Nhà đẹp

Vườn sân thượng như siêu thị mini của gia đình Hải Phòng

Dùng toàn chậu cảnh trồng hoa để nuôi su hào, rau cải..., khu vườn ở tầng 4 nhà chị Hằng lúc nào cũng đủ loại rau trái, đẹp mơn mởn, sai trĩu trịt.

Vườn rau của gia đình chị Nguyễn Hằng, 37 tuổi (công tác trong một công ty Nhật Bản trụ sở tại Hải Phòng) được nhiều người ví như một siêu thị mini trên sân thượng, bởi sự đa dạng chủng loại, đẹp và ngăn nắp như vườn cảnh.

Sân thượng trên tầng 4, rộng 86m2 thì chị Hằng dành khoảng 60m2 để trồng. Vườn được bố trí khoa học theo địa thế đất. Chỗ diện tích rộng, chị bố trí các chậu ghép lại, theo luống, hay to nhỏ tùy đều được.

Những vị trí ven rìa bờ tường được chị đặt chậu trồng rau thông minh. Tất cả đều có lỗ thoát nước ở đáy giúp đất thoát nước nhanh, rau không bị ngập úng.

Chị Hằng đầu tư những chậu vốn được dân chơi hồng ngoại mua để trồng. Thậm chí, ông xã chị còn cất công lên Hà Nội chọn mua các loại đẹp về. "Mình tính làm vườn lâu dài, nên đã tìm hiểu để mua những chậu trồng có độ bền cao, tốt cho sức khỏe và nhiều ưu điểm phù hợp với việc trồng rau trên sân thượng", chị cho biết.

Vất vả nhất là khâu vận chuyển đất lên sân thượng. "Khu vườn cần đến 150 tải đất, vợ chồng mình khênh được vài buổi thì oải quá, cuối cùng phải thuê người giúp", chị cho hay.

3 năm trồng rau, chị Hằng tích lũy được những bí quyết để vườn màu màu mỡ và bội thu. Khu vườn luôn có những củ su hào, dưa chuột non mơn mởn, bí, mướp lủng lẳng trên giàn, các loại đậu thu hoạch vài kg mỗi lần, rau xanh tươi tốt...

Theo chị, đầu tiên phải trồng đúng vụ, mùa nào rau đấy để đảm bảo cho rau được năng suất, xanh tốt, tránh sâu bệnh.

Mỗi ngày chị đều dành thời gian lên chăm cây, nếu xuất hiện sâu sẽ bắt ngay. Hàng tuần phun phòng sâu bệnh cho cây bằng thuốc trừ sâu từ gừng, tỏi, ớt tự làm.

Nếu sâu quá nhiều hoặc bị rệp, nhện đỏ thì dùng thuốc trừ sâu sinh học an toàn kèm thêm để tăng hiệu quả.

"Có một cách diệt diệt rệp mà mình thấy cũng hiệu quả nữa là các bạn pha một hai thìa nước rửa bát, một thìa dầu ăn với 2 lít nước. Hỗn hợp này các bạn xịt vào chỗ rệp bám, đảm bảo chúng hết động đậy ngay", chị tiết lộ.

Làm đất là một bước rất quan trọng vì nó sẽ quyết định trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đối với đất trồng rau, chị Hằng ưu tiên loại thoát nước tốt.

Đối với cây ăn quả như bí, mướp, bầu... khi trộn đất, chị thường cho thêm phân gà hoặc phân bò, phân lân vào rồi trồng. Khi cây bắt đầu bám giàn thì bón phân NPK, kali và đạm, mỗi lần dùng một lượng bằng cốc uống trà nhỏ hòa với 5-7 lít nước tưới vào gốc cho tới khi cây ra hoa thì dừng lại.

Thêm nữa, sau mỗi lần thu hoạch thì lượng dinh dưỡng sẽ cạn dần, chị bổ sung thêm dinh dưỡng và xới đất.

Từng rất sợ sâu, nhưng vì khu vườn chị Hằng đã thành thợ bắt sâu. Chị cũng tự tay thụ phấn cho các loại quả, để chắc đậu quả 100%.

Trong ảnh là giàn đậu ván tím trồng một lần, cho thu hoạch đã 3 năm. Có những ngày chị thu hái tới 2 kg.

"Lúc mới trồng vì không có kinh nghiệm gì nên rau mình còi cọc, vàng vọt, không lớn được, sâu bệnh liên miên, có lúc tưởng như muốn bỏ cuộc. Sau nghĩ đến sức khỏe cả nhà nên mình đã quyết tâm làm lại, lên mạng tìm hiểu thông tin, đúc rút các kinh nghiệm thất bại, từ đó vườn rau xanh tốt", chị nói.


Làm vườn đã thành đam mê, giờ đây chị Hằng thường thử nghiệm trồng các loại rau quả mới. "Có những lần lúc thu hoạch được nhiều quá, rau củ chất đống, hết rổ nọ đến rổ kia, đủ loại, đủ màu sắc thấy vui sướng vô cùng", chị hạnh phúc nói.



Tác giả: Phan Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP