Nghi Xuân

Vụ vô ý làm cháy rừng tại xã Cổ Đạm: Mức án 5 năm 6 tháng tù giam với em Vững là quá nặng?

Gần 2 năm qua, mặc cho ông Hoàng Ngọc Trà, thương binh 3/4, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân và hàng chục người dân ở Hà Tĩnh nhiều lần đội đơn kiến nghị kêu oan cho em Hoàng Văn Vững vì những số liệu “áng chừng” của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Nghi Xuân mà 2 cấp tòa kết án 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng đối với tội vô ý làm cháy 1,6ha rừng quy hoạch phòng hộ. Nhóm phóng viên miền Trung Báo Người cao tuổi đã điều tra phản ánh sự việc này…

 >> Nghi Xuân: Lỡ làm cháy rừng, mang “án trọng”, cậu học trò nghèo kêu cứu

>> Nghi xuân: Đốt lửa nướng chim, đốt luôn cả rừng

Vô ý làm cháy rừng bị kết án cao hơn tội hủy hoại rừng?

Bản cáo trạng số 40/CTr-KSĐT ngày 8/10/2012 do Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân Đoàn Minh Quyền kí và Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2012/HSST ngày 22/11/2012 của TAND huyện Nghi Xuân do Thẩm phán Bùi Quang Năng kí thể hiện:

Vào khoảng 6 giờ ngày 18/7/2012, Hoàng Văn Vững, sinh ngày 10/11/1993 ở thôn 1, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh lên núi Khe Dọc xã Cổ Đạm để bẫy chim… Đến khoảng 10 giờ cùng ngày Vững đã bẫy được 3 con chim đầu chao đem vặt lông và nhóm lửa nướng để ăn cùng mì tôm cho đỡ đói. Trong khi đang nướng chim thì nghe tiếng chim khiếu hót phía dưới núi, Vững đặt 3 con chim đang nướng dở lên than và chạy xuống nơi đặt bẫy để kiểm tra nhưng không thấy con chim nào mắc bẫy. Do trời nắng nóng, Vững ngồi nghỉ trong bụi cây và bị ngủ quên cho đến lúc thấy nóng và nghe tiếng nổ lốp bốp, tỉnh dậy thì lửa đã cháy lan từ nơi nướng chim ra xung quanh. Vững vội dùng dao chặt cây để dập lửa nhưng đám cháy càng lan rộng không thể dập được nên bỏ chạy về sườn núi phía Tây trốn, đến khoảng 20 giờ cùng ngày về nhà và thú nhận việc làm của mình… Ngày 25/7/2012, Vững tìm lại được chiếc bật lửa bị rơi bên sườn núi nộp lại cho Cơ quan Điều tra… Thế nhưng Cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Nghi Xuân và Tòa sơ thẩm, phúc thẩm địa phương sở tại cho rằng: “Do thiếu ý thức bảo vệ rừng, Hoàng Văn Vững đã không thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy vi phạm các hành vi bị cấm trong rừng, làm cháy 59.994m2 rừng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng – xử phạt Vững 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng theo khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự – vượt quá tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự: 1. “Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Dùng số liệu “ma” để chủ quan kết tội?

Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số 39/KLĐT ngày 3/10/2012 do Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an huyện Nghi Xuân – Thượng tá Trần Văn Anh kí nêu: “Hiện trạng rừng bị cháy thuộc khoảnh 6, tiểu khu 93 địa phận xã Cổ Đạm. Diện tích bị cháy 59.940.000m2; đối tượng rừng: Quy hoạch rừng phòng hộ trong đó diện tích có rừng (thông + keo): 45.000.000m2, năm trồng 2004 – 2005. Diện tích rừng bị cháy có khả năng phục hồi 26.000.000m2; rừng bị thiệt hại 18.200.000m2; số cây bị cháy là 2.372 cây; số cây không có khả năng phục hồi là 660 cây (thông 517cây, keo 143 cây)”… Với số liệu này, Cơ quan Quản lí rừng phòng hộ Hồng Lĩnh yêu cầu bị can phải bồi thường thiệt hại  59.331.167 đồng; UBND xã Cổ Đạm yêu cầu phải bồi thường thiệt hại liên quan đến việc chữa cháy là 7.760.000 đồng. Thế nhưng khi ông Hoàng Ngọc Trà (bố bị can) đọc bản kết luận, ông biết diện tích rừng bị cháy không những sai lệch cơ bản so với thực tế mà còn được nâng từ con số hàng nghìn lên hàng triệu. Ông đã trực tiếp gặp lãnh đạo Cơ quan CSĐT đề nghị sửa lại con số trong văn bản và đo lại diện tích rừng bị cháy nhưng không được chấp nhận. Bức xúc về sự việc này, ông Trà đưa Bản kết luận điều tra cho bà con thôn xóm xem, nhiều người dân lao động trực tiếp tham gia dập lửa, đã sững sờ tròn cả mắt và nói rằng: Rừng bị cháy khoảng hơn 1,6ha, sao họ lại cho là 5.994ha? Không biết Cơ quan CSĐT dựa vào đâu mà đưa ra con số khủng khiếp như vậy?

hatinh24h

Mặc dù con số diện tích rừng bị cháy trong cáo trạng của Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân được sửa còn 59.994m2, nhưng Viện trưởng Viện KSND huyện Nghi Xuân vẫn coi diện tích có rừng là 45.000.000m2, diện tích rừng bị cháy có khả năng phục hồi là 26.000.000m2 để  kết tội cho bị can vi phạm Nghị định quy định về phòng cháy chữa cháy rừng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự, đề nghị phạt tù Vững vượt quá khung hình phạt luật quy định.

Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Nghi Xuân không chỉ “phô-tô” lại số liệu trong bản cáo trạng mà còn quy cho Vững tội làm cháy “rừng quy hoạch phòng hộ” sang “cháy rừng phòng hộ” từ trên 5.000m2 đến 7.500m2. Áp dụng khoản 3 Điều 240, điểm b, p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hoàng Văn Vững 5 năm 6 tháng tù, bồi thường 67.091.167 đồng mà không áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Ngày 24/1/2013, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh do Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Phan Thanh Hoài, các Thẩm phán Trần Thị Thu Hiền, Phan Thị Hồng Phượng vẫn y án sơ thẩm mặc dù bị cáo, thân nhân và bà con nhân dân ở xã Cổ Đạm đồng loạt kêu oan và đề nghị đo lại diện tích rừng bị cháy nhưng không được chấp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Tống Chí Nguyện, chủ hộ bảo vệ rừng cho biết “phần rừng nhà tôi chỉ bị cháy hơn 1ha”; ông Phan Văn Tấn (hộ có diện tích rừng bị cháy) khẳng định “rừng nhà tôi bị cháy khoảng 0,6ha”. Các ông Trần Văn Niêm, người nhận bảo vệ rừng gần với hai hộ nói trên khẳng định rằng: “Chính tôi trực tiếp cùng ông Tấn và cha con ông Trà dùng thước dây 50m đi đo từng vùng cháy trên núi, cả thảy có 17 vùng tổng cộng lại chỉ 16.005m2 nhưng tại sao các tổ chức, cá nhân liên quan lại cho là 59.994m2 để phạt tù Vững với hình phạt cao như vậy?”.

Ông Phan Công Thành, Trưởng Công an xã Cổ Đạm nói: “Tôi được tham dự khám nghiệm hiện trường, nhưng thực tế hôm đó trời nắng nóng, áp huyết bị tăng cao nên khi đến Khe Dọc thì ở lại. Tôi không đo và không biết diện tích rừng bị cháy thực tế là bao nhiêu, cũng không kí vào biên bản khám nghiệm hiện trường”.

Khi gọi điện nói chuyện với ông Nguyễn Trung Thông, cán bộ kĩ thuật Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân để tìm hiểu cách xác định diện tích rừng bị cháy thì ông Thông miễn cưỡng trả lời: “…đo bằng dây”, “…đo bằng máy”, sau đó lại… “đo cả bằng dây và bằng máy”. Ông Trà gặng hỏi: Các anh đo bằng máy loại gì, của ai thì ông Thông trả lời đo bằng… máy định vị tọa độ?

Ông Hoàng Văn Trà khẳng định: Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập vào hồi 10 giờ 30 ngày 19/7/2012 xác định 6 vùng cháy có kích thước thật là “vuông thành, sắc cạnh”: (15x20m; 5x20m; 4x10m; 20x80m; 150x200m; 155x180m) với tổng diện tích 59.994m2, kết thúc vào hồi 12 giờ cùng ngày do đại diện Cơ quan CSĐT, Viện KSND, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lí rừng phòng hộ kí là không có cơ sở, trái với diện tích thực tế rừng bị cháy.

Án oan sai cho em Vững cần được xem xét?

Như đã phân tích ở trên, các cơ quan liên quan và hai cấp Tòa xét xử đã lấy số liệu “áng chừng”, “áp” cho Hoàng Văn Vững “phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự mà không áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào mặc cho Vững đã có ít nhất ba tình tiết. “Bị can tự nguyện bồi thường thiệt hại và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Vững đã chặt cành cây dập lửa nhưng đám cháy đã lan rộng không thể dập được” thuộc khoản a, b và p Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Điều 47 Bộ luật Hình sự quy định bị can được giảm nhẹ hình phạt “Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự”. Bởi vậy, nếu như diện tích rừng bị cháy là có thật và nằm trong khoảng 5.000m2 đến 7.500m2 thì Vững cũng chỉ bị “… phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” theo khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Từ một bản án bị hai cấp tòa xét xử thiếu công minh, dư luận bất bình, báo chí đã phản ánh và được nhiều người đồng loạt kêu oan kể cả Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng nói rằng: “Khi bị cáo yêu cầu xác định lại diện tích rừng bị cháy, Tòa phúc thẩm hoàn toàn có thể sửa án theo hướng giảm nhẹ tội hoặc chuyển khung hình phạt thấp hơn… Nếu thận trọng hơn tòa cũng có thể hủy án sơ thẩm để yêu cầu điều tra xét xử lại từ đầu vì vi phạm tố tụng trong việc xác định chứng cứ… không nên máy móc áp dụng các quy định của pháp luật cứng nhắc để góp phần hủy hoại tương lai một con người. Bao nhiêu mơ ước, hi vọng của bản thân và gia đình Vững còn đang ở phía trước giờ bị lu mờ bởi một bản án tù không đáng. Mức án năm năm sáu tháng tù với em là quá nặng, em không đáng phải nhận sự trừng phạt cao như vậy” thế mà đến nay các cơ quan tham gia tố tụng vẫn làm ngơn

 Chí Thúc – Kiều Liệu – Xuân Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP