ cả 20 tiêu chí theo quy định. Trụ sở UBND xã, trường học các cấp và trạm y tế xã được xây dựng khang trang. Những con đường đất lầy lội ngày nào nay được bê tông hóa toàn bộ, từ đường liên xã vào tận các ngõ ngách từng thôn...

"Ích Hậu có được như ngày hôm nay ngoài nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chính sách và tài chính còn do người dân địa phương đã tự thân vận động, nỗ lực vươn lên từng ngày, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ những người khác", ông Quân nói.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP