Tin Hà Tĩnh

Vùng tâm bão số 10 đi qua: "Thóc đầy bồ nhưng vẫn không có gạo để ăn..."

Chưa thể có điện do tàn phá của cơn bão số 10 vừa qua khiến người dân xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hơn một tuần nay lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt, học sinh chưa trở lại học bình thường và không có gạo để ăn…nhiều thứ vẫn đang phụ thuộc vào điện.

Cơn mưa rào đến bất chợt khiến cho lần trở lại vùng thượng của huyện Kỳ Anh sau hơn một tuần bão số 10 đi qua càng thêm khó khăn hơn. Trên dọc các tuyến đường vào khu dân cư cảnh nhà tan, cửa nát, cây cối đỗ gãy vẫn nằm ngỗn ngang. Không thể cầm được nước mắt khi thấy khách lạ đến thăm hỏi, động viên, người dân nơi đây cho biết chưa khi nào thấy một cơn bão tàn phá mạnh như vậy, giữ được mạng người đến giờ này cũng đã là may mắn lắm rồi.

Ngôi nhà của một hộ dân đã được lực lượng chức năng hỗ trợ khắc phục sau bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh(Hà Tĩnh) là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, thiệt hại về nhà ở là rất lớn, có 36 ngôi nhà bị bão tàn phá hoàn toàn, 75 ngôi nhà thiệt hại rất nặng(từ 50 đến 70%), 494 ngôi nhà bị thiệt hại nặng(từ 30-50%), thiệt hại một phần(dưới 30%) 599 ngôi nhà và rất ít ngôi nhà còn nguyên vẹn. Công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra đang được triển khai gấp gáp nhưng đây là địa bàn xa trung tâm, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc hỗ trợ khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Ngôi nhà lợp tôn bị bão làm tốc mái đang chờ có điện để khắc phục

Ông Nguyễn Thái Toàn- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết: “Mặc dù bão đã đi qua hơn một tuần nhưng hiện giờ địa phương vẫn chưa có điện. Người dân chủ yếu dùng nước giếng khoan, máy xay lúa…không có điện nên chúng tôi đang rất thiếu nước sinh hoạt, gạo để ăn mặc dù lúa vẫn tích trữ đầy bồ….”.

Nhiều ngôi nhà trên địa bàn xã Kỳ Lạc bị đỗ xẹp sau bão

“ Phần lớn nhưng ngôi nhà của người dân bị bão làm tốc mái chủ yếu được lợp bằng tôn, không có điện nên việc khắc phục chưa thể thực hiện. Ngoài ra, mất điện cũng khiến các em học sinh các trường mầm non trên địa bàn chưa thể trở lại trường học bình thường. Được biết, phải hơn một tuần nữa chúng tôi mới được cấp điện hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Thái Toàn nói.

Nhà xiêu vẹo, cảnh tan hoang sau bão

Trở lại những ngôi nhà mà bão đi qua, cảnh tan hoang còn đó. Ngôi nhà ba gian của gia đình bà Nguyễn Niên ở thôn Lạc Vinh và nhiều hộ gia đình khác vẫn nằm xẹp giữa nền, chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Khi cơn mưa rào bất chợt trút xuống, ngôi nhà đã không còn khả năng che chở, người dân còn cách đứng dẫm chân nhau rúc dưới tấm tôn trú mưa, nhà còn may thì có tấm bạt giăng để ẩn trốn mà không khỏi nghẹn lòng.

Hai cụ già trên 90 tuổi ở xã Kỳ Lạc nhà bị tốc mái đang phải chôn chân trong túp lều tạm

Dọc đường vào các thôn xóm chứng kiến nhà tốc mái, nhà bị sập chẳng khác nào một cuộc chiến vừa đi qua. Trên khuôn mặt người dân vẫn chưa thể nở nụ cười, một tâm trạng dư âm thất thần, lo sợ mà họ vừa trải qua cuộc vật lộn trong nhiều giờ đồng hồ với cơn bão mạnh. Theo một chính quyền nơi đây, với hơn 70% dân cư chủ yếu sống dựa vào rừng, lo lắng nhất hiện giờ của người dân chính là hàng ngàn héc ta rừng keo tràm, được ví như “miếng cơm, manh áo”, chổ dựa về kinh tế bị đỗ gãy, không còn khã năng gượng dậy.

Rừng trồng là nối lo lớn nhất của người dân xã Kỳ Lạc sau bão

Được biết, để “giải cứu” người dân trồng rừng bị thiệt hại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị các cơ sở chế biến gỗ nguyên liệu ra tay thu mua rừng tràm bị đỗ gãy, tuy nhiên qua tìm hiểu rất khó để đạt kết quả khả quan. Bởi lẽ, rừng hiện tại đa phần bị đỗ gãy là cây keo tràm buộc phải tận thu trong thời gian ngắn do đặc tính loài cây. Chỉ tính riêng xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh có đến 4500 héc ta rừng bị thiệt hại, đa phần rừng nằm ở điểm sâu không thể khai thác trong thời gian một đến hai tuần, trong khi đó các cơ sở chế biến bắt đầu quá tải do nhiều địa phương khác đổ dồn, phương tiện thu mua tập trung nhiều không thể xử lý kịp.

Rừng trồng bị thiệt hại sau bão được thu mua nhưng quá tải

Không chỉ riêng gì xã Kỳ Lạc, một số xã vùng thượng của huyện Kỳ Anh như xã Kỳ Lâm, Kỳ Thượng… vẫn đang cùng chung cảnh ngộ. Với người dân nơi đây- tâm bão số 10 đi qua gần như là một cơn ác mộng, không mất mát về người nhưng tài sản đã bị bão lấy đi gần như cả một đời người xây dựng, họ vẫn chưa nghĩ sức mạnh tàn phá của cơn bão số 10 mạnh đến như vậy, với rất nhiều người đây là lần đầu tiên trong đời được chứng kiến.

“Rừng chịu thiệt hại có nhiều diện tích mới chỉ 2-3 năm tuổi, chưa thể sử dụng làm nguyên liệu. Người dân nơi đây xác định, trong 2-3 năm tới sẽ là thời gian khó khăn nhất khi nguồn thu đã bị bão lấy đi, chưa biết tính thế nào với cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con cái…”, lời ông Nguyễn Thái Toàn- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc nói trong tâm trạng buồn bã cứ bám riết chúng tôi trong hành trình ngược trở về xuôi.

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường

  Từ khóa: Hà Tĩnh , sau bão , hậu quả

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP